Tiếng rao nuôi lớn đời con

Giữa phố xá tấp nập, tiếng còi xe inh ỏi pha lẫn nhiều âm thanh quen thuộc, một tiếng rao trong trẻo cất lên: Ai mài dao, mài kéo không…

Chiếc xe đạp là bạn đồng hành cùng ông Tường trên khắp nẻo đường mưu sinh

Tiếng rao ấy đã trở thành một phần nhỏ bé của cuộc sống thành thị, gắn liền với hình ảnh những người thợ cần cù, chịu thương chịu khó.

Hơn 20 năm theo nghề mài dao, kéo dạo

Ở Tây Ninh, số người theo nghề mài dao, mài kéo dạo có lẽ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Hình ảnh người đàn ông có dáng người nhỏ nhắn, mang kính cận, mặc áo công nhân bạc màu, đạp xe rong ruổi trên các nẻo đường cùng tiếng rao “ai mài dao, mài kéo không…” không xa lạ với người dân chợ Tây Ninh và khu vực lân cận. Đó là ông Nguyễn Văn Tường, sinh năm 1962, ngụ huyện Châu Thành, một trong số ít người còn theo nghề này.

Ông Tường đã gắn bó với nghề mài dao kéo dạo hơn 20 năm qua

Ông Tường sinh ra ở quê lúa Thái Bình, vào miền Nam lập nghiệp. Trải qua nhiều công việc, nhưng có lẽ nghề mài dao, mài kéo hợp với ông vì nghề này không cần quá nhiều vốn liếng. Những ngày đầu theo nghề, ông gặp không ít khó khăn. Công việc đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và sức khỏe tốt. Phải mất nhiều thời gian học hỏi và sáng tạo, ông mới sắm cho mình bộ đồ nghề ưng ý.

Trải qua hơn hai thập kỷ làm nghề, ông Tường chia sẻ, để mài cho dao, kéo sắc bén không đơn giản, đòi hỏi người làm kinh nghiệm, tỉ mỉ, không phải ai mài cũng bén. Bởi mài dao, kéo thủ công không phải bằng máy móc hiện đại nên đòi hỏi phải mài giũa kỹ lưỡng. Có nhiều loại đá mài khác nhau: viên đá mài lớn để mài thô, viên đá mài nhỏ dùng mài mịn; những viên đá để mài cho dao, kéo lên màu, một chiếc máy mài để dùng khi dao, kéo bị mẻ... Vừa kể chuyện nghề, vừa thoăn thoắt mài giũa không ngừng, cánh tay ông Tường chằng chịt đường gân, màu da nâu vì dầm sương gió. Chừng 10 phút trôi qua, con dao, cái kéo được mài sắc bén. Mỗi khi mài xong, ông lại dùng những ngón tay của mình quẹt nhanh trên lưỡi dao để kiểm tra độ sắc bén.

Ông tâm sự, khách mối thường xuyên của ông là chủ những sạp thịt, cá ngoài chợ, vì vài ba ngày là dao, kéo của họ bị cùn; còn khách hàng gia đình thì tầm vài tháng dao, kéo mới cần mài lại. Khi được hỏi về sự vất vả của nghề, ông chỉ cười. Với ông, bất cứ nghề nghiệp nào cũng có vất vả riêng, nên đã chọn nghề thì tất nhiên phải chấp nhận. Ông mang tinh thần lạc quan, tích cực cùng nụ cười luôn nở trên môi khi trò chuyện với khách hàng, khiến từng đường mài dường như nhẹ nhàng hơn.

Nhờ sự cần mẫn, tỉ mỉ, ông Tường trở thành người thợ mài dao, mài kéo giỏi có tiếng, được nhiều khách hàng tin tưởng. Có nhiều người chỉ cần nghe tiếng rao của ông vang từ đầu hẻm đã chuẩn bị dao, kéo sẵn để ông đến làm. “Tôi biết ông Tường hơn 10 năm, gia đình tôi là khách mối của ông, tầm 3 tháng là tôi liên hệ ông đến nhà để mài dao, kéo. Ông làm rất kỹ, tính tình ông thật thà nên được lòng mọi người”- bà Doãi, ngụ huyện Châu Thành chia sẻ.

Mỗi ngày, ông chất đồ nghề lên chiếc xe đạp cà tàng, rồi đạp xe đến các chợ, từng ngõ hẻm ở các huyện lân cận. Vất vả ngược xuôi, ông kiếm được từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng. Đối với ông Tường, phía sau là cả một gia đình, vì thế, ông luôn nhẫn nại, cố gắng vì tương lai, hạnh phúc của các con. Thu nhập từ nghề tạm ổn, ông đủ để trang trải cuộc sống gia đình và lo cho con cái ăn học.

Xây tương lai cho con

Hai người con trai của ông Tường đều đang học tại Thành phố Hồ Chí Minh, người con trai lớn là sinh viên năm 3, Trường đại học Khoa học tự nhiên; con trai út là sinh viên năm 2 Đại học FPT. Ông Tường luôn mong muốn hai con được học hành thành tài, có một tương lai tươi sáng. Vì vậy, ông đã dồn hết tâm sức, dành dụm tiền bạc nuôi con ăn học.

Dù cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, ông Tường vẫn lạc quan và hy vọng, với sự nỗ lực của bản thân, sự động viên của các con, ông sẽ vượt qua tất cả khó khăn để nuôi các con ăn học thành tài. “Tôi làm nghề chỉ mong sao cho con cái có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi biết rằng, học đại học là một con đường gian nan, nhưng mình vẫn muốn con được học hành, để có thể tự lập, tự lo cho bản thân và gia đình sau này”- ông Tường tâm sự.

Các con đi học xa, vợ chồng ông ăn uống dè sẻn, không dám mua sắm mà chắt chiu tiết kiệm từng khoản nhỏ để có tiền gửi cho con ăn học.

Những ngày đầu nhập học, hai người con trai của ông Tường gặp không ít khó khăn. Họ phải xa nhà, xa gia đình, phải tự lo cho bản thân, học tập trong môi trường mới. Ông Tường động viên, khích lệ các con cố gắng học tập, vượt qua thử thách. Nhờ sự nỗ lực của bản thân và động viên từ gia đình, hai người con trai của ông Tường học tập rất tốt.

Nhắc đến hai người con, ánh mắt ông Tường sáng lên, dường như bao mệt nhọc trong ông đều tan biến, thay vào đó là niềm hạnh phúc, tự hào của người cha. Đối với gia đình ông, hạnh phúc nhất là khi nhìn ngắm các con “bay” vào đời với đôi cánh vững vàng. Đó là trách nhiệm, cũng là phần thưởng cao quý dành cho ông trong việc vượt khó nuôi con ăn học “đến nơi đến chốn”.

Hoàng Yến

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/tieng-rao-nuoi-lon-doi-con-a166080.html