Tiếng lòng của một nhà giáo trong 'Đêm nằm nghe ký ức'

Đêm nằm nghe ký ức là 'đứa con đầu lòng' của nhà giáo Ngô Minh Oanh (Trường ĐH Sư phạm TPHCM) trên con đường duyên nợ với văn chương.

Ngô Minh Oanh là một nhà viết sử, nhưng trước hết anh là một thầy giáo dạy môn Lịch sử. Thế mà không biết cơ duyên nào đã đưa anh đến với thơ ca.

Ngô Minh Oanh có thơ đăng nhiều ở Tạp chí Văn Nghệ thời đi dạy ở Trường ĐH Tây Nguyên, nhưng “Đêm nằm nghe ký ức” (ĐNNKƯ) do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2023 mới là “đứa con đầu lòng” của anh trên con đường duyên nợ với văn chương. Hơn 50 bài thơ trong tập “Đêm nằm nghe ký ức” của Ngô Minh Oanh đã thắp lửa cho miền ký ức rực sáng trong tâm tưởng.

Đi ngược chiều thời gian để trở về quá khứ, mạch thơ Đêm nằm nghe ký ức đã làm sống lại từng cảm xúc non tơ, hồn hậu của tuổi hoa niên được hít thở trong không gian quê nhà nơi có dòng Kiến Giang dạt dào kỷ niệm.

Ví mình như mầm cây non được cắm rễ vào mạch nguồn đất mẹ để tươi tốt lá cành, tác giả không thể nào quên ơn một giọng hò khoan Lệ Thủy, đất mẹ Quảng Bình; một mái chèo người lái đò chỉ còn 1 chân như sinh thành dưỡng dục đời mình: “Nước dạy tôi biết bơi trước khi biết chữ/ Sông cho tôi biển cả tầm nhìn” (Trĩu nặng sông quê).

Tập thơ “Đêm nằm nghe ký ức” của thầy giáo Ngô Minh Oanh.

Tập thơ “Đêm nằm nghe ký ức” của thầy giáo Ngô Minh Oanh.

Nhưng bao trùm lên tất cả là tình yêu quê hương, nghĩa gia đình đã in vào trong mỗi bước chân cuộc đời của con người. Đó là hình ảnh lão nông góp công cho trận địa pháo bắn rơi máy bay giặc, dạy con cháu cách giữ rừng lấn biển được đúc kết trong dáng hình ông nội thân thương: “Thương nội cả một đời lận đận/ Dõi cháu, con mỗi bước đường xa” (Nội ơi).

Ngay cả lúc vào thăm đền Âu Cơ, anh cũng bật nhớ đến mẹ vì tìm thấy được những nét tương đồng. Đó là đức hy sinh bằng tấm lòng cao cả với các con và cả đất nước mình.

“Con nhìn thấy mẹ trong mẹ Âu Cơ/Còn mẹ Âu Cơ hiện hình trong mẹ” (Thăm đền Âu Cơ, nhớ mẹ)- một sự liên tưởng táo bạo nhưng gợi nên bao điều suy nghĩ cho thế tương lai và những ai được kế thừa cuộc sống.

Lời thơ của anh không diêm dúa, cao sang mà rất thực, rất đời nhất là khi ngưỡng vọng tình mẫu tử: “Gáo nước mẹ tắm cho tôi đầu đời/ Được múc lên từ bến sông quê” (Trĩu nặng sông quê). Yêu những lối đi chưa mòn bước, yêu từng cánh đồng nặng hạt mồ hôi, đặc biệt chảy tràn trong thơ anh là cả một dòng sông vừa thực vừa hư. Con sông quê không chỉ là bạn tri kỷ mà còn là 1 ân nhân nặng nghĩa tình được thơ anh trau chuốt từng câu, từng bài (Hò khoan của mẹ, Trĩu nặng sông quê, Bà tôi).

PGS.TS Bùi Thanh Truyền (Trưởng khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TPHCM) có nhận xét: “Như đã định vị từ nhan đề, tập thơ trước hết là hoài niệm về một thời xưa cũ như giãi bày của nhân vật trữ tình. Bao vùng đất đã đi qua, đã sống và đã yêu đều lưu dấu ngày tháng cũ, đều có dáng nét quê hương”.

Tôi thích những câu thơ bồi hồi nhớ lại kỷ niệm đẹp từng làm con tim yêu rung nhịp đập đầu đời. Ngại ngùng, e ấp pha trộn cả đắm say tình tứ nồng nàn (Eva người còn trẻ lắm/ Dắt tôi đi trong chiều mơ/ ... Lo âu đã về ngập lối/ Ngập ngừng run rẩy làn môi” (Dấu cát). Ngắm nhìn đám tuyết rơi lòng yêu cũng bồi hồi kỷ niệm: “Tuyết bay như lời thúc giục/ Đầy vơi chiều nay lòng anh” (Tuyết và em).

Có may mắn đặt chân khắp mọi miền đất nước, thơ Ngô Minh Oanh phóng tầm mắt ra xa để ôm trọn hết vẻ đẹp của thiên nhiên cũng từng địa danh và mỗi quốc gia. Côn Đảo xa vời vợi nhưng tràn ngập tình người: “Mạn thuyền bịn rịn giờ đưa tiễn/ Hẹn ngày tái ngộ với Côn Sơn” (Tình người Côn Đảo). Màu xanh chiều Vĩnh Lợi đưa trở về thời bom đạn chiến tranh, thời tuổi thơ đi sơ tán: “Gặp tuổi thơ giữa tràm chim Vĩnh Lợi/Rưng rưng niềm nhung nhớ cố hương (Chiều tràm chim Vĩnh Lợi).

Nhưng sâu đậm nhất là vùng đất mưa nắng Tây Nguyên, nửa đời anh từng gắn bó (Chiếc gùi của Amí, Cảm nhận Pleiku). Ngày trở về thăm lại, hạnh phúc rưng rưng trong mỗi vần thơ: “Ký ức ùa về theo mỗi bước chân” rồi “Ký ức là trầm tích của hồn tôi”.

Nhà giáo Ngô Minh Oanh tặng sách cho một người bạn.

Nhà giáo Ngô Minh Oanh tặng sách cho một người bạn.

Cũng theo PGS.TS Bùi Thanh Truyền, nếu chỉ là ký ức, thơ dễ lạc dấu đời. Chiêm nghiệm từ những điều trông thấy, sự đồng hành nhập cuộc cùng thực tại đời sống sẽ mang lại chất sống, vẻ tươi xanh cho thơ. Đêm nằm nghe ký ức đã làm tròn được sứ mệnh này. Không chỉ là hoài niệm, nhiều ý thơ mang tầm khái quát cao về lẽ đời, đạo sống; đúc rút bao la chiêm nghiệm mà chỉ người từng trải mới nhìn thấy.

Đến với Côn Đảo nhìn hàng cây vững chãi vượt qua bao sóng gió của thời gian vẫn vững vàng, tác giả đã hiểu được nỗi lòng thiên nhiên: “Lạ kỳ thay cây cũng như người/ Biết tựa vào mình, tựa vào nhau sống chết ...” (Những hàng cây ở banh Một). Chùm Cây bụt mọc 3 bài làm theo thể tứ tuyệt chính là sự đúc kết cô đọng nhất về cuộc sống , như một lời nhắc nhở về đạo đức thanh tao: “ “Không ham màu mỡ trong lòng đất/Nên rễ mọc lên thưởng khí trời” là lối sống ngay thẳng cương trực của cây: “ Chồi mọc thẳng ngay, rễ vươn ngạo nghễ/Dẫu khác người, cây tựa chính đời cây”. Trường ngữ nghĩa trong mạch thơ anh còn để lại hình hài rõ nét trong các bài thơ Biển Nhân tạo, Lá, Tâm sự, Nghịch lý).

Cùng với các thiên thần áo trắng, trong mùa dịch bệnh năm 2022, Ngô Minh Oanh đã có chùm thơ viết về cuộc chiến đấu sinh tử này. Đó cũng là lần đầu tiên tôi biết anh làm thơ sau mỗi giờ đứng lớp. Bài thơ "Tiếng dương cầm" trong đêm giãn cách và các bài khác đã được Hội Nhà văn TPHCM chọn đăng trong tuyển tập thơ ca Nhân Nghĩa đất phương Nam. Phải chăng đó cũng là động lực anh cho ra đời tập sách đầu tiên.

Phan Ngọc Quang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tieng-long-cua-mot-nha-giao-trong-dem-nam-nghe-ky-uc-post636638.html