Tiếng chim xanh biếc …

Tôi nhớ nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm đã từng quan niệm thơ hay chủ yếu nằm ở nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ. Dù tứ thơ có lạ bao nhiêu đi chăng nữa, mà nhà thơ không sáng tạo được từ mới, hình ảnh mới thì cũng giống như người ta ăn cơm nguội, uống rượu nhạt vậy.

Bìa tập thơ "Tiếng chim xanh biếc"

Dẫn điều trên người viết bài này muốn nói rằng, tiếp sau các tập thơ "Khói tỏa về trời" (NXB Đà Nẵng 1994), "Bên ngoài cánh đồng" (NXB Đà Nẵng 2003), "Nắng trên đồi" (NXB Đà Nẵng 2011), "Bên cửa sổ", "Biến thể" (NXB Hội Nhà văn 2021), thì tập thơ mới nhất có tên "Tiếng chim xanh biếc" (NXB Hội Nhà văn 2023), anh vừa cho ra mắt bạn đọc có thể nói là tập thơ mà tác giả đã sáng tạo nên nhiều thi tứ, hình ảnh mới mẻ nhất…

Giấu trong tiếng chim xanh biếc ấy là cả một bầu trời rộng mở nhiều suy tưởng từ những hình ảnh tuy gần gũi nhưng có khả năng neo mắc vào dòng thời gian, neo mắc vào lòng người nhiều ngẫm ngợi, "tạo nên mối giao cảm với tâm hồn người đọc. Mỗi bài thơ có một đời sống riêng, một ký gửi sâu nặng của nhà thơ với cuộc sống hôm nay" (Nguyễn Ngọc Hạnh).

Tập thơ với gần 100 bài chia làm 4 chủ đề: Đêm Hội An, Khúc xuân phố biển, Biển xanh bóng núi và Chữ tri âm. Với chủ đề đầu tiên anh đã dành 17 bài để viết về nơi này. Hội An qua thơ anh là những bức tranh với những gam màu khác nhau được vạch kẻ bởi những đường nét tinh tế, khắc họa hồn phố xưa ở những vị trí, thời điểm khác nhau. Song hơn cả điều ấy, theo người viết bài này, đó là tài quan sát của nhà thơ. Từ đây, tác giả cho ta cảm nhận bước dịch chuyển thời gian, quy luật chảy trôi, biến hóa của vạn vật và cả sự đồng hiện không gian, thời gian nên bức tranh ấy vừa tĩnh nhưng lại động. "…Nghe đâu đây mùi hương/ Quấn quýt chùm hoa giấy/ Chùa Cầu làn gió mỏng/ Phiêu bồng cùng mái rêu" (Ban mai Hội An), hay "Không gian nắng, thời gian mưa/ Bức tranh nâu đậm nóc chùa gỗ thơm" (Đêm Hội An).

Chủ đề hai phần tiếp theo, thơ anh dẫn dắt ta đi đến nhiều vùng đất, địa danh… và qua trải nghiệm của cảm xúc đã tạo nên nhiều thi tứ kết hợp kiểu: lạ- quen nhưng lại không xa lạ trong từng cung bậc cảm xúc. Những bài như "Uống trà vỉa hè Hà Nội", " Cảm xúc phở Hà Nội", "Mũi Cà Mau và em", "Đà Lạt say"… là tiêu biểu cho thi tứ, cảm xúc, bất chợt, bùng phát, lóe ra để tạo nên những hình tượng thơ thú vị, bất ngờ trong cảm nhận của người yêu thơ.

"Ủa đêm nay/ Đà Lạt sao chếnh choáng/ dốc nghiêng lên quẹo xuống chập chờn/ Hàng thông cứ chắn ngang lối bước/Ta tỉnh khô Đà Lạt say mềm…" (Đà Lạt say). Hay "Quy Nhơn, chiều mưa câu thơ nhớ/ Thời gian tóc bạc biển xanh ngời/Anh gói làn hương đôi môi tím/Làm lá bùa đeo neo khoảng trống không lời" (Thơ tình Quy Nhơn bài 1).

Điều thích thú với người viết bài này là những bài thơ anh dành tặng cho những người bạn văn chương nghệ thuật (chủ yếu thông qua tác phẩm văn chương, nghệ thuật của họ- Phần Chữ tri âm) với những cảm xúc thật sự thăng hoa, trong các cung bậc như: dại ở cái tình si, buồn vui, suy nghiệm kể cả những dằn vặt, mất mát, đau đớn… "17 năm căn bệnh ung thư giằng xé em/ Từng tế bào thịt da tóe máu/Khi em ngã bệnh/ Đứa con đầu học lớp ba/ Đứa sau tròn 3 tuổi/ Đớn đau quá em quỳ trước vầng trăng sáng/Xin trời cao tha thứ/ Trời không thấu biển vẫn gầm gào sóng/ Em buông tay quằn quại bãi cát dài…" (Tiễn Khánh Hồng) hay "Hà Nội mùa xuân trở lạnh/ Dương Tường quay gót/Bóng tạc vào tường cao/ Khát vọng con người/Bóng tạc vào tôi/Chân trời/ Nước mắt" (Kính tiễn Dương Tường).

Điều đáng nói đằng sau những câu thơ nhiều khi trăn trở, đớn đau kia, lại toát lên sự đồng cảm, sẻ chia để rồi mọi người càng tin yêu hơn cuộc sống hiện tại, tin yêu hơn cuộc đời, lòng nhân ái trong mỗi một con người… để cuộc đời này còn biếc xanh một tiếng chim giữa bầu trời thơ hồn hậu, tĩnh tại đến minh triết.

Phải chăng đó cũng chính là khả năng kỳ diệu, sức đề kháng của tâm hồn thi nhân với những trong -đục, vô thường của cuộc đời: "Quán café đứng yên/Những bức tranh nằm yên/ Trôi bên ngoài gió bụi… (Những bức tranh trên tường) hay "Người đàn bà yêu từng giây phút sống/Tám mươi tuổi thanh xuân mặc sợi tóc chuyển màu/Trái tim vẫn nồng nàn hoa sen trắng/Ngày cạn lòng chị dọn phía đêm sâu" (Người đàn bà thơ-Thơ tặng chị Vạn Lộc).

Xin được mượn câu nói của nhà thơ Chế Lan Viên để khép lại đôi dòng cảm nhận về tập thơ "Tiếng chim xanh biếc" vừa vút lên trong bầu trời thơ Nguyễn Nho Khiêm: Thơ ca bắt rễ từ lòng người và nở hoa nơi từ ngữ. Sau câu thơ hồi hộp những tâm tình.

Võ Văn Trường

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/tieng-chim-xanh-biec--post285294.html