Tiên Yên: Đổi mới phương thức lãnh đạo và những mục tiêu phát triển

Trong 2 năm qua, Huyện ủy Tiên Yên thường xuyên bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chủ động nắm chắc tình hình, chỉ đạo thực hiện hoàn thành nhiều nội dung đạt kết quả cao.

Thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU (ngày 28/02/2014) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh về “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tinh giản bộ máy, biên chế”. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, cần tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) đã nghiêm túc tổ chức học tập, nghiên cứu đầy đủ các nội dung của Chỉ thị số 25-CT/TU. Trong 02 năm qua, Huyện ủy Tiên Yên thường xuyên bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, chủ động nắm chắc tình hình, đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và các giải pháp linh hoạt, phù hợp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành nhiều nội dung đạt kết quả cao.

Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức Hội nghị học tập, nghiên cứu, quán triệt Chỉ thị số 25-CT/TU (thông qua đường truyền trực tuyến) cho đối tượng là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong toàn huyện. Đồng thời, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở quán triệt, tuyên truyền về chủ trương, ý nghĩa của Chỉ thị tới đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện để tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện.

Ông Trương Công Ngàn (Bí thư – Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên): “Nhất thể hóa - yêu cầu người cán bộ phải có đủ năng lực, chịu được vất vả và áp lực công việc”

Nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 25-CT/TU, Huyện ủy đã ban hành 1 chỉ thị, 5 quyết định, 5 kế hoạch và nhiều công văn để chỉ đạo triển khai thực hiện; chỉ đạo UBND huyện, các xã, thị trấn xây dựng các Đề án thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU; trên cơ sở đó, tiến hành xây dựng Đề án cấp huyện với tên gọi "Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế" (gọi tắt là Đề án 25).

Qua đó, Huyện ủy đã chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức từ huyện đến cơ sở. Đến nay, tổ chức, bộ máy trong huyện nhìn chung đảm bảo đồng bộ, tinh gọn, phân định rõ người, rõ việc, khắc phục tình trạng trùng chéo hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ; đảm bảo nguyên tắc một cơ quan có nhiều chức năng, một người làm nhiều việc; một việc chỉ giao cho một người hoặc một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm. Phân công cấp ủy viên phụ trách, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị đối với các ngành, lĩnh vực và các tổ chức đảng trực thuộc.

Thực hiện bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý có cạnh tranh thông qua trình bày chương trình công tác; thí điểm thực hiện chế độ tập sự lãnh đạo, quản lý (tập sự 6 tháng); luân chuyển 13 cán bộ các phòng, ban, đơn vị huyện về làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND tại 10/12 xã, thị trấn (trong đó cán bộ trẻ từ 40 tuổi trở xuống là 8 đồng chí); thực hiện luân chuyển giữa các xã 8/12 đồng chí Phó Bí thư có thời gian giữ chức vụ 7 năm trở lên và do yêu cầu công tác; đồng thời luân chuyển một số đồng chí cấp Trưởng phòng có thời gian giữ chức vụ 7 năm trở lên; điều chuyển 18 công chức kế toán và công chức địa chính xã, thị trấn theo Nghị định 158 và Nghị định 150 của Chính phủ.

Đối với các phòng, ban, đơn vị: Đã tinh giản 53 cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ và 10 cán bộ theo Nghị định số 26/2015/NĐ-CP của Chính phủ (trong đó: 38 viên chức, 25 cán bộ công chức cấp huyện, xã). Các đối tượng thuộc diện tinh giản đều đồng thuận với chủ trương và tự nguyện viết đơn xin nghỉ hưu trước tuổi.

Chấm dứt hợp đồng lao động 110 nhân viên hợp đồng các cơ quan, đơn vị (trong đó 65 hợp đồng lao động tại các trường học). Đối với các xã, thị trấn: Chỉ đạo rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách và xây dựng vị trí việc làm đối với các chức danh. Theo đó, 100% các xã, thị trấn đã đăng ký sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức thấp hơn so với định biên. Kết quả: Cán bộ, công chức cấp xã: Giảm được 60 người (chiếm 21,3%) so với quy định của Chính phủ; giảm 29 người (chiếm 10,3%) so với thực tế sử dụng trước khi thực hiện Đề án 25. Người hoạt động không chuyên trách: Giảm được 135 người (chiếm 54,4%) so với quy định của Chính phủ; giảm 39 người (chiếm 15,7%) so với quy định của tỉnh và giảm 58 người (chiếm 23,4%) so với thực tế sử dụng trước khi thực hiện Đề án 25. Thôi chi trả phụ cấp đối với 1.398 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, khu phố.

Đến nay, công tác xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng được nâng lên; phương thức lãnh đạo có nhiều đổi mới, nhất là trong chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới. Tổ chức bộ máy được sắp xếp tinh gọn, hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ và có hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được tinh giản; trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc, ý thức và tinh thần trách nhiệm cơ bản được nâng lên.

Theo ông Trương Công Ngàn (Bí thư – Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên): Việc “nhất thể hóa” theo Đề án 25 sẽ không phải trải qua khâu truyền tải, tham mưu, chỉ đạo một cách “vu vơ” mà phải dựa trên tinh thần giữa chỉ đạo của Đảng – hành động của Chính quyền để làm việc và chịu trách nhiệm với việc ra Nghị Quyết. Khó khăn ở đây chính là công việc sẽ nhiều hơn, vất vả hơn nên phải yêu cầu yếu tố con người cần có đủ năng lực mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Để tránh độc đoán, chuyên quyền phải xây dựng cụ thể quy chế, cơ chế đối với việc “nhất thể hóa”. Cũng theo ông Ngàn chia sẻ, Tiên Yên là một huyện miền núi của tỉnh Quảng Ninh, là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh với 50% là đồng bào dân tộc thiểu số, không có tài nguyên khoáng sản.

Việc tinh giảm bộ máy, tinh nhuệ cấp lãnh đạo theo Đề án 25 đã được thực hiện tốt và đảm bảo. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh phát triển về mặt kinh tế luôn là bài toán mà Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Tiên Yên luôn phải nỗ lực hết mình tìm hướng đi hiệu quả với những thế mạnh chủ lực.

Huyện đang nỗ lực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các dự án; phát triển về kinh tế biển (nuôi trông thủy hải sản: nuôi tôm,...); phát triển lâm nghiệp (trồng keo và chủ trương trồng rừng gỗ lớn); phát triển theo mô hình “mỗi xã/phường là một sản phẩm” với định hướng chăn nuôi – trồng trọt như: gà Tiên Yên, cây dược liệu (cà gai leo,...). Bên cạnh đó huyện cũng sẽ phát triển dịch vụ du lịch theo lợi thế nhằm kéo tạo sự hấp dẫn đối với khách du lịch bằng những lợi thế sẵn có như: Khu rừng ngập mặn, thác Pạc Sủi, mũi Lòng Vàng,...

Trần Hải/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/tien-yen-doi-moi-phuong-thuc-lanh-dao-va-nhung-muc-tieu-phat-trien-p42466.html