Tiền tỷ mua kỉ niệm chương TKV: Đeo cổ, đánh gió...đều được!

Đeo ở cổ như một chiếc dây chuyền, để trong tủ bày, mà cái này làm bằng bạc nên khi ốm, cảm cúm dùng đánh gió hoàn toàn được...

Đã lựa chọn quà tặng rất kỹ

Năm 2016, đánh dấu sự kiện tròn 80 năm ngày truyền thống công nhân vùng mỏ. Nhân sự kiện này, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã cho làm hơn 1 vạn chiếc logo kỉ niệm chương bằng bạc.

Văn bản số 4850 ngày 13/10/2016 của TKV nêu: "Để ghi dấu ấn chặng đường 80 năm truyền thống ngành, lãnh đạo tập đoàn chủ trương tặng mỗi CBCNVLĐ một sản phẩm bằng bạc do một đơn vị trong tập đoàn chế tác làm quà tặng..., với đơn giá là 640.000 đồng/sản phẩm".

Theo văn bản trên, các đơn vị của TKV chi tiền mua quà tặng căn cứ theo quỹ phúc lợi và các nguồn quỹ khác từ chính DN của mình. Ngoài ra, TKV cũng yêu cầu các đơn vị chi thưởng trong dịp lễ kỷ niệm mỗi lao động theo mức từ 1.000.000 - 2.000.000đ/người.

Trao đổi kỹ hơn với Đất Việt về sự việc trên, ngày 21/11, ông Nguyễn Ngọc Lân -Phó Chánh văn phòng TKV cho biết: "Tập đoàn xác định dịp kỷ niệm 80 năm ngày truyền công nhân vùng mỏ - Truyền thống ngành than là rất đặc biệt nên ngay từ đầu năm phía công đoàn đã lên ý tưởng giúp lãnh đạo tập đoàn về mẫu vật phẩm quà lưu niệm để tặng cho đại biểu, cán bộ viên chức, người lao động trong toàn tập đoàn.

Kỉ niệm chương bằng bạc của ngành than

Kỉ niệm chương bằng bạc của ngành than

Tập đoàn cũng đắn đo vì ngày lễ kỉ niệm của đơn vị nào cũng sẽ có tiền thưởng và quà kỉ niệm, một số đơn vị thì làm bộ ấm chén, có nơi lại tặng áo sơ mi, có nơi thì tặng đồ pha lê...

Sau khi bàn bạc, lãnh đạo tập đoàn đồng ý phê duyệt, vật phẩm quà lưu niệm là kỉ niệm chương, vật liệu được giao cho Nhà máy đồng Tăng Loỏng sản xuất, bởi vì, khi làm đồng sẽ cho ra vàng, bạc, có nghĩa đây là sản phẩm đi kèm với ngành.

Về việc chế tác,Tập đoàn giao cho chi nhánh Đá quý Việt Nhật – Vimico thuộc Tổng Công ty Khoáng sản thiết kế mẫu sản xuất và sản xuất quà tặng áp dụng chung trong tập đoàn các công ty Than – khoáng sản Việt Nam. Để thấy tấm kỉ niệm chương trên ý nghĩa rất cao, vì đó là toàn bộ sản phẩm trong ngành, không có công ty ngoài tham dự vào".

Thế nhưng, theo ông Lân, con số 70 tỷ không chính xác, vì Tập đoàn không ép buộc, mà tùy đơn vị, có đơn vị mua, có đơn vị không mua, nên không thể tính là 12 vạn kỉ niệm chương. Sau khi các đơn vị thống nhất nội bộ, thì gửi đơn đặt hàng cho các đơn vị sản xuất làm, chứ chúng tôi không bắt phải mua.

Còn riêng các cơ quan thuộc Tập đoàn chúng tôi đều đặt hàng, vì để tặng cán bộ công nhân viên, tặng khách, các cụ lão thành đã nghỉ chế độ trong thời gian trước. Tất cả mọi người ai cũng đều rất trân trọng, quý trọng, nhiều cán bộ đã nghỉ hưu nói 40 năm đi làm chưa bao giờ thấy có món quà ý nghĩa, đáng trân trọng như vậy.

Chỉ là một bộ phận công nhân trẻ chưa hiểu ý nghĩa món quà

Ở góc độ khác, nhiều ý kiến cho rằng, trong lúc ngành than đang khó khăn, lương công nhân bị cắt giảm mà công ty lại trích tiền trong quỹ phúc lúc lợi của đơn vị để mua món quà lưu niệm trên là không hợp lý, nên chuyển thành thưởng tiền mặt thì tốt hơn.

Tuy nhiên, ông Lân phân tích: "Đây là quà tặng, tiền mặt các cán bộ, công nhân vẫn có, nhưng phải vừa có tiền, vừa có quà thì mới ý nghĩa, từ trước đến nay công ty nào cũng vậy.

Khi bán ra thị trường chỉ có giá vài trăm

Hơn nữa, có lẽ vì kỉ niệm chương là bằng bạc nên họ nghĩ bán được tiền, sao không quy thành tiền luôn, thiết nghĩ chuyện này là không được. Chúng ta cần một vật kỉ niệm để lưu giữ và nó mang ý nghĩa rất cao đẹp, nhiều lúc tư tưởng, hiểu biết không chuẩn, dẫn đến thông tin sai lệch".

Ông Lân cho rằng, thực tế ý nghĩa món quà rất lớn nhưng do phía các đơn vị ở dưới thực hiện và triển khai công tác tuyên truyền chưa tốt nên gây ra hiểu lầm cho công nhân. Tuy nhiên, cũng chỉ có một số công nhân trẻ chứ không phải số đông.

Cho đắt, bán lại rẻ: do đâu?

Cùng với đó cũng có thông tin, ngay sau thời điểm được công ty phát kỷ niệm chương đã có một số công nhân mang quà lưu niệm này ra một số cửa hàng vàng bạc ở TP. Cẩm Phả để bán với giá giao động từ 150.000 đến 170.000 đồng, so với giá thành phẩm tập đoàn đưa ra là 640.000 đồng thì chỉ bằng 1/4.

Giải thích cho việc trên, ông Lân chỉ rõ: "Ví dụ nếu cùng 1 lượng vàng vừa ở kho ra đem bán thì giá sẽ không được bao nhiêu, nhưng mua cả dây chuyền thì lại rất đắt, vì đó là một sản phẩm mỹ nghệ.

Đắt ở công chế tác, thông thường sản phẩm mỹ nghệ thì giá trị vật liệu chỉ 30-35% là cùng, chủ yếu là công chế tác, ý tưởng thiết kế, rất nhiều vấn đề đi kèm, đó là sản phẩm handmade.

Nhưng cũng không nên quá quan tâm đến vấn đề đó, vì ý nghĩa của kỉ niệm chương là chính, trước khi làm, chúng tôi đã đi phỏng vấn các thợ làm kỉ niệm chương, họ đều tâm sự, việc được làm các sản phẩm kỉ vật của ngành, với họ là một niềm vinh dự, tự hào, nên truyền cả tâm huyết vào đó, thành phẩm là những chiếc kỉ niệm chương vô cùng đẹp".

Mà thực tế, theo ông Lân, có khi mua bộ ấm chén còn đắt hơn, mà không phải do công ty bên trong tập đoàn làm, thậm chí dùng rồi cũng sẽ hỏng, nhiều nhà có rồi thì đem đi tặng người này người khác.

"Còn kỉ niệm chương là một kỉ vật, họ có thể đeo ở cổ như một chiếc dây chuyền, hoặc để trong tủ bày, mà cái này làm bằng bạc nên khi ốm, cảm cúm dùng đánh gió hoàn toàn được, chăm sóc sức khỏe cho người lao động", ông Lân tiết lộ.

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/tien-ty-mua-ki-niem-chuong-tkv-deo-co-danh-giodeu-duoc-3323484/