Tiến sỹ Phan Bích Thiện: Học cách sống chung với đại dịch Covid-19

Có một nữ doanh nhân gốc Việt âm thầm vượt qua đại dịch Covid-19, không ngừng nỗ lực đóng góp vào cuộc chiến chống dịch của bà con cộng đồng và chính quyền sở tại và dõi theo những chuyển động ở quê hương…

Tiến sỹ Phan Bích Thiện là gương mặt trang bìa tạp chí Phụ nữ Thành đạt số tháng 10/2020 của Hungary. (Ảnh: NVCC)

Tiến sỹ Phan Bích Thiện là gương mặt trang bìa tạp chí Phụ nữ Thành đạt số tháng 10/2020 của Hungary. (Ảnh: NVCC)

Chủ nhân của một khách sạn được bình chọn là Khách sạn đẹp nhất Hungary năm 2010. Gương mặt trang bìa của tạp chí Phụ nữ Thành đạt số tháng 10/2020. “Bà Mặt trận” chăm chỉ tham gia các hoạt động xã hội, kết nối cộng đồng.

Đây chỉ là những nét chấm phá nhỏ về Tiến sỹ Phan Bích Thiện – gương mặt quen thuộc không chỉ trong cộng đồng người Việt mà cả giới doanh nhân ở đất nước được mệnh danh “Hòn ngọc vùng Trung Âu”.

“Sống khỏe” trong đại dịch

Chào chị! Đã hơn 10 năm kể từ cuộc gặp của phóng viên với chị ở quán cà phê bên Hồ Tây.

Ồ đúng rồi. Hôm đấy tôi còn đến muộn…

Khi đó, chị đã nói về dự án cải tạo một di tích lịch sử của Hungary là Lâu đài Fried thành một địa danh nghỉ dưỡng nổi tiếng. Hẳn dịch Covid-19 khiến cho việc kinh doanh khách sạn Fried – “con cưng” của chị gặp rất nhiều khó khăn.

Đầu tháng 3/2020, Hungary ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên. Ngày 12/3, chính phủ Hungary ban bố tình trạng khẩn cấp. Bốn ngày sau, toàn bộ khách sạn phải đóng cửa…

Vậy hành động “khẩn cấp” của chị là gì?

Diễn biến dịch đến nhanh và bất ngờ. Lúc đầu tôi cũng bối rối. Nhưng tôi tự nhủ: Mình cần bình tĩnh để giải quyết từng việc.

Việc đầu tiên tôi triển khai ngay là tổ chức cuộc họp với 50 nhân viên, đều là người Hungary. Tôi thông báo tình hình và khẳng định là không sa thải ai nhưng kêu gọi mọi người cùng nhau vượt qua khó khăn.

Hơn một năm qua là quãng thời gian vô cùng thử thách đối với Khách sạn Fried – chỉ mở cửa đúng 3 tháng hè vào năm ngoái. Tuy nhiên, không nhân viên nào của Fried phải nghỉ việc. Họ yên tâm làm việc, dù mức lương có thể thấp hơn một nửa so với trước.

Các nhân viên làm những việc gì khi mà Hungary áp dụng các biện pháp hạn chế?

Chúng tôi tranh thủ làm những việc mà vốn chưa thực hiện được trong thời gian đông khách, đó là nâng cấp một số hạng mục của Khách sạn, tân trang nội thất phòng ốc, buồng tắm, khu vực bếp. Nhân viên nhà bếp trở thành thợ xây hay nhân viên phục vụ bàn trở thành thợ quét sơn…

Quyết định giữ chân nhân viên trong bối cảnh như vậy không hề dễ dàng…

Đúng vậy. Thực sự là một bài toán khó. Tuy nhiên, khi Hungary gần đây nới lỏng biện pháp hạn chế, Khách sạn Fried mở trở lại cách đây một tuần với diện mạo hoàn toàn mới, thì tôi thấy đó là một quyết định đúng đắn.

Tại sao vậy?

Toàn bộ nhân viên đi làm trở lại, bộ máy nhân sự và vận hành không bị xáo trộn.

Trong khi ở nhiều khách sạn khác, do áp dụng chính sách sa thải nhân viên nên giờ phải tìm kiếm nhân sự mới, rất khó khăn. Bản thân những nhân viên khách sạn bị sa thải cũng đã chuyển sang việc khác, không muốn rời bỏ nữa…

Qua đây, tôi cũng thấy rằng, vấn đề quan trọng của một doanh nghiệp trong dịch Covid-19 là phải tạo được niềm tin và sự đồng lòng của tập thể nhân viên. Bản thân người lãnh đạo phải rất bình tĩnh và đưa ra những quyết định phù hợp.

Khách sạn Fried từng được bình chọn là Khách sạn đẹp nhất Hungary năm 2010. Với thành tích đưa Khách sạn Fried vượt qua đợt sóng Covid-19, nữ doanh nhân Phan Bích Thiện đã được tạp chí Phụ nữ Thành đạt số tháng 10/2020 của Hungary chọn là gương mặt trang bìa, vinh danh là một trong 5 người tiêu biểu của tháng.

Còn với cá nhân chị, dịch Covid-19 có làm đảo lộn mọi thứ, như người ta vẫn hay nói…

Lúc Hungary bị phong tỏa hoàn toàn hay một phần, gia đình tôi ở trong nhà là chính. Tôi cố gắng nhìn ra những điểm có thể tận dụng trong điều kiện khó khăn như vậy. Trong năm qua, tôi đã học được nhiều thứ hơn, đó là thói quen tập thể thao thường xuyên, học nấu thêm nhiều món ăn – những việc mà trước đây tôi khó theo đuổi được do tính chất công việc.

Hiện Hungary không còn giãn cách nữa, tôi vẫn duy trì tập yoga 1 tiếng vào buổi sáng. Điều thú vị là giờ đây, tôi cũng như mọi người chú trọng đeo khẩu trang, rửa tay, kháng khuẩn… như một thói quen trong đời sống hằng ngày.

Châu Âu cũng như Hungary đã trải qua đỉnh dịch, không ít người thân, bạn bè của tôi đã ra đi do dịch bệnh. Hơn bao giờ hết, mỗi người chúng ta phải biết cẩn trọng, hiểu được sự nguy hiểm của dịch bệnh nhưng không được hoảng sợ, mà phải tỉnh táo, giữ tinh thần lạc quan, duy trì thói quen về vệ sinh dịch tễ, giống như nguyên tắc 5K ở Việt Nam…

Người Việt đồng lòng vượt “bão”

Năm qua hẳn cũng là một năm điêu đứng của cộng đồng hơn 5.000 người Việt ở Hungary. Cộng đồng đã vượt qua đại dịch như thế nào?

Nhìn chung, bà con ta chấp hành rất nghiêm chỉnh các khuyến cáo của chính phủ nước sở tại. Thời gian bắt buộc phải giãn cách xã hội thì bà con cũng đóng cửa hàng, cơ sở kinh doanh và chỉ ở trong nhà.

Khi dịch bệnh bắt đầu xảy ra, Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary đã lập các nhóm trên mạng Viber, Facebook để cập nhập tin tức cũng như các khuyến cáo, quy định phòng chống dịch của chính phủ, chia sẻ các kinh nghiệm tăng cường sức đề kháng hay các biện pháp xử lý khi không may nhiễm bệnh…

Những anh chị biết tiếng Hungary thường xuyên hướng dẫn hoặc giải thích các thắc mắc cho bà con. Nhờ vậy, mọi người cũng yên tâm hơn rất nhiều, cảm giác như mình đang được sống trong cộng đồng thôn, xóm, khu phố ở quê nhà vậy.

Tôi được biết bà con ta còn có những hành động thiết thực ủng hộ nước sở tại chống dịch Covid-19.

Năm ngoái, khi dịch bùng phát, các cơ sở y tế ở Hungary rất khan hiếm khẩu trang y tế. Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary đã phát động cuộc vận động quyên góp hỗ trợ chống dịch Covid-19 và bà con hưởng ứng rất nhiệt tình. Trong vòng 1 tuần (từ 22-30/3/2020), cuộc vận động đã quyên góp được hơn 28.000 Euro, dùng để mua khẩu trang y tế, găng tay, dung dịch khử trùng, vật dụng thiết yếu. Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary đã trao tặng những món quà đó cho 2 bệnh viện tuyến đầu của Hungary và cho chính quyền thành phố Budapest.

Ngoài ra, doanh nghiệp người Việt ở Hungary cũng như các nhóm dân cư cũng chủ động ủng hộ các vật dụng cần thiết và khan hiếm cho các cơ sở y tế nơi mình sinh sống. Công ty của tôi cũng ủng hộ bệnh viện của tỉnh nơi công ty hoạt động 200 bộ ga trải giường cho bệnh nhân.

Tổng giá trị của sự hỗ trợ lên tới trên 70.000 Euro. Chính quyền và người dân Hungary rất xúc động, họ đánh giá cao sự hỗ trợ kịp thời và tấm lòng của bà con ta.

Hiệp hội người Việt tại Hungary trao quà cho Trung tâm Y tế Nam - Pest, nơi chính phủ Hungary giao nhiệm vụ chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19. (Nguồn: TTXVN)

Hiệp hội người Việt tại Hungary trao quà cho Trung tâm Y tế Nam - Pest, nơi chính phủ Hungary giao nhiệm vụ chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19. (Nguồn: TTXVN)

Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary luôn phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary để theo dõi tình hình và thông tin thường xuyên các chủ trương, chính sách của Việt Nam cũng như sở tại đến bà con. Đại sứ Nguyễn Tiến Thức cũng đã gửi thư động viên kêu gọi bà con cùng nhau an toàn vượt qua đại dịch…

Còn lượng bà con về nước trong năm qua?

Thực ra thì số người về nước không nhiều. Hiệp hội cũng động viên bà con ở lại, thực hiện các biện pháp chống dịch, nếu ai không may nhiễm bệnh sẽ có cộng đồng cùng chung tay giúp đỡ. Phần lớn người Việt về nước theo những chuyến bay cứu trợ là các bạn sinh viên đã tốt nghiệp, những người bị bệnh hiểm nghèo muốn về nước gặp gia đình, những khách du lịch bị kẹt lại…

Còn bà con người Việt đã sinh sống lâu năm ở Hungary thì đều yên tâm ở lại.

Hiện tình hình dịch Covid-19 ở Hungary có dấu hiệu được kiểm soát tốt trong khi Việt Nam đang chống lại làn sóng dịch mới. Hungary đang là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 cao hàng đầu châu Âu. Việt Nam có thể học từ kinh nghiệm chống dịch của Hungary, theo chị?

VIệt Nam được cả thế giới công nhận về khả năng phòng chống dịch Covid-19 rất tốt. Con số hàng nghìn ca mắc và chưa đến 40 ca tử vong hiện nay vẫn là rất thấp so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác.

Theo tôi, kinh nghiệm mà Việt Nam cần học các nước, trong đó có Hungary là trước sau gì cũng thực hiện tiêm vaccine đại trà. Việt Nam tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh như hiện nay, đồng thời đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng cho người dân. Tỷ lệ người dân được tiêm vaccine cao thì giảm bớt nguy cơ nhiễm bệnh.

Một điểm Việt Nam có thể rút kinh nghiệm từ Mỹ và châu Âu là sự nhất quán trong truyền thông về vấn đề tiêm chủng. Truyền thông phải góp phần tích cực trong việc nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, chứ không phải gây hoang mang hay lo ngại về vaccine.

Truyền thông Việt Nam cần thống nhất để tạo sự tin tưởng của người dân trong việc tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Kỳ vọng với Quốc hội khóa XV

Chỉ còn một ngày nữa là đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Năm nay chị không có điều kiện thực hiện nghĩa vụ cử tri như 5 năm trước...

Mặc dù sống ở nước ngoài nhưng tôi vẫn luôn quan tâm, theo dõi tình hình trong nước. Theo tôi, việc đi bầu cử là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi công dân đối với đất nước. Năm nay, nếu không vướng dịch Covid-19, tôi sẽ bay về nước thực hiện quyền công dân của mình…

Tôi cũng như nhiều người Việt Nam ở nước ngoài không có điều kiện về nước trong dịp trọng đại này, nhưng tôi vẫn đọc tin tức về quá trình chuẩn bị bầu cử. Tôi có thể cảm nhận không khí chuẩn bị chu đáo ở mọi nơi trên quê hương mình.

Có một điểm mới là lần đầu tiên không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp phường tại một số thành phố lớn. Đây là một sự thay đổi rất hợp lý, góp phần tinh giảm bộ máy hành chính, nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo phường, của Hội đồng nhân dân quận cũng như tiết kiệm ngân sách.

Tại các đợt tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội, tôi thấy các cuộc trao đổi, các vấn đề đưa ra được tranh luận rất thẳng thắn, cặn kẽ và sát sườn với cuộc sống hằng ngày của người dân. Điều này thể hiện chiều hướng tốt, nghĩa là Quốc hội vừa bao quát tổng thể, giải quyết những vấn đề vĩ mô vừa quan tâm, xử lý những khúc mắc hằng ngày của người dân.

Trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội có nhiều gương mặt trẻ, tôi trông đợi Quốc hội khóa mới có nhiều đại diện của thế hệ trẻ hơn, tư duy năng động hơn, cập nhật nhanh hơn sự phát triển của thời đại.

Là một người Việt xa quê hương, kỳ vọng của chị đối với Quốc hội khóa mới?

Thứ nhất, đối với các vấn đề chung, Quốc hội khóa mới thông qua những bộ luật, chính sách cụ thể nhằm bảo vệ môi trường tốt hơn, song song với việc phát triển kinh tế vì vấn đề bảo vệ môi trường đang được quan tâm hiện nay.

Thứ hai, Quốc hội khóa mới cần quan tâm xây dựng hành lang pháp lý để chuẩn bị cho sự chuyển đổi số - một xu hướng tất yếu trong thời đại cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ ba, Quốc hội khóa mới cần đưa ra những định hướng chú trọng nâng cao giá trị văn hóa, giá trị nhân văn - nền tảng vững bền cho sự phát triển của đất nước.

Thứ tư, trên cương vị của người Việt Nam ở nước ngoài, tôi cũng kỳ vọng Quốc hội khóa mới chú trọng hơn nữa khối người Việt Nam ở nước ngoài thông qua việc xây dựng chính sách, giải pháp hiệu quả để thu hút tốt hơn nữa tiềm năng, chất xám của kiều bào ta.

Làm thế nào tạo điều kiện cho kiều bào chưa thể trở về sinh sống ở Việt Nam song vẫn có thể đóng góp cho đất nước. Làm thế nào để thế hệ người Việt thứ 2, thứ 3 ở nước ngoài vẫn quan tâm đến Việt Nam, từ đó gây dựng tình yêu với quê hương và mong muốn hợp tác, thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này! Mong sớm gặp lại chị ở quán cà phê Hồ Tây...

Tiến sỹ Phan Bích Thiện cùng các thành viên trong gia đình. (Ảnh: NVCC)

Tiến sỹ Phan Bích Thiện cùng các thành viên trong gia đình. (Ảnh: NVCC)

Nữ doanh nhân Phan Bích Thiện từng tốt nghiệp đại học và lấy bằng tiến sỹ kinh tế tại Nga trước khi cùng chồng sang Hungary lập nghiệp năm 1998; Hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary, Chủ tịch Quỹ vì quan hệ Việt Nam - Hungary, Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam tại Hungary.

Vinh Hà

(thực hiện)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tien-sy-phan-bich-thien-hoc-cach-song-chung-voi-dai-dich-covid-19-146011.html