Tiến sỹ Nguyễn Xuân Đản - Nhà khoa bảng, giáo dục ưu tú

Nguyễn Xuân Đản, hiệu Thịnh Xuyên, sinh năm Quý Tỵ (1893), là hậu duệ đời thứ 10 dòng họ Nguyễn Xuân. Tổ tiên dòng họ Nguyễn Xuân từ Bắc di cư vào xã Sơn Thịnh, nay là xã An Hòa Thịnh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh định cư, đến nay đã được 15 đời. Thân sinh Nguyễn Xuân Đản là Nguyễn Xuân Đề, đã đỗ cử nhân khoa thi năm Giáp Ngọ (1894). Sau khi đỗ cử nhân, Nguyễn Xuân Đề được bổ làm tri huyện huyện Quảng Ninh, rồi thăng làm tri huyện huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Về hưu, Nguyễn Xuân Đề mở lớp dạy học ở quê, môn sinh rất đông, nhiều người đỗ đạt cao.

Ảnh minh họa Internet

Thuở nhỏ, Nguyễn Xuân Đản nổi tiếng là một cậu bé thông minh, lại được cha mình khi đó đang giữ chức huấn đạo, giáo thụ trực tiếp dạy dỗ nên ông sớm thông hiểu kinh sách. Hai mươi tuổi, Nguyễn Xuân Đản thi đậu cử nhân tại khoa thi hương trường Nghệ An năm Nhâm Tý, Duy Tân năm thứ 6 (1912). Trong kỳ thi này, ngoài các bài thi Hán văn còn có bài thi luận về Quốc ngữ. Lại có môn thi dịch tiếng Pháp ra Quốc âm, Nguyễn Xuân Đản là người duy nhất trúng tuyển môn thi này.

Sau khi đỗ cử nhân, Nguyễn Xuân Đản tiếp tục thi đỗ vào trường hậu bổ ở kinh thành Huế. Kỳ thi này gồm chính tả tiếng Pháp, một bài luận tiếng Pháp, hai bài toán. Đó là những kiến thức mà không mấy Nho sĩ đương thời chú trọng nâng cao. Qua đó cho thấy, Cử nhân Nguyễn Xuân Đản là một Nho sĩ tân tiến, không chỉ giỏi Nho học mà còn giỏi về ngoại ngữ, toán học.

Đến khoa thi năm Bính Thìn (1916), Khải Định nguyên niên, Nguyễn Xuân Đản đỗ đệ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, xếp thứ 1/6 lúc mới 24 tuổi. Sự kiện này được sách Đại nam thực lục chính biên ghi lại như sau: “Thi Điện. Sai Hiệp tá Đại học sĩ lãnh Thượng thư Bộ Lễ Huỳnh Côn, Tổng đốc Bình Phú Hoàng Quảng Phu sung độc quyển, Thị lang Bộ Hình Nguyễn Văn Trinh, Tá lí Lê Chí Tuấn sung Duyệt quyển, ban cho bảy người bọn Trịnh Thuần là Nhị giáp Tiến sĩ, Tam đồng Tiến sĩ xuất thân có thứ bậc khác nhau, lại lấy 6 người phó bảng (Đệ nhị giáp Tiến sĩ Trịnh Thuần, Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ Nguyễn Xuân Đản, Hội nguyên Đinh Loan Tường, Bùi Bằng Thuận, Nguyễn Huy Nhu, Lê Khắc Khuyến, Nguyễn Ngọc Toản, Phó bảng Nguyễn Cao Mộng, Lê Tiến Phùng, Lâm Hữu Lộc, Chu Thiện Sự, Nguyễn Trọng Tình, Nguyễn Đức Vận)”. Điều đặc biệt là, trong số 7 người đạt hạng chánh bảng, Nguyễn Xuân Đản là người có tuổi đời trẻ nhất nhưng lại đạt hạng cao, xếp thứ 2 sau Hoàng giáp Trịnh Thuần cho thấy tài năng nổi trội của ông, sự dạy dỗ chu đáo của Nguyễn Xuân Đề. Tên tuổi của Nguyễn Xuân Đản được khắc vào bia Tiến sĩ số 31, khoa Bính Thìn đặt tại Văn miếu Huế.

Sau khi đỗ tiến sĩ, Nguyễn Xuân Đản được bổ làm giáo thụ huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Duyên số đưa ông theo nghiệp giáo dục, nối tiếp sự nghiệp của cha mình. Làm giáo dục là sự nghiệp hợp lý của ông Nghè Đản, bởi lẽ, thời buổi nhiễu nhương, ranh giới giữa tốt và xấu, công và tội với nhân dân thật mong manh.

Một năm sau, ông được điều chuyển về kinh làm Kiểm giáo Trường Quốc Tử Giám, là công việc dạy học và quản lý các học sinh. Năm Mậu Ngọ (1918), Nguyễn Xuân Đản được bổ nhiệm giữ chức Đốc học tỉnh Quảng Bình, lúc này ông mới 26 tuổi. Đốc học là chức quan phụ trách công việc giáo dục của một tỉnh, do vậy phải là người giỏi giang, hay chữ, uy danh lớn mới được tín nhiệm.

Đang làm quan to của một tỉnh ở độ tuổi còn trẻ, con đường hoạn lộ, vinh hoa phú quý mở rộng phía trước, song Nguyễn Xuân Đản nhận thấy quan trường lắm éo le, ngang trái nên hai năm sau, nhân bị bệnh, ông cáo quan về quê. Việc làm đó được sĩ phu và nhân dân trong vùng Nghệ - Tĩnh khâm phục, đề cao. Khi về quê, ông mở trường dạy học ở vùng Phố Quát thuộc Hương Sơn. Học trò khắp nơi về học rất đông. Ông được hậu thế nhận định là “đã biến trường học thành nơi rèn luyện con người một cách toàn diện, điều hiếm thấy lúc bấy giờ. Ông trở thành nhà giáo nổi tiếng”. Do bấy giờ không còn các kì thi Nho học, nên học trò ông không còn người đi thi, đỗ đạt. Nhưng trong tâm thức các thế hệ, Nguyễn Xuân Đản là một nhà giáo ưu tú, một người thầy đánh kính.

Năm 1931, khi bố mẹ cùng qua đời, Nguyễn Xuân Đản thôi việc dạy học, về quê cự tang, tham gia công việc làng xã, rảnh rỗi ngâm thơ, vui thú điền viên.Với uy danh của một nhà khoa bảng, một vị danh sư, ông đã đứng ra kêu gọi nhân dân trong vùng đóng góp công sức, tiền của xây dựng trường học, đường sá… Hiện nay còn nhiều bút tích của Nguyễn Xuân Đản trên các hoành phi, câu đối tại đền Bạch Vân.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Nguyễn Xuân Đản hăng hái tham gia các cuộc vận động tuần lễ vàng, bình dân học vụ… và là thành phần trong Ban chấp hành Liên Việt xã kiêm chủ nhiệm câu lạc bộ thơ kháng chiến, sáng tác nhiều bài thơ thể hiện tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc.

Nguyễn Xuân Đản mất năm 1954, sau một trận ốm nặng, thọ 62 tuổi. Ngưỡng mộ tài năng, đức độ của ông, nhân dân đã tôn ông là Phúc thần của làng, lập bài vị rước vào thờ ở Đền Nhã Sơn “Tiến sĩ văn chương triều đình Huế Nguyễn Xuân Đản chi linh thần vị”.

Không chỉ là một bậc đại khoa, một nhà giáo ưu tú, Nguyễn Xuân Đản còn là một nhà thơ tài hoa. Sinh thời, ông dành nhiều tâm huyết cho sáng tác thơ ca. Ông để lại hai tập thơ với số lượng hàng trăm bài thơ, với nhiều thể loại. Các tác phẩm của ông được tập hợp vào hai tập thơ Thịnh Xuyên thi tập gồm 200 bài thơ Đường và tứ tuyệt, có nội dung ca ngợi thiên nhiên, đất nước. Bộ Việt Nam quốc sử diễn ca gồm 3000 câu thơ lục bát, viết về lịch sử Việt Nam từ thời vua Hùng đến khi Quang Trung đại phá quân Thanh, qua đó thể hiện truyền thống yêu nước, kiên cường chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Đản không chỉ là một vị quan thanh liêm mà còn là nhà giáo dục ưu tú, đáng kính được nhiều thế hệ học trò tôn vinh. Năm 2005, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh đã vinh danh ông là một trong 13 vị danh sư Hà Tĩnh thời Nho học. Năm 2015, nhà thờ của ông đã được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, di tích trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, hiếu học cho các thế hệ.

Tài liệu tham khảo

1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (chính biên đệ thất kỷ), NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2012.

2. Bùi Hạnh Cẩn - Nguyễn Loan - Lan Phương, Những ông nghè, ông cống triều Nguyễn, NXB Văn hóa - Thông tin, 1995.

3. Phạm Đức Thành Dũng - Vinh Cao - Phạm Thuận An - Phan Thanh Hải - Nguyễn Văn Huệ - Nguyễn Phước Hải Trung, Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn, NXB Thuận Hóa Huế, 2009.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh, Lịch sử Giáo dục Hà Tĩnh, NXB chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005.

5. Thái Kim Đỉnh, Các nhà khoa bảng Hà Tĩnh, Hội LHVHNT Hà Tĩnh, 2004.

6. Bùi Thiết, Từ điển Hà Tĩnh, Sở VHTT Hà Tĩnh, 2000.

7. GS Đinh Xuân Lâm – Thái Kim Đỉnh (đồng chủ biên), Địa chí huyện Hương Sơn, 2015.

8. Ngô Đức An, Hồ sơ di tích Lịch sử - Văn hóa Nhà thờ Nguyễn Xuân Đề, Nguyễn Xuân Đản, 2015.

Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, Đệ nhất kỉ, NXB VH-VN, tr. 96.

Đinh Xuân Lâm – Thái Kim Đỉnh, Địa chí huyện Hương Sơn, 2015, tr. 286.

Nguyễn Minh Đức - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/tien-sy-nguyen-xuan-dan-nha-khoa-bang-giao-duc-uu-tu-a22828.html