Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn: Điểm nhấn và tính liên hoàn tạo bản sắc đô thị sông nước

Trên thế giới hiếm có đô thị nào có nhiều đặc trưng sông nước và bề dày lịch sử văn hóa đậm bản sắc sông nước như ở TP Hồ Chí Minh. Thời gian qua, dù chính quyền địa phương đã có những chương trình, kế hoạch để cải thiện môi trường nước, di dời nhà ven kênh rạch, xây dựng đường, kè ven sông, rạch... nhưng về cơ bản TP Hồ Chí Minh chưa phải là đô thị sông nước.

Giá trị sông nước của thành phố rất lớn nhưng chưa được khai thác đúng tầm, đang bị bức tường cao ốc từ những công trình xây dựng ven sông ngăn cách. Vì thế, chúng ta cần đánh thức bản sắc đô thị sông nước của Thành phố Hồ Chí Minh để phát triển xứng tầm. Muốn làm được điều đó, trong quá trình quy hoạch, phát triển cần chú ý đến việc tạo điểm nhấn ven sông, sạch và tính liên hoàn, tính kết nối giữa hệ thống sông, kênh với đô thị. Điều đó có nghĩa là không gian hai bên sông phải xanh, mặt tiền sông phải có cảnh quan hấp dẫn. Một đô thị sông nước phải có tuyến đường ven sông, có cây xanh, có nhà cao tầng, nhà thấp tầng nhìn hài hòa với các con sông, dòng kênh xuyên qua thành phố.

Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn.

Hiện nay, dọc hai bên sông Sài Gòn vẫn chưa được hình thành các con đường liên hoàn, chỉ mới dừng lại ở từng đoạn, chưa gắn với đô thị liền kề. Cụ thể như đoạn sông chính trung tâm nhất ở bến Bạch Đằng, quận 1 chạy theo bờ sông đến khu vực cảng Ba Son (trước đây), quận Bình Thạnh nay đã hình thành khu đô thị nhưng đường kết nối lại bị đứt đoạn, người dân và du khách khi đến đây khó có thể trải nghiệm, tham quan không gian dòng sông một cách liền mạch, trọn vẹn.

Vì những hiện trạng và đòi hỏi trên, theo tôi để phát triển, tô đậm bản sắc đô thị sông nước, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cần tạo được không gian xanh, không gian công cộng liên hoàn, người dân có thể di chuyển tham quan, đi lại dọc hai bên bờ sông, kiên quyết không để phát sinh những công trình chắn ngang, che lấp cảnh quan, đường đi ven sông. Chú trọng quy hoạch xây dựng những công trình văn hóa, lịch sử, công viên, dịch vụ giải trí... trở thành những điểm nhấn đặc sắc ven sông, kênh. Phát triển hạ tầng giao thông đa phương tiện, có tích hợp và kết nối hài hòa giữa giao thông thủy-bộ, công trình phục vụ giao thông như bến, cảng, bãi đỗ xe..., tạo điều kiện để người dân di chuyển thuận lợi giữa các loại hình giao thông.

Trong quy hoạch đô thị, cần quản lý không để hình thành những nhà cao tầng, nhà ở xây dựng sát dòng sông, không bê tông hóa bằng những nhà ở gây cản trở lưu chuyển không khí, gió trong lành từ sông vào đô thị... Những yếu tố nêu trên để thực hiện được cần đặt trong một quy hoạch tổng thể, xây dựng kế hoạch, triển khai một cách đồng bộ, khoa học, chặt chẽ sẽ giúp đánh thức được tiềm năng, tạo được bản sắc đô thị sông nước cho Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai.

TRUNG KIÊN (ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tien-si-khoa-hoc-kien-truc-su-ngo-viet-nam-son-diem-nhan-va-tinh-lien-hoan-tao-ban-sac-do-thi-song-nuoc-770136