Tiến sĩ 'hiếu kỳ' và khát vọng đổi thay

Từ một cô gái luôn có tính tò mò, hiếu kỳ, Nguyễn Tuệ Anh tự tìm ra con đường nghiên cứu khoa học cho riêng mình. Cô kiên trì theo đuổi và đã có nhiều dấu ấn trên hành trình khám phá tri thức.

TS. Nguyễn Tuệ Anh (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh cùng các chuyên gia nước ngoài tại Hội nghị Kinh tế trẻ châu Á được tổ chức ở Việt Nam năm 2019.

Tò mò ngay cả khi trò chuyện với bạn bè

Từ nhỏ, cô gái Hà Nội Nguyễn Tuệ Anh (Jenny Tue Anh Nguyen) mỗi khi quây quần bên ông ngoại hay bố mẹ lại được nghe về những cuốn sách triết học, văn học hay lịch sử như Binh pháp Tôn Tử, Chiến tranh và Hòa bình. Bởi thế, Tuệ Anh dần trở thành một cô gái hiếu kỳ, luôn đặt mọi câu hỏi “vì sao” với người thân. Gia đình thường trêu cô là người “già trước tuổi”.

Với tính cách hiếu kỳ ấy đã giúp Tuệ Anh tự mở nhiều cơ hội mới cho bản thân. Trong quá trình học thạc sĩ ở Đại học Greenwich (Anh), Tuệ Anh đã bị cuốn hút từ những tiết giảng đầu tiên của một giáo sư về Chính sách năng lượng, nhưng phần cô thích thú, tò mò thì giáo sư lại chỉ dạy một phần nhỏ.

Để tìm hiểu sâu, Tuệ Anh đã quyết định chọn luôn chủ đề từ bài giảng của thầy, vừa để thỏa sự hiếu kỳ, vừa để “lấy cớ” được thầy hướng dẫn nghiên cứu. Quãng thời gian sau đó, để thuyết phục thầy về năng lực nghiên cứu của mình, Tuệ Anh đã đọc 200 dự án nghiên cứu về năng lượng ở Đông Nam Á, dành phần lớn thời gian ở thư viện để tìm những tài liệu cũ và cổ hơn nữa. Tuệ Anh kiên trì đi kết nối và tận dụng mọi cơ hội để tiếp cận với các nhà khoa học cùng hướng nghiên cứu và để xác nhận xem đề tài của mình làm có phù hợp hay không.

Từ một bài giảng của giáo sư, Tuệ Anh đã phát triển thành một đề tài nghiên cứu xuyên suốt cho bậc học thạc sĩ và nhận giải “Luận văn tốt nghiệp xuất sắc nhất” (Best Postgraduate Dissertation), đồng thời tiếp tục tự đi tìm lời giải đáp chuyên sâu hơn với luận án tiến sĩ.

“Tôi luôn hiếu kỳ và quan sát từ những sự vật, hiện tượng xung quanh hay cả trong những cuộc trò chuyện vui vui với bạn bè. Tiếp cận với nghiên cứu bằng một tâm thế thoải mái và đầy hứng khởi như vậy, nên trong tôi luôn có năng lượng sẵn sàng chinh phục những thứ mà mình chưa biết hay phát hiện ra một điều gì mới. Cảm giác sau đó thật phấn khích!”, Tuệ Anh chia sẻ.

Tạo động lực cho học giả trẻ Việt Nam

Sau nhiều lần tham gia hội thảo và trao đổi cùng Tuệ Anh, GS.TS Giang Thanh Long - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, các nghiên cứu của cô đã được đánh giá cao ở Anh và có sức tác động đến các nhà hoạch định chính sách. Những nghiên cứu của nữ tiến sĩ cũng chỉ ra nhiều bằng chứng quan trọng, có sự thuyết phục và phù hợp với bối cảnh của từng quốc gia.

Đặc biệt, theo GS Long, việc đưa Hội nghị Kinh tế trẻ đầu tiên về Việt Nam tổ chức có ý nghĩa rất lớn. “Qua đây, các nhà nghiên cứu về chính sách công, kinh tế như tôi có thêm cơ hội trao đổi, nhìn nhận vấn đề thực tiễn ở các quốc gia phát triển, để điều chỉnh sao cho phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Mặt khác, nhiều nhà kinh tế học trẻ đã được tiếp xúc với các giáo sư hàng đầu có thêm sự gợi mở, ý tưởng nghiên cứu đa ngành. Điều này tạo động lực để học giả trẻ Việt Nam khởi nguồn tư duy nghiên cứu kinh tế mới”, GS.TS Giang Thanh Long nói.

Định hình bản sắc

Tốt nghiệp tiến sĩ ở Anh, Tuệ Anh tiếp tục nghiên cứu bậc sau tiến sĩ tại Đại học Harvard (Mỹ) sau đó làm nghiên cứu ngành Chính sách công của Đại học Oxford (Anh) thời điểm năm 2019.

Từ phong cách nghiên cứu của mình, nữ tiến sĩ thừa nhận, cô không chạy theo một mẫu hình nghiên cứu hay chọn đi theo một hướng nghiên cứu lâu dài. Thay vào đó, Tuệ Anh muốn định hình bản sắc riêng trong cộng đồng nhà kinh tế học, một nét cá tính mạnh mẽ và táo bạo mỗi khi chọn nghiên cứu về một vấn đề mang tính thời điểm, phù hợp với bối cảnh.

Với hướng nghiên cứu về chính sách công, kinh tế năng lượng, trong những năm thế giới chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Tuệ Anh cùng cộng sự đã thực hiện một loạt bài nghiên cứu về những chỉ dẫn chính sách, giải pháp kinh nghiệm cho những nhà hoạch định chính sách ở nhiều quốc gia.

Tuệ Anh cho biết, thời điểm đó, Liên đoàn Lao động Quốc tế muốn có nghiên cứu tổng hợp về các bài học từ đại dịch. Mặt khác, tầm quan trọng của dịch vụ công được phản ánh rõ rệt để đảm bảo một xã hội an toàn, khỏe mạnh và cân bằng. Tuy nhiên, chính sách về dịch vụ công ở một số quốc gia vẫn còn hạn chế và đã lộ rõ trong bối cảnh dịch bệnh.

Trước tính cấp thiết đó, Tuệ Anh cùng các chuyên gia từ châu Âu và châu Phi đã kết hợp làm một số báo cáo nghiên cứu và đã được chia sẻ cho các thành viên của Liên đoàn, gồm hơn 20 triệu thành viên trên 154 quốc gia.

“Trong các bài học kinh nghiệm được nhóm nghiên cứu phân tích, Liên đoàn đã và đang đại diện cho các công nhân viên, để bàn thảo về chế độ nghỉ ốm áp dụng cho toàn bộ, gồm cả công nhân viên nhập cư, có công việc không cố định. Đặc biệt, Liên đoàn đã có cơ sở để yêu cầu chính phủ các nước không cắt giảm ngân sách cho khối dịch vụ công. Bởi, nếu tư nhân hóa về lâu dài sẽ làm giảm năng lực thực sự của quốc gia trong việc đảm bảo gốc rễ của một nền kinh tế”, nữ tiến sĩ nói.

Ngoài các công bố khoa học, năm 2020 -2022, TS. Nguyễn Tuệ Anh nhận hai giải nghiên cứu cho nhóm nghiên cứu Dịch vụ công thế giới; năm 2022 nhận giải thưởng nghiên cứu của Tổ chức Nghiên cứu Khoa học Xã hội với đề tài “Chính sách dịch vụ công thời cổ đại”.

Góp sức khởi nguồn tư duy kinh tế mới tại Việt Nam

Hiện tại, hướng nghiên cứu chính của Tuệ Anh là chính sách đổi mới và xây dựng cấu trúc nền móng dịch vụ công ở Viện Chính sách đổi mới và Mục đích chung, trường Đại học Tổng hợp London (Anh). Nữ tiến sĩ đảm nhận vị trí cố vấn, chuyên gia nghiên cứu về dự thảo hợp đồng của chính phủ Mỹ ký với các tập đoàn sản xuất chip bán dẫn.

Tuệ Anh đặt mục tiêu và tập trung vào các điều kiện, điều khoản về phát triển phụ nữ, nhân lực, môi trường với các doanh nghiệp. “Khi các doanh nghiệp tập trung sản xuất chip bán dẫn sẽ có quá nhiều ảnh hưởng đến môi trường. Vì vậy, chính sách sẽ là “công cụ” để nắn chỉnh các hoạt động kinh tế, sao cho phù hợp với sự phát triển bền vững. Trên hành trình ấy, vai trò của các chuyên gia nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng tác động trực tiếp đến nhà hoạch định chính sách, các bên liên quan cùng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững”, Tuệ Anh nói.

Bằng sự hiếu kỳ, Tuệ Anh mở rộng mạng lưới các nhà nghiên cứu của mình và luôn dành nhiều thời gian đặt câu hỏi, lắng nghe họ chia sẻ. Năm 2016, nữ tiến sĩ đảm nhận vai trò Trưởng nhóm điều phối nghiên cứu kinh tế phát triển của Tổ chức Học giả trẻ Quốc tế (Young Scholars Initiative - YSI), Viện Nghiên cứu Tư duy Kinh tế mới (INET, Mỹ) để cùng tổ chức và tham gia vào các hội thảo khoa học, hỗ trợ nhà nghiên cứu trẻ trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Nhận thấy hoạt động nghiên cứu về chính sách công, tư duy kinh tế mới ở Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, Tuệ Anh đã kết nối và “mang” Hội nghị Kinh tế trẻ đầu tiên tại châu Á về Việt Nam tổ chức. Sự kiện đã quy tụ gần 500 chuyên gia đầu ngành, các học giả trẻ từ các trường đại học ở khắp nơi trên thế giới.

Hội nghị đã đề cập, thảo luận những vấn đề liên quan mật thiết đến phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam và đem lại nhiều khuyến nghị chính sách có tính tham khảo cao, hữu ích đối với các nhà hoạch định chính sách.

“Đó là một trong những dự định tôi đã ấp ủ từ lâu khi đã học tập, nghiên cứu, làm việc ở nhiều quốc gia. Tôi đã nỗ lực thực hiện vai trò kết nối của mình để các nhà nghiên cứu trẻ, kinh tế học Việt Nam có cơ hội trao đổi học thuật, mở rộng mối quan hệ nghiên cứu và tạo cơ hội phát hiện những ý tưởng nghiên cứu mới”, nữ tiến sĩ chia sẻ thêm.

CHÂU LINH

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tien-si-hieu-ky-va-khat-vong-doi-thay-post1599935.tpo