Tiến sĩ Đại học Úc: Du học sinh nữ gặp nhiều rào cản khi về nước làm việc

Với nhiều lợi thế như bằng cấp loại ưu và khả năng tiếng Anh tốt, các du học sinh thường kỳ vọng sẽ có một con đường sự nghiệp tươi sáng khi trở về nước. Tuy nhiên, trên thực tế, du học sinh thường gặp nhiều khó khăn, bao gồm cả sự khác biệt về văn hóa và thiếu cơ hội ứng dụng kiến thức vào công việc. Đặc biệt, du học sinh nữ khi trở về nước còn gặp nhiều thách thức hơn trong môi trường làm việc tại nước nhà. Tiến sĩ Thanh Phạm, hiện đang là giảng viên cấp cao tại Khoa Giáo dục, Đại học Monash, Australia chia sẻ với báo Công Thương về vấn đề này.

Bà có thể chia sẻ sự khác biệt lớn giữa những khó khăn mà nam và nữ du học sinh gặp phải khi trở về nước không?

Có rất nhiều điểm khác biệt giữa những khó khăn mà nam giới và nữ giới phải đối mặt. Nam giới có nhiều tự do hơn, họ có thể thoải mái chọn những công việc phù hợp với bản thân. Khi các du học sinh trở về nước, các em thường phải lựa chọn và thay đổi công việc để phù hợp với chuyên môn học tập ở nước ngoài. Các du học sinh nam có thể dễ dàng đi công tác xa nếu cần để đảm nhận công việc mình yêu thích. Ngược lại, các du học sinh nữ thường bị ràng buộc bởi trách nhiệm gia đình, vì vậy họ thường bỏ lỡ những cơ hội tốt vì những lý do như không thể đi công tác xa. Bên cạnh đó, những quan niệm truyền thống về sự khác biệt trong vai trò của nam giới và nữ giới cũng hạn chế tiềm năng của phụ nữ và khả năng tham gia vào các vị trí quản lý trong công ty.

Tiến sĩ Thanh Phạm hiện đang giảng dạy tại đại học Monash, Australia

Tiến sĩ Thanh Phạm hiện đang giảng dạy tại đại học Monash, Australia

Trên thực tế, phái nữ sở hữu nhiều kỹ năng rất tốt mà nam giới đôi khi không có. Ví dụ, nữ giới thường linh hoạt hơn - một năng lực rất quan trọng với các du học sinh. Khi trở về nước, những kiến thức được học ở nước ngoài thường có một độ chênh nhất định so với công việc thực tế ở quê nhà. Vì vậy, sự linh hoạt giúp các du học sinh có thể vượt qua những khác biệt và khó khăn trong giai đoạn ban đầu này. Ngoài ra, phụ nữ thường chăm chỉ, có năng lực đối phó với áp lực cao và kỹ năng giao tiếp tốt. Đây là những kỹ năng tối quan trọng trong việc phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên, họ lại thường không được tạo cơ hội để sử dụng những năng lực này.

Trong nghiên cứu, bà có phân nhóm các du học sinh sau khi trở về nước làm việc thành 3 nhóm chính: Nhóm 1 sẽ sử dụng những kiến thức học được ở nước ngoài để áp dụng vào công việc; Nhóm 2 sẽ từ chối tuân theo những luật lệ và quy tắc tại môi trường làm việc ở nước nhà, và tách ra khởi nghiệp hoặc làm việc tại nước ngoài; Nhóm 3 sẽ bỏ cuộc và tìm cách thích nghi với môi trường. Theo bà, nhóm du học sinh nào có xu hướng thành công nhất tại Việt Nam và vì sao?

Việc định nghĩa thế nào ‘thành công’ ở đây khá phức tạp. Tôi đã phỏng vấn một số học giả và nhà nghiên cứu, họ tự coi mình là 'thất bại' vì đã không thể áp dụng nhiều kiến thức và chuyên môn có được ở nước ngoài vào công việc, do cơ sở hạ tầng và yêu cầu công việc ở Việt Nam còn hạn chế. Ngược lại, khi tôi phỏng vấn những người đã khởi nghiệp, hầu hết đều khá hài lòng với những gì họ đang làm. Lý do chủ yếu là vì họ đã làm việc cho một số công ty khi về nước và không hề thích công việc đó, vì vậy họ đã tách ra và bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình.

Những du học sinh tiếp tục xuất ngoại đều có một đặc điểm chung là họ không thích điều kiện sống và môi trường làm việc tại Việt Nam. Lương thưởng cũng như vấn đề tài chính thường là vấn đề chính khiến họ cân nhắc việc đi nước ngoài. Một số người cũng lấy con cái làm động lực chính vì họ muốn con cái nhận được sự giáo dục tốt nhất.

Một trong các trở ngại của du học sinh khi quay trở về Việt Nam làm việc là thể chế và hệ thống làm việc cứng nhắc, rập khuôn và không chào đón thay đổi từ những ý tưởng sáng tạo mới. Liệu có cách nào giúp cho du học sinh có thể cải thiện được tình trạng này của những bộ máy hoạt động truyền thống vốn vẫn tồn tại từ trước tới nay không?

Một số người đã giải quyết vấn đề này bằng cách khởi nghiệp. Khởi nghiệp thực sự là một cách tốt để thúc đẩy nền kinh tế của đất nước vì những du học sinh trở về sẽ có môi trường tốt để áp dụng kiến thức đã học được ở nước ngoài. Những du học sinh chưa về nước nên kết nối với các cựu sinh viên và người cố vấn để tìm hiểu về những rào cản tiềm ẩn tại nước nhà. Nhiều du học sinh mà tôi đã phỏng vấn chỉ biết đến các chiến lược để vượt qua các trở ngại tại quê nhà sau nhiều lần thất bại. Việc kết nối với những người đi trước sẽ giúp các em chuẩn bị và vượt qua khó khăn dễ dàng hơn.

Vậy du học sinh cần chuẩn bị những kiến thức và kĩ năng gì để chuẩn bị tốt cho việc hòa nhập với môi trường làm việc trong nước, đặc biệt là tại Việt Nam?

Vậy du học sinh cần chuẩn bị những kiến thức và kĩ năng gì để chuẩn bị tốt cho việc hòa nhập với môi trường làm việc trong nước, đặc biệt là tại Việt Nam?

Bằng cấp chỉ là một trong số rất nhiều điều mà các du học sinh khi về nước cần sở hữu. Các em nên hiểu rõ hơn về văn hóa làm việc địa phương, chú trọng phát triển mối quan hệ tại quê nhà trước khi trở về. Ngoài ra, tư duy làm việc linh hoạt, khả năng đối mặt và bình tĩnh vượt qua khó khăn cũng vô cùng quan trọng.

Thuộc top 1% các đại học hàng đầu thế giới và là mái nhà của hơn 21.000 sinh viên quốc tế đến từ hơn 170 quốc gia khác nhau, Đại học Monash, Úc - nơi bà đang công tác đã có những chương trình gì để hỗ trợ các du học sinh về nước, đặc biệt là du học sinh nữ?

Tất cả các cựu sinh viên (cả trong nước và ngoài nước) đều có thể tiếp tục kết nối với Monash - có thể thông qua chương trình cố vấn (mỗi người đều có thể đóng vai trò người cố vấn hoặc nhận sự cố vấn), có thể tiếp cận các cơ hội phát triển chuyên môn và mở rộng mối quan hệ, và có thể tiếp tục truy cập thư viện cũng như nhiều dịch vụ khác.

Xin trân trọng cảm ơn bà.

Thu Thủy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tien-si-dai-hoc-uc-du-hoc-sinh-nu-gap-nhieu-rao-can-khi-ve-nuoc-lam-viec-153164.html