Tiên phong dùng kỹ thuật hiện đại cứu người

Đây là cơ sở đầu ngành trên cả nước điều trị các bệnh về hô hấp. Trong những năm qua, các bác sĩ tại Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai hàng loạt kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, giúp cứu sống hàng ngàn bệnh nhân hiểm nghèo.

Các bác sĩ Trung tâm Hô hấp đang thực hiện 1 ca rửa phổi hoàn toàn.

Cứu sống bệnh nhân ngoạn mục

Mới đây các bác sĩ Trung tâm Hô hấp phối hợp với ê kíp Tai Mũi Họng và Gây mê hồi sức- Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện 2 ca đặt stent khí quản qua lỗ mở khí quản và đặt đồng thời 2 stent: Khí quản và thực quản. Đây được đánh giá là thành công vượt bậc của các bác sĩ, khi lần đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng sáng tạo cải tiến kỹ thuật tiên tiến trên thế giới cứu chữa bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Trước đó y văn thế giới mới chỉ ghi nhận 2 ca đặt stent qua lỗ mở khí quản được thực hiện tại Nhật Bản.

Bệnh nhân L.C.S. bị ung thư thực quản typ biểu mô vảy, phát hiện tháng 9/2015 đã điều trị hóa chất 8 đợt, xạ trị 28 liều, xuất hiện khó thở tăng dần. Các bác sĩ Trung tâm Hô hấp đã phối hợp với chuyên khoa Tai Mũi Họng đặt stent vào khí quản để giữ cho khối u không đè vào khí quản gây khó thở đồng thời ngăn ngừa nguy cơ thủng thực quản, thức ăn có thể theo lỗ thủng rơi từ thực quản vào đường thở và phổi gây nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân.

PGS.TS Chu Thị Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân S. cho biết, quá trình xạ trị trước đó làm biến dạng vùng cổ, gây xơ hóa trung thất và vùng cổ, rất khó đặt nội khí quản và đặt ống nội soi cứng. Các bác sĩ đã mở khí quản để đặt stent thì phát hiện khối u tiến triển gây thủng thực quản. Ê kíp phẫu thuật đã phối hợp với chuyên khoa nội soi tiêu hóa can thiệp đặt stent thực quản, bít lỗ thủng.

Với việc đặt stent khí quản và stent thực quản, giúp bệnh nhân được cải thiện chất lượng sống, giảm khó thở, giảm đau. GS.TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Hô hấp đánh giá, đây là ca cứu bệnh nhân ngoạn mục vì lần đầu tiên kỹ thuật đặt stent qua lỗ mở khí quản được áp dụng tại Việt Nam và lần đầu tiên đặt đồng thời stent kép: stent khí quản và stent thực quản được áp dụng. Khó khăn rất lớn khi bệnh nhân mắc bệnh nặng, cổ xơ hóa do xạ trị kéo dài khiến bác sĩ rất khó để đút ống nội soi cứng theo đường trên qua miệng, họng. Lúc này bắt buộc bác sĩ phải nghĩ đến việc đặt stent qua lỗ mở khí quản của bệnh nhân. Thành công có được là nhờ sự phối hợp rất tốt giữa các chuyên khoa Hô hấp- Tai Mũi Họng và Gây mê hồi sức.

Trung tâm Hô hấp cũng là nơi đầu tiên chẩn đoán và ứng dụng kỹ thuật rửa phổi toàn bộ điều trị thành công cho bệnh nhân mắc bệnh tích protein phế nang. Các bác sĩ đưa một lượng nước lớn (10 – 20 lít) vào từng bên phổi (trong khi thông khí bên phổi còn lại được duy trì hoàn toàn bình thường). Biện pháp được chỉ định chủ yếu trong bệnh tích protein phế nang - một rối loạn gây tích tụ chất dạng lipoprotein ở phế nang làm cản trở quá trình thông khí và trao đổi khí.

Bệnh nhân nam 49 tuổi, vào điều trị tại Trung tâm Hô hấp vì ho kéo dài, suy hô hấp nặng với hình ảnh tổn thương phổi kẽ - phế nang trên X quang và CT scan phổi. Dịch rửa phế quản phế nang trắng đục như sữa. Bệnh nhân được rửa toàn bộ từng phổi qua ống nội khí quản hai nòng, hai phổi rửa cách nhau một tuần. Theo dõi ngay sau rửa phổi tình trạng suy hô hấp được cải thiện nhanh chóng. Kiểm tra sau 1 năm X quang phổi và chức năng hô hấp hoàn toàn bình thường.

Nỗ lực vì bệnh nhân

Trung tâm Hô hấp đã thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị khó như: nội soi phế quản, nội soi phế quản can thiệp cắt đốt khối u, sẹo hẹp và đặt stent nội khí phế quản, nội soi màng phổi, sinh thiết xuyên thành ngực dưới hướng dẫn của chụp cắt lớp vi tính. Đồng thời áp dụng các kỹ thuật mới với các cải tiến sáng tạo phù hợp với hoàn cảnh của nền y tế Việt Nam.

Trung tâm Hô hấp luôn trong tình trạng quá tải, trung bình có 150 bệnh nhân nằm điều trị, nhiều bệnh nhân nặng phải thở máy khiến các bác sĩ và điều dưỡng luôn ở trạng thái làm việc căng thẳng, giành giật sự sống với những ca bệnh nặng. GS.TS Ngô Quý Châu cho biết Trung tâm đã xây dựng và củng cố hoạt động phòng chăm sóc hô hấp tích cực với 9 giường bệnh, thực hiện việc thở máy không xâm nhập cho bệnh nhân suy hô hấp cấp và mạn, tránh cho bệnh nhân không phải đặt nội khí quản góp phần giảm tải cho khoa Hồi sức tích cực, giảm chi phí và tránh được nhiễm trùng bệnh viện do phải đặt nội khí quản.

Cùng với việc hội chẩn nội bộ, từ nhiều năm nay Trung tâm đã tổ chức và duy trì buổi hội chẩn liên chuyên khoa, liên bệnh viện với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành 1 tuần một lần và đã có hàng ngàn ca bệnh khó được hội chẩn và được chữa trị kịp thời.

Với 35 năm thành lập và phát triển, ngoài việc chẩn đoán, điều trị bệnh nhân thuộc chuyên khoa hô hấp tuyến cuối, Trung tâm Hô hấp còn đào tạo, giảng dạy các lớp trung học, đại học và sau đại học. Đây cũng là đầu mối quản lý, triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và mục tiêu y tế phòng chống các bệnh hô hấp không lây nhiễm, chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá của Bộ Y tế. Tham gia công tác chỉ đạo tuyến về lĩnh vực các bệnh hô hấp trên các tỉnh thành phố.

Trong 5 năm trở lại đây đã có 5 kỹ thuật lớn được triển khai tại Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai: đo đa ký giấc ngủ, đo dung tích phổi toàn phần bằng máy đo thể tích ký thân, rửa phổi toàn bộ, đặt van phế quản một chiều, đặt stent khí phế quản – cùng stent thực quản... Đặc biệt, kỹ thuật rửa phổi toàn bộ đã giúp cứu sống những người bệnh mắc bệnh tích protein phế nang với tình trạng suy hô hấp tưởng chừng không qua khỏi.

Thái Hà

Nguồn Tiền Phong: http://khoe360.tienphong.vn/gia-dinh-suc-khoe/tien-phong-dung-ky-thuat-hien-dai-cuu-nguoi-1067112.tpo