Tiên giữa đời thường

Tôi về Thủ Thừa vào ngày 25 tháng Chạp. Ven đường đi, mấy cây mai tuốt lá sớm đã trổ bông vàng rực. Tôi chẳng còn ai thân thích ở đây ngoại trừ ngôi mộ của người cho tôi niềm tin vào cuộc sống và lòng yêu thương con người.

Minh họa: Internet

Minh họa: Internet

Tôi đứng lặng trước di ảnh của người quá cố, không muốn khóc mà sao nước mắt cứ ứa ra, nghẹn ngào. Cô ơi, con là thằng Thương, thằng học trò bé bỏng tội nghiệp của cô đây. Con không nói được lời yêu thương, lời biết ơn cô trước lúc cô ra đi nhưng hình bóng cô, tình thương của cô sẽ bên con đến cuối cuộc đời.

Tôi là đứa trẻ không bình thường như bao đứa trẻ khác. Tôi là một đứa trẻ dị dạng với cái đầu to quá khổ, đôi mắt lồi và cái miệng ngoác đến tận mang tai. Theo y học, tôi là hậu quả của sự khiếm khuyết, rối loạn cặp nhiễm sắc thể nào đó. Theo tụi con nít trong xóm, tôi là một quái vật. Còn theo ba tôi thì tôi là một quái thai. Một người như ông không thể nào sinh ra một đứa con như thế. Tất cả lỗi là do má tôi và ông đã bỏ rơi má con tôi khi tôi chưa tròn tháng tuổi. Má tội nghiệp của tôi khóc hết nước mắt, ôm đứa con có khuôn mặt không giống người cho bú cạn dòng sữa chắt chiu từ máu đỏ.

Tôi lớn lên trong cô quạnh. Có những lúc đau khổ, buồn tủi quá, tôi hỏi má sao không vứt tôi ở một bãi đất hoang hay một nghĩa địa nào đó để tôi chết luôn cho rồi, để tôi không phải hiện diện trên cõi đời này với bao điều cay cực, để má được rảnh nợ.

- Con có xấu xí, có điên khùng cũng là núm ruột của má. Có ai mà đành lòng cắt bỏ núm ruột của mình đâu con - má âu yếm ôm tôi vào lòng thầm thì như thế.

Má tôi quê mùa nhưng với tôi, má là người mẹ tuyệt vời nhất trên thế gian này. Giờ thì tôi không còn oán trách cuộc đời, oán trách số phận. Ông trời rất công bằng khi phân phát niềm vui cũng như nỗi đau cho mỗi con người. Cứ chiêm nghiệm, cân đo bằng trái tim, bằng tấm lòng rồi sẽ thấy. Tôi có má, má nhân hậu thuần lương, tần tảo hy sinh cả cuộc đời cho đứa con có khuôn mặt không giống người. Và tôi có cô, người thầy tuyệt vời “khai tâm, điểm nhãn” cho tôi đi vào cõi “người” trên thế gian.

... Nhà tôi ở ven sông, phía trước có con đường rải đá đỏ, phía sau có đám dừa nước um tùm dây cóc kèn, dây cám. Ngôi nhà lá có nền đất mát lạnh mà đôi bàn chân bé nhỏ của tôi in dấu đến phẳng lì. Tôi lẩn quẩn ở nhà chờ má về tắm cho, rồi ăn cơm. Ngày nào như ngày nào, suốt tuổi thơ tôi không có ai chơi cùng ngoài má. Năm tôi 12 tuổi, một lần tôi trốn má ra khỏi nhà. Và cuộc đời tôi không biết sẽ ra sao nếu không có lần vượt rào đột xuất đó.

Tôi lang thang trên đường, đi về phía có nhiều con nít hay đến. Nơi đó là trường học, má nói với tôi nơi đó là trường học. Chà, sao mà nhiều con nít quá vậy?! Nhưng tôi đau đớn nhận ra rằng, chẳng có đứa nào trong hàng hà sa số con nít đó giống như tôi. Tôi dị dạng, tôi xấu xí. Tôi biết lờ mờ điều đó qua những lời thầm thì trong nước mắt của má tôi trong đêm. Giờ thì tôi hiểu rõ hơn vì sao má không bao giờ cho tôi bước ra khỏi nhà.

Chúng chơi những trò rất ngộ và dường như chúng vui vẻ lắm. Lúc đầu, tôi đứng núp sau gốc cây để nhìn trộm từ xa, rồi không biết tôi ra khỏi chỗ núp đến gần tự lúc nào. Một đứa trong bọn chúng chợt nhìn thấy tôi, nó liền gào to lên:

- Quỷ! Quỷ ! Có quỷ hiện hình kìa tụi bây ơi!

Tất cả nháo nhào rời khỏi cuộc chơi, cùng lùi về một phía nhìn tôi đăm đăm - “không phải quỷ, quái vật, quái vật”.

Chúng hết sợ và bắt đầu trò chơi mới. Chúng xô hết đứa này đến đứa khác về phía tôi, rượt đuổi, trì kéo, nhảy nhót, vỗ tay bôm bốp. Cuối cùng, một đứa trong bọn nghĩ ra trò lượm đá ném vào người tôi. Thế là cả đám bắt chước. Tôi sợ, tôi đau đến điếng hồn không sao nhấc chân để mà trốn chạy. Tôi chỉ biết đứng im mà khóc. Đúng lúc ấy, có một bà Tiên hiện ra. Bà không gõ đũa thần mà cả bọn con nít tự dưng bỏ chạy cuống cuồng.

- Con có sao không? - bà Tiên nhẹ nhàng phủi bụi đất bám trên người tôi, dịu dàng hỏi. Tôi nín khóc, nhìn bà Tiên thật kỹ. Má hay kể bà Tiên đẹp. Mà đẹp là như thế này đây. Tôi cứ đứng im nhìn bà Tiên.

- Nhà của con ở đâu?

Tôi đưa tay chỉ về phía mé sông.

- Con tìm ai ở đây phải không?

Tôi lắc đầu. Bà Tiên ngẫm nghĩ một hồi rồi nói khe khẽ:

- Cô biết rồi! Con tới đây để xem các bạn chơi chứ gì. Mấy bạn đó hư quá, cô sẽ phạt cho mà xem. Để cô coi con có bị thương không nào

Bà Tiên cười hiền y như má. Tôi mạnh dạn đưa bàn tay bị rớm máu ra.

Bà Tiên cầm tay tôi thổi phù phù, vuốt nhẹ mấy cái rồi hỏi:

- Con tên gì?

Tôi muốn trả lời, nhưng có cái gì đó ngăn trong cổ họng không sao thốt được thành lời.

- Con không nói được sao? Mẹ con gọi con là bé gì?

- Con không có mẹ. Con có má.

Bỗng dưng tôi ăn nói lưu loát hẳn, dù từ trước đến giờ tôi chưa nói chuyện với ai ngoài má. Bà Tiên cười:

- Vậy là con biết nói. Thế má gọi con là bé gì?

- Thương.

- Thương. Tên nghe dễ thương quá. Thế má Thương đâu rồi?

- Má đi cấy lúa.

- Cô hiểu rồi. Má đi cấy lúa, Thương ở nhà trốn đi chơi, đúng không?

Tôi gật đầu rồi bước nhanh về nhà. Cứ đi được một đoạn, tôi lại dừng bước, ngoái đầu xem bà Tiên còn ở phía sau không. Bà Tiên theo tôi về tận ngôi nhà lá, nền đất, cạnh bờ sông Vàm Cỏ. Bà không vào nhà mà ngồi trên khúc cây má tôi cưa làm ghế, đặt dưới gốc xoài trước sân. Bà Tiên hỏi tôi về má, về ba, về những điều vụn vặt tôi làm hằng ngày.

Tôi nói, tôi kể lung tung mà bà Tiên vẫn lắng nghe, gật gật đầu. Chưa bao giờ, lòng tôi có được cảm xúc diệu kỳ như hôm ấy. Nó lâng lâng như cánh diều bay bổng, nó mênh mang như sóng gợn trên sông, nó ngòn ngọt như mùi cỏ non mới cắt,…

Tôi cho bà Tiên xem hết bảo bối của tôi: Con trâu, con heo, con thỏ, con gà,... nặn bằng đất sét; hộp thiếc đựng 2 con dế than, rồi tôi dẫn bà Tiên ra sau vườn khoe luống cải má gieo cho tôi tưới hằng ngày và bầy gà mái tôi chăm gần đẻ trứng. Bà Tiên chăm chú nghe tôi nói, thích thú ngắm nhìn những thứ tôi chỉ cho bà xem. Bà nói một câu, tôi không hiểu hết nhưng tôi còn nhớ rõ:

- Con là đứa trẻ ngoan và thông minh. Thật đáng tiếc…

Bà ngồi im một lúc rồi quay sang hỏi tôi:

- Con có thích đi học không?

Đi học? Tôi nhớ tới bọn con nít hung hăng ném đá làm tôi đau nên lắc đầu. Bà Tiên nhìn tôi thở dài rồi trầm ngâm thật lâu. (Sau này, khi trưởng thành, đứng trước gương nhớ lại giây phút ấy, tôi mới biết mình nợ cô biết bao ân tình).

Bà Tiên cho tôi quyển sách nhỏ có nhiều hình vẽ và màu sắc trong đó. Bà dặn đi dặn lại mấy lượt sợ tôi quên:

- Con nhớ nói với má ở nhà, mai có cô giáo ghé thăm.

Và hôm đó tôi mong má về quá đỗi.

Hôm sau, bà Tiên cô giáo ghé thật chứ không biến mất luôn. Hai người nói chuyện gì đó lâu thiệt lâu, rồi má tôi cầm tay bà Tiên khóc. Rõ ràng, tôi thấy bà Tiên chảy nước mắt.

Từ bữa đó, trưa nào bà Tiên mà má biểu tôi kêu bằng cô giáo Ngà, cũng tới nhà dạy học. Cô khen tôi sáng dạ, có hoa tay, ngoan ngoãn, biết phụ giúp má và tôi cố hết sức để cô được vui lòng. Tôi biết đọc, biết viết rất nhanh và làm thành thạo các phép tính, toán đố cô cho. Cô thường trêu má tôi:

- Con của chị tài hoa lắm! Dị tật, kỳ tài. Sau này, chị được báo hiếu, an tâm mà hưởng phước nhé!

Má tôi vui hẳn từ khi có cô lui tới dạy học cho tôi. Tôi siêng năng chăm chút mấy liếp rau và đàn gà hơn để có chút quà lâu lâu tới thăm cô giáo. Má đã dám dẫn tôi ra đường để đến ngôi nhà nhỏ của cô ngoài thị trấn. Thiên hạ chỉ trỏ, bọn con nít bu theo trêu ghẹo cũng không làm tôi mất đi niềm vui được đến thăm cô. Cô sống với người mẹ bị mất trí nhớ. Cô không nỡ đi lấy chồng bỏ mẹ già hiu quạnh, không ai chăm sóc. Từ tủ sách của cô, từ cô, tôi biết thế nào là thế giới, gia đình, pháp luật, xã hội,…

Cô kể cho tôi nghe nhiều chuyện mà má tôi chưa kể bao giờ: Sọ Dừa, Chàng rể Cóc, Sự tích con khỉ,... Những câu chuyện mà nhân vật chính có hình dạng xấu xí, bị đọa đày khốn khổ nhưng nhờ lòng hiếu thảo, dạ ngay thật, siêng năng, cần cù, biết yêu thương, giúp đỡ người khác nên được sung sướng, hạnh phúc.

Năm tôi 15 tuổi, cô chạy lo giấy tờ cho tôi tốt nghiệp tiểu học. Sau đó, má tôi cắt phân nửa mảnh vườn bán cho hàng xóm, cùng cô đưa tôi lên thành phố để học tiếp ở trường dành cho trẻ em khuyết tật. Trước khi ra về, cô cầm tay tôi rất lâu và nói những điều mà tôi khắc sâu vào tim suốt cuộc đời.

- Con đã nhìn thấy hết tất cả các bạn ở đây rồi phải không? Con đừng bao giờ chán nản hay tuyệt vọng! Vui sướng hay buồn phiền là do tự tâm con chứ không phải do người khác bốc tâng hay dè bỉu. Con phải hiểu là con may mắn hơn những bạn không có trí tuệ, những bạn phải nằm liệt một chỗ, nhưng bạn không bao giờ được nhìn thấy ánh sáng… Con người tốt đẹp ở cái tâm, ở tấm lòng chứ không phải ở dáng vẻ bên ngoài. Con cố gắng học để sau này có thể tự nuôi thân, nuôi má, giúp đỡ nhưng người hoạn nạn, khốn khó. Đừng gây thương tổn, đừng làm điều ác với bất kỳ ai,… như thế, con mới là con người đúng nghĩa.

Tôi khóc ròng khi đứng ngóng theo lưng áo má, lưng áo cô dần khuất sau cánh cổng trường.

Tôi học chữ, hội họa, học đàn. Lâu lâu, má lên thăm, cho quần áo, tiền ăn sáng và lần nào cô cũng gửi quà cho tôi. Tôi phác họa hai bức tranh đầu tay bằng tất cả tình yêu thương và lòng kính mến dành cho má, cho cô. Một bức vẽ má tôi đứng giữa cánh đồng rực rỡ ánh hào quang, tay quẹt mồ hôi, tay cầm bó mạ. Một bức vẽ cô mặc áo trắng, tay cầm quyển sách với đôi cánh thiên thần trên vai, ngồi trên khúc cây màu nâu giữa nền xanh của tán lá xoài.

Giờ thì tôi đã có thể nuôi má, nuôi thân bằng nghề vẽ tranh quảng cáo cộng với tiền lương dạy ở trường dành cho trẻ em khuyết tật. Nhưng mãi mãi, tôi sẽ không còn được gặp lại cô để nghe cô dạy bảo, để được dâng cô chút lòng thành kính. Sau khi mẹ cô mất không lâu, cô bị tai nạn và qua đời. Lẽ ra, cô vẫn bình an vô sự nếu không lao ra đường để cứu một học sinh đang băng ẩu qua đường lúc chiếc xe tải đang phóng tới với tốc độ nhanh. Em đó chỉ bị xây xát nhẹ, còn cô thì vĩnh viễn ra đi. Trời đất cũng thảm sầu ngày tiễn đưa cô về lòng đất lạnh. Đám tang cô giáo có hàng trăm học trò nhỏ mặc áo trắng khóc thương khiến những trái tim bằng đá cũng rưng rưng.

Tôi khóc ngất, khóc không cần che giấu, không sợ người khác ghê tởm ngó dòm. Con người tốt đẹp ở cái tâm, ở tấm lòng chứ không phải ở dáng vẻ bên ngoài. Cô ơi con đã hiểu. Đâu phải chỉ ở trên trời mới có các vị tiên.

Tôi đã vẽ hoàn chỉnh hai bức phác họa ngày nào. Cả hai bức đều đoạt giải đặc biệt trong một cuộc thi về mỹ thuật cấp quốc gia. Tôi còn được nhiều giải thưởng của Hội Mỹ thuật khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Có điều, tôi không làm sao vẽ được bức chân dung của cô cho thật vừa ý để đặt trên bàn thờ.

Năm bức rồi mười bức, sao vẫn cứ thấy thiêu thiếu một cái gì đó trong ánh mắt cô. Đêm hôm rồi, tôi nằm mơ thấy cô và sáng nay tôi chợt ngộ ra: Tôi chưa khắc họa được cái thần trong mắt cô vì tôi còn nợ cô một tấm lòng chưa trả được, tấm lòng dành cho những mảnh đời đau khổ và bất hạnh. Tôi biết tôi sẽ phải làm gì trong thời gian sắp tới.

Tôi sẽ thành lập một trung tâm dạy hội họa cho trẻ em nghèo, cơ nhỡ, khuyết tật, rồi sau đó nhận tranh vẽ quảng cáo hoặc tổ chức triển lãm để bán tranh, giúp các em có việc làm, tự nuôi sống bản thân. Má hứa bán nốt mảnh vườn còn lại để giúp tôi hoàn thành tâm nguyện. Nhất định tôi sẽ thành công. Ánh mắt ôn nhu, trìu mến, lấp lánh niềm vui trong bức tranh tôi vẽ cô lần này đã thầm cho tôi biết điều đó./.

Tuyết Mai

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tien-giua-doi-thuong-a166113.html