Tiền Giang: Gỡ khó trong dạy môn tích hợp bậc trung học cơ sở

Cùng với cả nước, tỉnh Tiền Giang bước sang năm thứ 4 triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018. Bên cạnh những điểm nhấn tích cực, việc dạy học theo Chương trình GDPT năm 2018 đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế nhất định, trong đó phải kể đến là việc giảng dạy các môn học tích hợp ở bậc trung học cơ sở (THCS).

Giống như nhiều tỉnh, thành khác, tỉnh Tiền Giang triển khai dạy học môn tích hợp theo Chương trình GDPT năm 2018 theo hướng vừa dạy vừa gỡ khó. Trong đó, tập trung bố trí, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu.

KHÓ KHĂN

Năm học 2023 - 2024, Chương trình GDPT năm 2018 đã triển khai ở 3 trong số 4 khối lớp bậc THCS là lớp 6, 7 và 8. THCS là bậc học có nhiều môn tích hợp đã gây lúng túng cho giáo viên, nhà trường trong việc triển khai, thực hiện. Cô T.T.M., giáo viên giảng dạy tích hợp các môn Khoa học tự nhiên (KHTN) ở TP. Mỹ Tho chia sẻ: “Bản thân tôi được đào tạo sư phạm Hóa học, tôi thi đại học và theo học khối B (Toán, Hóa học, Sinh học) nên việc dạy 2 phân môn Hóa học, Sinh học là không thành vấn đề, nhưng với môn Vật lý, tôi cảm thấy không đủ tự tin để giải đáp thắc mắc của học sinh về những kiến thức chuyên sâu. Không riêng gì tôi, mà ngược lại những thầy cô dạy môn Vật lý cũng rất ái ngại khi dạy Sinh học hay Hóa học, thực tế như vậy cứ chồng chéo”.

Cũng theo nhiều giáo viên, hiện nay hầu hết các trường chỉ giảng dạy tích hợp các môn KHTN ở khối lớp 6 và 7, bởi vì các kiến thức ở 2 khối này không quá phức tạp. Còn ở khối lớp 8, kiến thức tích hợp các môn KHTN khá nặng nên các trường phải phân công môn học này tới 3 giáo viên đảm nhiệm. Đội ngũ giáo viên thiếu thì chất lượng các môn học này vẫn là một thách thức, cùng với đó là khó khăn về cơ sở vật chất. Trong khi đó, chủ trương tích hợp mà giảng dạy vẫn phải chia ra từng phân môn thì mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục sẽ rất khó đạt được hiệu quả như mong đợi.

Giờ học của học sinh Trường THCS Vĩnh Kim, huyện Châu Thành.

Còn với môn Lịch sử và Địa lý, hiện nay có rất ít trường phân công 1 giáo viên giảng dạy tích hợp ở môn này, trong khi đó, nội dung ở phân môn nào thì giáo viên ở phân môn đó đảm nhận. Theo phân tích của một giáo viên dạy môn Lịch sử ở TP. Mỹ Tho, ở chương trình khối lớp 6 không có vấn đề gì khó khăn, tuy nhiên lên lớp 7 đã bắt đầu có những kiến thức mới mang tính chất tích hợp, ví dụ như vấn đề “Đô thị: Lịch sử và hiện tại” hay các vấn đề về các vùng… Hoặc ở khối lớp 8, 9 sẽ có rất nhiều kiến thức mới mà Chương trình GDPT năm 2006 không có sẽ là một trong rất nhiều trở ngại khi truyền đạt cho học sinh.

VỪA DẠY VỪA GỠ KHÓ

Bàn về phương án giảng dạy các môn tích hợp bậc THCS sẽ ra sao, tại một diễn đàn lớn của ngành Giáo dục diễn ra đầu năm học 2023 - 2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn đã có những chia sẻ, việc triển khai môn tích hợp đang là một thách thức lớn đặt ra. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng đã nhìn ra những khó khăn ở cơ sở. Tuy nhiên, dừng lại hay tiếp tục trong lúc này đối với các môn học tích hợp ở cấp THCS là một thách thức không hề nhỏ đối với toàn ngành. Trong thời gian tới, dự kiến sẽ đưa ra điều chỉnh nội dung môn tích hợp, nhưng điều chỉnh như thế nào để không gây ra những xáo trộn tiếp theo cũng như ảnh hưởng đến việc sử dụng đội ngũ giáo viên, năng lực của giáo viên đã được chuẩn hóa.

Còn với tỉnh Tiền Giang, việc giảng dạy các môn tích hợp được đưa ra theo phương án vừa dạy vừa gỡ khó. Với khối lớp 6, 7, các giáo viên trong tổ chuyên môn sẽ hỗ trợ, trao đổi kiến thức chuyên môn cho nhau. Còn đối với khối lớp 8, để bảo đảm dạy học môn tích hợp, đa phần trường THCS chưa phân bổ 1 giáo viên đảm nhận mà phải 2 đến 3 thầy cô “gồng gánh” môn học này. Nhiều cơ sở giáo dục trong một học kỳ đã chia thời gian thành hai đến ba phần để bố trí thời khóa biểu giáo viên hợp lý. Theo đó, giáo viên chuyên phân môn nào dạy nội dung chính môn đó. Riêng với chủ đề tích hợp, tổ bộ môn họp để phân công giáo viên đảm nhiệm.

Cô Bùi Huỳnh Thơ, Hiệu trưởng Trường THCS Gia Thuận (huyện Gò Công Đông) cho biết: “Để công tác giảng dạy đạt hiệu quả cao, hằng tuần giáo viên dạy môn tổ hợp ngồi lại với nhau sinh hoạt chuyên môn, trao đổi về kế hoạch bài dạy của cá nhân, xem phần nào khó khăn trong quá trình giảng dạy. Chẳng hạn, với môn KHTN, giáo viên chuyên môn Vật lý sẽ hỗ trợ đồng nghiệp chuyên môn Hóa học, Sinh học và ngược lại...”.

Bên cạnh những giải pháp trước mắt, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đã chú trọng công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Theo đó, Bộ GD-ĐT đã có 9 mô-đun tập huấn giáo viên dạy tích hợp, Sở đã triển khai bồi dưỡng đại trà cho tất cả giáo viên giảng dạy tích hợp ở các môn. Đầu năm học vừa qua, Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh đào tạo, bồi dưỡng 900 giáo viên dạy môn tích hợp KHTN; Lịch sử - Địa lý cấp THCS và môn Tin học - Công nghệ cấp tiểu học. Trong đó, có 356 giáo viên bồi dưỡng môn Lịch sử - Địa lý; 744 giáo viên bồi dưỡng môn KHTN.

Còn về giải pháp lâu dài, hiện tại ngành GD-ĐT đang tích cực triển khai Đề án “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục” nhằm mục tiêu xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn theo các quy định hiện hành. Đồng thời, từng bước nâng cao và chuẩn hóa về trình độ đào tạo, nâng cao chất lượng toàn diện, bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, tập trung rà soát, sắp xếp đội ngũ phù hợp thực tế địa phương trên tinh thần bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu môn học. Cũng theo ngành GD-ĐT, hiện nay các trường đại học đang tào tạo giáo viên các môn tích hợp, đây cũng là nguồn tuyển dụng phong phú cho tỉnh Tiền Giang cũng như các địa phương khác trong thời gian tới để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên.

Đ.PHI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202310/tien-giang-go-kho-trong-day-mon-tich-hop-bac-trung-hoc-co-so-992914/