Tiền Giang dồn lực đưa nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất

Cùng với công tác ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, thì công tác tạo nguồn, cung cấp nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất của người dân và doanh nghiệp trong cao điểm hạn mặn đang được các ngành, các cấp ở tỉnh Tiền Giang thực hiện khẩn trương và quyết liệt.

Trong những ngày này, nhà máy nước BOO Đồng Tâm(thuộc công ty cổ phần Nhà máy nước Đồng Tâm, tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) hoạt động hết công suất để cung cấp nguồn nước sạch gần 60.000 mét khối/ngày, đêm cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân và các doanh nghiệp của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tăng khoảng 25% so với trước tết cổ truyền.

Hồ chứa gần 400 nghìn mét khối nước nguyên liệu để cung cấp cho nhà máy BOO Đồng Tâm xử lý để phục vụ cho nhiều địa phương trong tỉnh Tiền Giang

Để có đủ nguồn nước phục vụ cao điểm hạn mặn, công ty phải tranh thủ bơm cấp bổ thêm lượng nước từ sông Tiền và kênh Sáu Ầu trong điều kiện cho phép vào hồ chứa nước thô gần 400.000 mét khối nước. Đặc biệt khi nước dưới sông Tiền tại xã Bình Đức bị mặn xâm nhập, công ty phải cử cán bộ canh trực đo độ mặn 30 phút/lần để khi nước mặn dưới 250mg/lít sẽ bơm vào hồ xử lý.

Dự báo tình hình hạn mặn năm nay còn diễn biến phức tạp, nguồn nước nguyên liệu có thể khan hiếm, nên phía công ty cổ phần Nhà máy nước Đồng Tâm cũng có phương án ứng phó; trong đó sẽ kích hoạt 06 giếng khoan tầng sâu dự phòng; tu sửa, bảo trì các thiết bị, máy móc dự phòng đảm bảo tính ổn định.

Hệ thống máy bơm tại nhà máy nước BOO Đồng Tâm phát nước 24/24 để đưa nước sạch đến phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Bà Ngô Thị Còn, Tổng giám đốc công ty cổ phần Nhà máy nước Đồng Tâm cho biết thêm: "Khi tình huống diễn biến phức tạp, lặp lại như năm 2020 thì thứ nhất mình phải bơm từ kênh Sáu Ầu về, 6 giếng khoan sẽ hoạt động ổn định trong tình huống phức tạp luôn rồi. Trong trường hợp nước ở kênh Sáu Ầu không lấy được nữa thì nhà nước sẽ chở sà lan về bơm trực tiếp vô hồ mình. Hiện nay, nhà máy đang phát nước trên 60 nghìn mét khối/ ngày, vượt công suất luôn. Mình đã chuẩn bị hết tất cả các tình huống xảy ra mình sẽ có phương án thay thế liền”.

Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang là đơn vị chủ công trong việc quản lý, vận hành, cung ứng nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đáng quan tâm là ở các huyện, thị phía Đông và cù lao Tân Phú Đông do gần biển nên trong mùa khô hạn như hiện nay, nhu cầu nước sinh hoạt tăng rất cao. Do có Dự án “Mạng lưới đường ống cấp nước phía Đông và Trạm bơm tăng áp Gò Công”, nên mùa khô năm nay, tình hình cấp nước cho khu vực Thị xã Gò Công và huyện Gò Công Đông có nhiều thuận lợi và chuyển biến tích cực so với trước đây. Ở các khu vực hẻo lánh, xa nguồn nước máy thì công ty mở 21 vòi nước công cộng để phục vụ miễn phí cho người dân. Do đó, đến thời điểm này, chưa xảy ra thiếu nguồn nước trong sinh hoạt.

Tỉnh Tiền Giang mở 25 vòi nước công cộng phục vụ miễn phí cho người dân vùng sâu

Ông Trương Văn Phúc, người dân xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông nói: "Hiện tại chỗ nhà em thì vẫn có nước, dùng bình thường, nói chung còn sử dụng tốt. Nước máy chưa xảy ra tình trạng khan hiếm như các năm trước. Kênh rạch thì cạn nhiều rồi, hai ngày nay thời tiết oi rồi, hết gió rất nóng nực”.

Riêng địa bàn huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cũng đang tăng rất cao. Nhờ đường ống dẫn nước của nhà máy BOO Đồng Tâm từ đất liền qua kết hợp với 07 vòi nước công cộng đã giúp người dân cù lao này giảm bớt khó khăn do thiếu nước sạch trong sinh hoạt. Tuy nhiên do điều kiện Nhà máy nước BOO Đồng Tâm và tuyến ống chuyển tải nước Đồng Tâm đã vượt công suất trong khi nguồn nước ngọt dự trữ tại các ao chứa có hạn… dẫn đến một số điểm ở cuối mạng lưới xảy ra tình trạng nước yếu và thiếu nước cục bộ.

Cửa cống âu kênh Nguyễn Tấn Thành đóng để ngăn mặn và trữ nước ngọt.

Hiện tại, hầu hết các ao trữ nước tại đây đều cạn dần do nước sông Tiền nhiễm mặn rất cao nên không còn nguồn nước ngọt bổ sung. Các ngành chức năng, doanh nghiệp vận hành nước đang phối hợp điều tiết nước phục vụ đều khắp trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Tân Phú Đông chia sẻ: "Nước sinh hoạt bây giờ ổn rồi, nói chung cũng có thiếu, hạn chế nhưng nhờ điều tiết, mình cũng mở 07 vòi nước cho dân đến lấy. Bây giờ đang lo nguồn nước từ nhà máy BOO về nếu thiếu mình phải chịu thôi vì nước ngoài sông ở đây mặn cao lắm. Mấy cái ao nước trữ cũng bị cạn triệt rồi, nếu mặn còn cao kéo dài sẽ xem xét đề xuất tỉnh, huyện thì có giải pháp tình thế điều tiết làm so để mỗi khu vực đều có nước".

Vùng cù lao Tân Phú Đông hiện đất khô cằn, cỏ cháy, nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất đang khan hiếm.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt tại các huyện phía Đông và cù lao Tân Phú Đông của tỉnh Tiền Giang cần khoảng 80.000 m3/ngày đêm. Trong đó, Nhà máy nước BOO Đồng Tâm cung cấp khoảng gần 60.000 m3, còn lại do các trạm cấp nước sản xuất tại chỗ. Nhờ sự nỗ lực cao của các đơn vị có liên quan nên đến thời hiện nay, nguồn cung nước sạch vẫn ổn định, chưa xảy ra khan hiếm nguồn nước, mức giá nước cũng ổn định. Thuận lợi của tỉnh Tiền Giang trong công tác ứng phó với hạn mặn năm nay là sớm đóng kín cửa cống âu kênh Nguyễn Tấn Thành trở thành hồ chứa nước ngọt có thể bơm cấp bổ vào nhà máy BOO Đồng Tâm khi hạn mặn kéo dài. Chủ trương của tỉnh Tiền Giang là bằng nhiều giải pháp đã và đang thực hiện quyết liệt, khẩn trương không để xảy ra thiếu nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất của người dân và doanh nghiệp, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tien-giang-don-luc-dua-nuoc-sach-phuc-vu-sinh-hoat-va-san-xuat-post1081113.vov