Tiền Giang: Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP trong hợp tác xã

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã nhận được sự quan tâm của nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Một số HTX đã có sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, nhưng con số này vẫn còn thấp và chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Sản phẩm mứt sơ ri của HTX Sơ ri Bình Ân, huyện Gò Công Đông được công nhận OCOP 3 sao.

Sản phẩm mứt sơ ri của HTX Sơ ri Bình Ân, huyện Gò Công Đông được công nhận OCOP 3 sao.

QUAN TÂM XÂY DỰNG

Theo Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang), thực hiện Quyết định 490 ngày 7-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020, Tiền Giang đã ban hành kế hoạch và thực hiện trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tỉnh đã xây dựng và công nhận 119 sản phẩm đạt OCOP, trong đó có 75 sản phẩm 4 sao (nâng hạng 1 sản phẩm) và 44 sản phẩm 3 sao với 34 chủ thể tham gia OCOP. Trong 34 chủ thể tham gia OCOP, có 7 HTX đã tham gia với 18 sản phẩm đạt từ 3 đến 4 sao.

Việc tham gia Chương trình OCOP là cơ hội tốt để HTX khẳng định chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường. Đây còn là cơ hội để nâng cao hiệu quả sản xuất của các HTX, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất ngành Nông nghiệp theo hướng nâng giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

HTX Rau an toàn Bình Nghị (xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông) là một trong số những HTX ở tỉnh tiên phong xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Điều này góp phần khẳng định, nâng tầm thương hiệu các loại rau của HTX. Theo đó, sau thời gian tham gia, sản phẩm cải ngồng của HTX đã được công nhận đạt OCOP 3 sao. Đây là bước tiến đánh dấu sự phát triển của HTX.

Theo ông Võ Công Thành, Giám đốc HTX, hiện đơn vị đang tiếp tục xây dựng, phấn đấu để 2 loại rau lang và rau mồng tươi đạt chuẩn OCOP. Trong thời gian tới, HTX sẽ nỗ lực hoàn thiện quy trình sản xuất để đề nghị công nhận sản phẩm OCOP đối với 2 loại rau này.

Cũng tại huyện Gò Công Đông, bên cạnh việc phát triển các sản phẩm chế biến từ trái sơ ri, HTX Sơ ri Bình Ân - Gò Công Đông còn tích cực tham gia xây dựng sản phẩm OCOP. Đến nay, sản phẩm mứt sơ ri của HTX đã được công nhận đạt OCOP 3 sao. Ông Nguyễn Trọng Thế, Giám đốc HTX cho biết, việc được công nhận OCOP giúp sản phẩm của HTX tăng thêm uy tín trên thị trường, là cơ hội để đơn vị mở rộng phân phối.

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và khẳng định thương hiệu, thời gian qua, HTX Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công (TX. Gò Công) đã chủ động xây dựng sản phẩm gà ta Gò Công đạt chứng nhận OCOP. Theo đó, sau quá trình nỗ lực không ngừng, trong năm 2020, sản phẩm gà ta Gò Công của HTX đã được chứng nhận OCOP 4 sao. Năm 2022, HTX phát triển thêm sản phẩm mới và tham gia đánh giá đạt 3 sao đối với 2 sản phẩm thịt gà chà bông và khô gà cay. Điều này góp phần nâng cao uy tín của các sản phẩm do HTX sản xuất.

ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN

Theo Chi cục Phát triển nông thôn, hiện nay trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 182 HTX nông nghiệp, tuy nhiên chỉ có 7 HTX tham gia Chương trình OCOP. Con số này khá nhỏ so với tiềm năng hiện có trên địa bàn tỉnh. Việc phát triển sản phẩm OCOP của các HTX gặp một số khó khăn. Cụ thể, trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP đòi hỏi HTX phải mở rộng sản xuất, liên kết chuỗi giá trị, thay đổi công nghệ sản xuất, cần nguồn lực.

Tuy nhiên, hiện các HTX hầu hết mới thành lập, quy mô nhỏ, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, liên kết theo chuỗi giá trị, đầu ra sản phẩm còn gặp khó khăn. Hầu hết các sản phẩm của HTX chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, sức cạnh tranh trên thị trường thấp. Sản phẩm hàng hóa HTX của tỉnh rất phong phú về chủng loại, số lượng, chất lượng, nhưng các HTX chưa quan tâm đến kiểu dáng, nhãn mác, bao bì đóng gói, nhất là các loại giấy chứng nhận như: An toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, hệ thống tổ chức, sở hữu trí tuệ…

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Võ Văn Lập, để đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP trong các HTX, một trong những định hướng trong thời gian tới là tiếp tục phối hợp với các địa phương tuyên truyền các nội dung của Quyết định 919 ngày 1-8-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2021- 2025.

Đồng thời, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các chủ thể HTX triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến Chương trình OCOP thông qua nhiều hình thức như: Cấp phát tờ rơi, xây dựng pa nô giới thiệu, các chương trình phóng sự truyền hình và truyền thanh, xây dựng sổ tay hướng dẫn tham gia Chương trình OCOP. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục triển khai các lớp tập huấn, phát triển sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ các HTX tiếp cận nguồn vốn để đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm…

M. THÀNH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202210/tien-giang-day-manh-phat-trien-san-pham-ocop-trong-hop-tac-xa-962661/