Tiền Giang: Đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống khai thác cát trái phép

Thực hiện quyết định và kế hoạch của UBND tỉnh Tiền Giang về việc phê duyệt Đề án Phòng, chống khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, vùng giáp ranh giữa Tiền Giang với các tỉnh; về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản cát sông và cửa biển, Công an tỉnh Tiền Giang xây dựng Kế hoạch mở cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh, tập kết khoáng sản (cát sông).

GIẢI QUYẾT TRIỆT ĐỂ NHỮNG “ĐIỂM NÓNG”

Để tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác trên, Công an tỉnh Tiền Giang tham mưu UBND tỉnh thành lập các Tổ Công tác liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện do lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường làm chủ công phối hợp với Cảnh sát giao thông và một số đơn vị ngoài ngành cùng thực hiện quyết liệt công tác đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép trên địa bàn. Kiên quyết giải quyết triệt để những “điểm nóng”, phức tạp về hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh khoáng sản trên địa bàn tỉnh, nhất là ở các tuyến sông chính như sông Tiền, Cửa Đại, Cửa Tiểu.

Kiểm tra phương tiện khai thác cát trái phép đang bị tạm giữ ở phường 6, TP. Mỹ Tho. Ảnh: Thanh Việt

Từ ngày 15-10 đến ngày 15-11-2023, các Tổ Công tác liên ngành đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 98 vụ vi phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát sông trên địa bàn các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông, Cái Bè và TP. Mỹ Tho. Trong đó, xử lý hình sự, khởi tố 7 vụ, 8 bị can phạm tội và vi phạm quy định về khai thác tài nguyên. Xử lý vi phạm hành chính 90 vụ khai thác, vận chuyển cát không rõ nguồn gốc, phương tiện có gắn thiết bị bơm hút cát không đúng công cụ vi phạm lĩnh vực an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Điển hình vào đêm 10-10, Tổ Công tác liên ngành tỉnh Tiền Giang về kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát lòng sông do Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường - Công an tỉnh Tiền Giang chủ trì tiến hành kiểm tra 2 ghe cát đang neo đậu trên tuyến sông Tiền, khu vực thuộc ấp Thạnh Thới, xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây. Qua đo đạc, xác định trên phương tiện có chứa gần 32 m3 cát và ông Nguyễn Văn Thanh, cư trú xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây, chủ 2 phương tiện không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số lượng cát, chưa xuất trình các loại giấy tờ có liên quan đến phương tiện.

Theo khoản 1 Điều 48 Nghị định 36 của Chính phủ quy định xử lý vi phạm về khai thác cát, sỏi lòng sông, suối, hồ mà không có giấy phép khai thác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì bị xử lý như sau: Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng khi tổng khối lượng khai thác dưới 10 m3 cát; phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng tổng khối lượng khai thác từ 10 m3 đến dưới 20 m3; phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 80 triệu đồng khi tổng khối lượng khai thác từ 20 m3 đến dưới 30 m3... Ngoài ra, còn có hình phạt bổ sung tịch thu toàn bộ khoáng sản, tịch thu phương tiện...

Qua làm việc, ông Thanh thừa nhận giao phương tiện cho người làm thuê đi mua cát hợp pháp. Nhưng vì lợi nhuận, người làm thuê tự ý mua cát từ các ghe hút cát trái phép trên sông với giá rẻ để đem về bán lại cho người dân có nhu cầu san lấp. Tổ Công tác liên ngành tỉnh lập biên bản vi phạm, tiến hành bàn giao vụ việc cùng phương tiện cho Tổ Công tác liên ngành huyện Gò Công Tây tiếp tục điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Mới đây, vào đêm 25-11, Tổ Công tác liên ngành cấp tỉnh do Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường chủ trì tuần tra phát hiện 2 tàu sắt đang khai thác cát trái phép trên tuyến sông Tiền, khu vực thuộc xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè. Điều khiển 2 tàu sắt là Phạm Văn Duyên, cư trú xã Bình Xuân, TX. Gò Công và Võ Minh Tuyến, cư trú xã Bình Đông, TX. Gò Công, trên 2 phương tiện có trên 143 m3 cát. Tổ Công tác tiến hành lập biên bản và bàn giao vụ việc cho Tổ liên ngành huyện Cái Bè tiếp tục điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Trên địa bàn TP. Mỹ Tho, với tinh thần kiên quyết đấu tranh, phòng ngừa, không để tội phạm khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép hoạt động phức tạp, Công an TP. Mỹ Tho đã thực hiện nhiều biện pháp đấu tranh hiệu quả, cụ thể, trong đó tham mưu Thành ủy - UBND thành phố ban hành nhiều kế hoạch, tổ chức nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp, xử lý các đối tượng khai thác cát, sỏi trái phép. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng có liên quan tổ chức cho chủ phương tiện ký cam kết không khai thác hoặc cho thuê phương tiện khai thác cát trái phép.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Tổ Công tác liên ngành của UBND TP. Mỹ Tho đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 13 vụ, 26 đối tượng có hành vi khai thác cát trái phép; xử phạt hành chính số tiền gần 600 triệu đồng, tịch thu tang vật có liên quan trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, các lực lượng chức năng cũng đã phát hiện, xử lý 44 vụ, 53 đối tượng có hành vi mua bán khoáng sản không có nguồn gốc, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính gần 60 triệu đồng, tịch thu hơn 860 m3 cát, sỏi. Công an TP. Mỹ Tho cũng đã tiến hành lập án đấu tranh, bắt giữ và chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố 4 vụ, 4 bị can phạm tội về khai thác khoáng sản trái phép.

Điển hình vào đầu tháng 5-2023, Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang đưa ra xét xử vụ án “vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”. Bị cáo Trương Văn Khanh, sinh năm 1986, cư trú xã Thới Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An bị tuyên phạt 1 năm tù giam, tịch thu toàn bộ tang vật sung vào công quỹ.

TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG

Qua công tác đấu tranh cho thấy, đối tượng khai thác cát sông trái phép thường lợi dụng đêm khuya, tại địa bàn giáp ranh giữa các huyện để thực hiện hành vi; bố trí người dọc các đoạn sông, nơi các đối tượng đang khai thác cát trái phép để cảnh giới, khi phát hiện lực lượng chức năng thì thông báo để các đối tượng khai thác cát trái phép có thủ đoạn đối phó….

Tổ liên ngành tỉnh Tiền Giang do Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng môi trường chủ trì bắt quả tang phương tiện khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện Cái Bè vào đêm 25-11. Ảnh: Thanh Việt

Mặc dù lực lượng Công an và các ngành chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền rộng, tấn công mạnh, nhưng tội phạm vẫn lén lút hoạt động ở nhiều nơi. Nguyên nhân do lợi nhuận từ việc khai thác cát trái phép lớn nên các đối tượng bất chấp luật pháp, dùng nhiều thủ đoạn để đối phó lực lượng chức năng, gây khó khăn trong quá trình phát hiện, xử lý vi phạm.

Hoạt động khai thác cát trái phép trên sông gây thất thoát tài nguyên, khoáng sản của Nhà nước, gây nên tình trạng xói mòn, sạt lở bờ sông, thu hẹp, thay đổi dòng chảy, cản trở giao thông, ảnh hưởng đến các công trình ven sông, tác động đến an ninh, an toàn xã hội, gây khó khăn cho công tác phòng, chống thiên tai và đặc biệt ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân khu vực ven sông, gây bức xúc trong dư luận. Nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh, nhất là các khu vực giáp ranh, Công an tỉnh Tiền Giang phối hợp Công an các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp ký kết, triển khai thực hiện Quy chế phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường.

Trung tá Đồng Trọng Phong, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ - Công an TP. Mỹ Tho cho biết: Công an TP. Mỹ Tho đã và đang tập trung đấu tranh, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát trái phép trên địa bàn. Đối với các trường hợp, đối tượng đã có tiền sự, vẫn còn trong thời hạn nhưng tiếp tục vi phạm thì Công an thành phố tiến hành củng cố hồ sơ để chuyển giao cho Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh điều tra và khởi tố theo thẩm quyền. Qua đó, góp phần phòng ngừa, răn đe tội phạm trên lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản.

Thời gian tới, Ban Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các đơn vị, Công an địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức và cá nhân, nhất là chủ các phương tiện thủy hoạt động bơm hút cát; cung cấp số điện thoại đường dây nóng phản ánh tình trạng khai thác cát trái phép để người dân biết. Qua đó, vận động người dân cung cấp thông tin có giá trị cho lực lượng chức năng; tăng cường công tác nắm tình hình, thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ ngăn ngừa, đấu tranh, xử lý có hiệu quả đối với các hành vi liên quan đến khai thác, vận chuyển, mua bán cát trái phép. Theo quy định pháp luật, hành vi khai thác cát, sỏi trái phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đến xử lý hình sự.

THANH VIỆT - TRỌNG TÍN

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/phap-luat-an-ninh-trat-tu/202311/tien-giang-day-manh-cac-bien-phap-phong-chong-khai-thac-cat-trai-phep-997041/