Tiền Giang công bố kết thúc ổ dịch cúm A/H9N2 trên người tại xã Tân Lý Đông

Ngày 10/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế tỉnh Tiền Giang) cho biết, đã công bố kết thúc ổ dịch cúm A/H9N2 trên người tại ấp Tân Quới, xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, (tỉnh Tiền Giang). Đây là ổ dịch bệnh này đầu tiên trong cả nước được bệnh viện Nhiệt đới, TP.HCM phát hiện khi điều trị bệnh nhân Nguyễn Văn Đ, 37 tuổi tại ấp Tân Quới, xã Tân Lý Đông.

Sau khi nhận thông tin từ Viện Pasteur TP.HCM về ca nhiễm cúm A/H9N2 trên địa bàn, ngành y tế, ngành thú y Tiền Giang đã phối hợp với quyền địa phương thực hiện các bước xác minh, điều tra dịch tễ và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, xử lý ổ dịch theo quy định. Qua đó, đã lập danh sách 14 người lớn và 1 trẻ tiếp xúc gần với bệnh nhân và theo dõi sức khỏe hằng ngày.

Tính đến ngày 9/4/2024, tức 24 ngày kể từ khi bệnh nhân cách ly, điều trị tại bệnh viện đến nay, 15 người tiếp xúc gần với bệnh nhân hiện có sức khỏe bình thường. Theo quy định của Bộ Y tế, sau khi tiếp xúc gần với bệnh nhân trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối đối với người lớn và 21 ngày đối với trẻ em dưới 15 tuổi, nếu không phát sinh lây lan ca nghi ngờ mới và đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế thì công bố kết thúc ổ dịch.

Nơi xảy ra ổ dịch cúm A/H9N2 trên người và ổ cúm A/H5N1trên gia cầm

Riêng bệnh nhân Nguyễn Văn Đ., ở ấp Tân Quới, xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành vẫn đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM, bệnh nhân đang được cho thở máy và tầm soát viêm phổi - nhiễm trùng bệnh viện.

Hiện nay, ngành Y tế tỉnh Tiền Giang tăng cường hoạt động truyền thông, hướng dẫn người dân thực hiện và sử dụng thực phẩm gia cầm sạch, gia cầm rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm. Thông báo ngay cho cán bộ y tế, cán bộ thú y hoặc UBND xã trên địa bàn khi phát hiện các trường hợp gia cầm chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Tăng cường giám sát các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút tại các cơ sở điều trị. Đặc biệt chú ý các trường hợp bệnh nhân là người giết mổ, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm sống, người có tiền sử dịch tễ đi/đến/ở từ vùng có dịch bệnh cúm trên gia cầm/dịch bệnh cúm gia cầm trên người. Lấy mẫu bệnh phẩm, bảo quản, vận chuyển mẫu bệnh phẩm theo quy định và kịp thời gửi mẫu đến Viện Pasteur TP. HHCM xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Hướng dẫn, hỗ trợ, phối hợp với Trung tâm Y tế tuyến huyện trong việc điều tra dịch tễ ca bệnh viêm phổi nặng do vi rút, theo dõi những người tiếp xúc gần, thực hiện báo cáo theo quy định.

Tình trạng mua bán, kinh doanh gia cầm tại tỉnh Tiền Giang cần được quan tâm về công tác phòng chống bệnh cúm A

Đối với hệ điều trị, chuẩn bị sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện, trang thiết bị để thu dung, cách ly, điều trị khi có ca bệnh viêm phổi nặng do vi rút; thông báo kịp thời cho đơn vị dự phòng để phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; thực hiện hội chẩn với các bệnh viện tuyến trên khi có trường hợp bệnh nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Ngành y tế phối hợp Chi cục Chăn nuôi và Thú y nắm bắt thông tin về các ổ dịch cúm trên đàn gia cầm, thông tin về những khu vực có tỷ lệ gia cầm mắc bệnh cao trên địa bàn tỉnh. Từ đó, xác định vùng nguy cơ để định hướng và tổ chức các hoạt động kiểm soát yếu tố nguy cơ, truyền thông giáo dục sức khỏe nhắm đúng vào các nhóm đối tượng đích, giúp công tác tuyên truyền phòng ngừa dịch bệnh cúm gia cầm lây sang người đạt hiệu quả cao hơn.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tien-giang-cong-bo-ket-thuc-o-dich-cum-ah9n2-tren-nguoi-tai-xa-tan-ly-dong-post1088221.vov