Tiến cử nhân sự - bước đột phá trong công tác cán bộ

Trách nhiệm người đứng đầu với trách nhiệm tập thể thường là đan xen, nhất là trong công tác cán bộ. Vì vậy, Quy định 142-QĐ/TW của Bộ Chính trị quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ là bước đột phá lớn. Qua đó, góp phần quan trọng để thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Thành ủy TPHCM công bố quyết định của Ban Bí thư chỉ định 5 đồng chí tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cán bộ về hưu, vẫn có thể quy trách nhiệm

Ngày 23-4-2024, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, ký ban hành Quy định 142-QĐ/TW quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị từ cấp huyện trở lên (đối với Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương có quy định riêng) thực hiện thí điểm trong 5 năm.

Khi nghiên cứu quy định này, TS Nguyễn Tiến Dĩnh (nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ) phân tích, điểm mới của Quy định 142-QĐ/TW là giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trực tiếp giới thiệu nhân sự cụ thể để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của người đứng đầu; bầu bổ sung ủy viên ban thường vụ cấp ủy cùng cấp; bổ nhiệm cấp trưởng cấp dưới trực tiếp thuộc thẩm quyền quản lý. “Đây là điểm mới, cụ thể và rõ ràng hơn so với các quy định trước đây. Trong đó, đã xác định trách nhiệm người đứng đầu phải chịu trách nhiệm toàn diện về thực hiện chức năng, nhiệm vụ và công tác cán bộ ở các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị”, TS Nguyễn Tiến Dĩnh đánh giá.

Đề cập thêm một điểm quan trọng là “quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu khi thực hiện việc giới thiệu nhân sự”, TS Hồ Ngọc Đăng (Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ TPHCM) cho rằng, quy định đã nhấn mạnh đến vai trò trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, ngay cả khi người giới thiệu đã chuyển công tác hoặc đã nghỉ hưu, kết hợp giữa quy định về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng với quy định của pháp luật Nhà nước về trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu và trong pháp luật hình sự (nếu vi phạm).

Khắc phục tiêu cực trong công tác cán bộ

Người đứng đầu, với quyền hạn và trách nhiệm của mình, phải công tâm khách quan trong việc xem xét, lựa chọn, giới thiệu hoặc bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ đảm bảo đúng quy định. Nếu động cơ của người đứng đầu không trong sáng, vụ lợi hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả về công tác cán bộ thì phải bị xử lý theo quy định. “Đó cũng là những giải pháp kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”, TS Nguyễn Tiến Dĩnh nhận định.

Đồng tình với ý kiến trên, TS Hồ Ngọc Đăng nêu quan điểm, điều mà cán bộ, đảng viên, nhân dân mong mỏi nhất chính là ngăn chặn được tình trạng “địa phương chủ nghĩa”, “cá nhân chủ nghĩa”, bổ nhiệm người nhà, người thân, họ hàng, "cánh hẩu", mà nguyên nhân sâu xa là do sự suy thoái trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, do bè phái, cục bộ trong công tác cán bộ. Để khắc phục được vấn đề này, việc đầu tiên là phải xác lập đúng trách nhiệm người đứng đầu trong lựa chọn cán bộ. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm đến cùng về việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự trong quy hoạch để thực hiện quy trình bầu cử, bổ nhiệm cán bộ.

TS Hồ Ngọc Đăng nhấn mạnh, nếu người được giới thiệu không đủ phẩm chất năng lực, vi phạm pháp luật thì người trực tiếp giới thiệu cán bộ đó phải liên đới chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, thậm chí mất hết chức vụ. “Bởi hơn ai hết, thủ trưởng đơn vị phải là người nắm chắc thông tin, phẩm chất, năng lực của người được giới thiệu. Họ phải thực sự anh minh, công tâm, khách quan chứ không thể lựa chọn một người dù biết yếu kém nhưng vẫn giới thiệu vì thân hữu, “cánh hẩu”, vì “mua bán” chức vụ”, TS Hồ Ngọc Đăng nêu ý kiến.

Sớm hướng dẫn để thí điểm hiệu quả

Cần khẳng định tập thể lãnh đạo, quyết định là cần thiết, nhưng nếu không giao quyền và trách nhiệm cho người đứng đầu thì dễ dẫn đến tình trạng coi nhẹ trách nhiệm hoặc dựa dẫm vào tập thể, không chịu trách nhiệm của cá nhân. Nguyên tắc như vậy, nhưng trước giờ, các quy định còn chung chung nên khi có vấn đề là người đứng đầu chịu trách nhiệm chung cùng với tập thể, thay vì chịu trách nhiệm cá nhân. Vì vậy, với Quy định 142-QĐ/TW, tôi rất kỳ vọng sẽ khắc phục được tình trạng này và mong sớm có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng chi tiết để thực hiện thí điểm giao quyền và trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.

Đại biểu Quốc hội PHẠM VĂN HÒA

VĂN MINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tien-cu-nhan-su-buoc-dot-pha-trong-cong-tac-can-bo-post739551.html