Tiêm vắc xin COVID-19 sau khi khỏi bệnh giúp tăng phản ứng miễn dịch

Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

* Nhiễm Omicron không tạo nhiều phản ứng miễn dịch ở người chưa tiêm

Kết quả một nghiên cứu quốc tế mới được công bố trên tạp chí Clinical & Translational Immunology cho thấy tiêm phòng COVID-19 sau khi mắc và khỏi bệnh tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn đáng kể so với những người tiêm khi chưa mắc bệnh.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Karolinska của Thụy Điển đã tiến hành phân tích các mẫu máu thu thập trong khoảng thời gian 7 tháng để kiểm tra phản ứng của kháng thể và tế bào T đối với vắc xin cũng như thời gian phản ứng miễn dịch tồn tại.

Nhóm nghiên cứu đã so sánh mẫu máu của 118 người đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 sau khi mắc và khỏi bệnh với mẫu máu của 289 người đã tiêm vắc xin nhưng chưa từng mắc COVID-19 trước đó. Những người này đều là nhân viên y tế đã tiêm vắc xin của hãng Pfizer/BioNTech.

Một nhóm nhỏ hơn gồm 47 người đã mắc COVID-19 trước khi tiêm vắc xin của hãng AstraZeneca và 60 người chưa từng mắc COVID-19 cũng được theo dõi trong 3 tháng.

Kết quả cho thấy phản ứng miễn dịch ở những người đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 sau khi khỏi bệnh mạnh hơn nhiều so với những người tiêm vắc xin nhưng không có tiền sử mắc bệnh.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu nhận thấy phản ứng miễn dịch thu được từ tế bào T tăng mạnh và ổn định, lượng kháng thể IgG và kháng thể trung hòa cũng tăng đột biến ở những người đã hồi phục sau khi nhiễm một trong 10 biến thể xuất hiện trước biến thể Omicron.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện rằng khoảng thời gian chờ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 sau khi mắc bệnh càng lâu thì nồng độ kháng thể trung hòa tạo ra càng cao.

Nghiên cứu cũng cho thấy nồng độ kháng thể giảm đáng kể trong 3 tháng đầu tiên sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca và 7 tháng với vắc xin của Pfizer/BioNTech.

Từ các phát hiện trên, các nhà nghiên cứu khuyến nghị xem xét yếu tố tiền sử mắc COVID-19 khi triển khai tiêm mũi tăng cường cũng như lập kế hoạch cho các chương trình tiêm chủng trong tương lai.

* Một nghiên cứu mới cho thấy những người chưa tiêm vắc xin ngừa COVID-19 nếu nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 dường như không có khả năng tạo các phản ứng miễn dịch giúp bảo vệ họ chống lại các biến thể khác.

Theo các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Y Vienna (Áo), không giống như các kháng thể được tạo ra do tiêm vắc xin ngừa COVID-19 hoặc do nhiễm các biến thể trước đó của virus SARS-CoV-2, kháng thể được tạo ra do nhiễm biến thể BA.1 và BA.2 không thể vô hiệu hóa các biến thể khác của loại virus gây bệnh COVID-19 này.

Để đưa ra được kết luận trên, các nhà nghiên cứu đã phân tích mẫu máu thu được từ những người sau khi nhiễm Omicron.

Những người nhiễm "đột phá" Omicron sau khi tiêm 3 liều vắc xin ngừa COVID-19 sản xuất theo công nghệ mRNA có lượng kháng thể trung hòa cao chống lại 2 biến thể Omicron, mặc dù hiệu quả lại thấp hơn đối với các biến thể trước đó.

Tuy nhiên, đối với những người chưa mắc COVID-19 hoặc chưa tiêm vắc xin ngừa COVID-19, kháng thể được tạo ra sau khi nhiễm Omicron rất hữu hiệu đối với biến thể của Omicron, song lại không có kháng thể trung hòa nào nhằm vào các biến thể trước đó.

Các kháng thể do nhiễm BA.2 tạo ra dường như không có khả năng chống lại biến thể khác.

Kết quả nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm mũi tăng cường vắc xin để bảo vệ hệ miễn dịch.

Nghiên cứu đang trải qua quá trình đối chứng tại Nature Portfolio và đăng trên Research Square.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/274506/tiem-vac-xin-covid-19-sau-khi-khoi-benh-giup-tang-phan-ung-mien-dich.html