Tiêm phòng dại có gây suy giảm trí nhớ?

Cho đến nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Cách tốt nhất là tiêm phòng dại ngay khi bị chó, mèo cắn.

Hiện nay có một quan điểm cho rằng là tiêm phòng dại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến bệnh nhân suy giảm trí nhớ, thậm chí giảm tuổi thọ. Vì lo sợ điều đó mà nhiều gia đình lựa chọn không tiêm vaccine phòng dại khi phát hiện bị chó cắn. Hậu quả là khi bệnh nhân phát cơn dại thì không thể cứu được nữa.

Theo ThS.BS Cao Việt Hưng – Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, quan điểm đó không phải là không có cơ sở nhưng đó là điểm hạn chế của vaccine phòng dại thế hệ cũ. Loại vaccine này đã ngừng sử dụng cách đây hàng chục năm.

Hiện nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, vaccine phòng dại thế hệ mới là vaccine vô bào, nhập khẩu từ Pháp, chất lượng vaccine rất tốt và hoàn toàn không có bất kỳ tác dụng có hại nào ảnh hưởng đến trí não, hệ thần kinh của người được tiêm phòng. Ở các nước phát triển, các bác sĩ thú y đều được tiêm phòng dại nhắc lại hằng năm.

Một trường hợp trẻ 3 tuổi ở Phú Thọ bị chó cắn nham nhở mặt, phải nhập viện điều trị.

Một trường hợp trẻ 3 tuổi ở Phú Thọ bị chó cắn nham nhở mặt, phải nhập viện điều trị.

BS. Hoàng Đình Khánh, Trung tâm phòng, chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng khuyến cáo, chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Đây là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra, bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo).

Theo BS. Khánh, từ đầu năm 2023 tới nay, phòng tiêm chủng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận 99 trường hợp bị chó mèo cắn đến tiêm phòng dại. Trong đó có 56 trường hợp nguy cơ cao phải tiêm huyết thanh dại, chiếm tỉ lệ 56%.

Để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.
Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

Khi bị chó, mèo cắn, cào cần:

- Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch – đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.

- Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.

- Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.

- Đến ngay Trung tâm Y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.

- Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

Dương Hải

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tiem-phong-dai-co-gay-suy-giam-tri-nho-169230210151350476.htm