Tiềm năng từ giống cam không hạt

Cam là loại cây ăn trái có múi được trồng nhiều ở Bình Phước, tuy nhiên hầu hết là giống cam địa phương, năng suất và chất lượng không ổn định. Trong đó, nhiều hạt là nhược điểm lớn nhất ảnh hưởng đến chất lượng mặt hàng này.

Cuối năm 2021, Hội đồng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Bình Phước tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện đề tài “Nghiên cứu tuyển chọn và phát triển các giống cam sạch bệnh, không hạt, năng suất, chất lượng cao tại tỉnh Bình Phước”. Ngay sau khi được tuyển chọn, TS Lê Quốc Hùng, cán bộ Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài đã hoàn thiện đề tài, đánh giá, tuyển chọn các giống cam sạch bệnh, không hạt, năng suất, chất lượng cao được Viện Di truyền nông nghiệp nghiên cứu thành công làm cơ sở cho sự hình thành của đề tài, đồng thời lựa chọn địa điểm khảo nghiệm, thực hiện.

Đoàn công tác của Viện Di truyền nông nghiệp và Sở Khoa học và Công nghệ tham quan, kiểm tra mô hình cam không hạt trồng thử nghiệm tại Bình Phước

Đoàn công tác của Viện Di truyền nông nghiệp và Sở Khoa học và Công nghệ tham quan, kiểm tra mô hình cam không hạt trồng thử nghiệm tại Bình Phước

“Đề tài này sẽ tập trung chủ yếu về vấn đề giống, hệ thống nhân giống sạch bệnh và chuẩn bị phương án quy hoạch, góp phần giải quyết các vấn đề nêu trên một cách căn cơ, bài bản. Trong giai đoạn 2021-2024, chúng tôi đã tuyển chọn được một số giống, bước đầu xác định tính hiệu quả của các giống cam mới, sạch bệnh ở vùng định hướng quy hoạch tỉnh Bình Phước, làm cơ sở khoa học cho phát triển công nghiệp cam ở khu vực Đông Nam Bộ” - TS Lê Quốc Hùng cho biết.

Cuối năm 2022, 5 giống cam nhập nội không hạt đã được xuống giống trồng thử nghiệm ở trang trại của ông Nguyễn Thanh Tâm, phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài. “Tôi mới trồng 1.000 cây cam không hạt của Viện Di truyền nông nghiệp được 80 ngày, bước đầu thấy cây thích nghi tốt với thổ nhưỡng và khí hậu của Bình Phước. Đến nay, một số cây đã có trái (trái có sẵn trên cành chiết) nhưng chưa chín nên không biết chất lượng thế nào” - ông Tâm cho biết.

Cam không hạt mới xuống giống nhưng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Bình Phước.

Cam không hạt mới xuống giống nhưng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Bình Phước.

Trên cơ sở nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật, xây dựng mô hình thâm canh kết hợp với quy trình trồng và chăm sóc cây cam không hạt của Viện Di truyền nông nghiệp, TS Lê Quốc Hùng đã xây dựng các quy trình kỹ thuật canh tác đối với 5 giống cam nhập nội được trồng tại Bình Phước. Việc áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật đã giúp cây cam trong giai đoạn kiến thiết cơ bản sinh trưởng tốt, hạn chế được sâu, bệnh. Theo kế hoạch, các giống cam này sau khi trồng khoảng 1 năm sẽ cho trái bói.

Bình Phước không chỉ được biết đến bởi các loại cây công nghiệp mà còn có những loại trái cây với hương vị thơm ngon như sầu riêng, bưởi da xanh, quýt đường... Những loại cây ăn trái này đã và đang làm giàu cho nhiều hộ nông dân, góp phần giúp bức tranh kinh tế của tỉnh thêm phong phú. Tuy nhiên, không được quy hoạch bài bản, theo từng vùng, từng loại cây nên hiện đa phần nông dân mạnh ai nấy làm, vì vậy cần phải có giải pháp phát triển cây ăn trái hiệu quả, bền vững.

GS.TS PHẠM XUÂN HỘI, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp

TS Lê Quốc Hùng cho biết, 5 giống cam trồng ở Bình Phước có thời gian sinh trưởng khác nhau, có những giống cam ra trái sớm, từ khi ra hoa đến thu hoạch chỉ 8 tháng, có giống 14 tháng nhưng có chung đặc điểm là rất ngọt. “Mục tiêu của chúng tôi là chọn ra 1-2 giống cam tốt, phù hợp với khí hậu, đất đai ở đây. Sau đó xây dựng hệ thống nhân giống trong vùng này, tạo ra giống cam sạch bệnh, thuần chủng để cung cấp cây giống cho bà con phát triển” - TS Hùng chia sẻ.

Theo GS.TS Phạm Xuân Hội, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, 5 giống cam được trồng tại Bình Phước là những giống cam nhập nội, không hạt, có độ ngọt thanh, không chua và khác với các vị cam trên thị trường. Giống cam này đã được viện nghiên cứu và trồng nhiều ở 30 tỉnh phía Bắc, năng suất đạt từ 20-30 tấn/ha đối với cây 5 năm tuổi trở lên.

Đề tài đang trong thời gian thực hiện và theo kế hoạch sẽ hoàn thiện vào cuối năm 2024. Qua kiểm tra của Sở Khoa học và Công nghệ, đề tài đã triển khai đúng kế hoạch, cam sau khi xuống giống trồng thử nghiệm tại trang trại của ông Nguyễn Thanh Tâm phát triển tốt, bước đầu thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Bình Phước. Nếu đề tài thành công sẽ lựa chọn được các giống cam mới, không hạt, sạch bệnh, phù hợp với điều kiện sinh thái phục vụ bà con nông dân tỉnh Bình Phước và các tỉnh Đông Nam Bộ.

Trước mắt phải tuyển chọn được một số giống tốt, thích hợp cho các vùng trọng điểm trên cơ sở khảo nghiệm sinh thái và mô hình trình diễn cho nông dân học tập và tiếp thu. Đồng thời từng bước xây dựng “tập đoàn” giống sản xuất tốt, năng suất, chất lượng, sạch bệnh với hệ thống nhân giống được quy hoạch từ tỉnh đến cơ sở. Qua đó khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, giống thoái hóa và tìm kiếm nguồn giống tốt hơn để phát triển bền vững.

Ông LÊ VĂN DUYỆT, Phó Trưởng phòng Quản lý KH&CN, Sở KH&CN tỉnh Bình Phước

“Hiện nay, rất nhiều giống cam địa phương bị bệnh. Nếu đề tài thành công, lựa chọn được các giống cam tốt hơn, ngon hơn thì những người trồng cam ở Bình Phước sẽ trồng theo, thay thế giống cam cũ” - ông Tâm mong muốn.

Hiền Lương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/28/142078/tiem-nang-tu-giong-cam-khong-hat