Tiềm năng của nhóm khách nước ngoài, việt kiểu đối với thị trường bất động sản cao cấp phép

Người nước ngoài và Việt kiều đang là nhóm khách hàng tiềm năng cho thị trường bất động sản Việt Nam, khi các quy định pháp luật đang ngày một cởi mở. Từ đó tạo ra lực cầu mạnh mẽ, giúp hấp thụ các sản phẩm cao cấp đang áp đảo trên thị trường.

3.000 người nước ngoài mua bất động sản trong 8 năm

Theo báo cáo “Hai thập kỷ phát triển đô thị” của CBRE, giai đoạn 2014 - 2023 là một chu kỳ biến động. Sau giai đoạn tăng trưởng mạnh về nguồn cung từ năm 2015 đến năm 2019 là giai đoạn thiếu hụt nguồn cung tiếp diễn, với số lượng nhà ở mở bán mới thấp nhất trong một thập kỷ vào năm 2023.

Đáng chú ý, năm 2015 cũng là thời điểm đánh dấu sự ra đời của luật mới cho phép người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam, giúp đa dạng hóa nguồn cầu nhà ở. Cụ thể theo Luật Nhà ở 2014 đã cho phép cá nhân nhập cảnh vào Việt Nam có thể mua nhà.

Dù không hạn chế số lượng nhà một người nước ngoài có thể mua, nhưng luật cũng quy định rõ về số lượng người nước ngoài được sở hữu nhà tối đa trong một dự án ở mức 30% trên tổng số căn hộ và không quá 250 căn nhà liền thổ trong một đơn vị hành chánh cấp phường. Thời gian thuê nhà dài hạn được quy định là 50 năm và có thể gia hạn tùy theo luật hiện hành nhưng không vượt quá 49 năm hoặc có thể chuyển sang sở hữu lâu dài nếu người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam.

Với sự cởi mở về chính sách, trong giai đoạn từ 2015 - quý III/2023, đã có 3.000 người nước ngoài đã mua nhà tại Việt Nam. Trong đó, 75% khách hàng đến từ các nước Châu Á, bao gồm Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan (Trung Quốc), trở thành nhóm nhà đầu tư lớn trên thị trường nhà ở Việt Nam.

Nhiều người nước ngoài sở hữu bất động sản tại Việt Nam phục vụ cho mục đích đầu tư

Lý giải sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam với nhóm người nước ngoài nói trên, CBRE cho biết: "Nhờ vào khoảng cách địa lý của nước họ tới Việt Nam, sự hiện diện của các chủ đầu tư bất động sản đến từ các quốc gia trên tại Việt Nam và tiềm năng tăng giá mạnh mẽ của thị trường nhà ở Việt Nam so với quê hương của họ, những nơi đã trải qua các giai đoạn tăng giá tương tự trước đây",

Về mục đích đầu tư, phần lớn người nước ngoài mua bất động sản tại Việt Nam để chờ tăng giá tài sản kiếm lời. Số ít sẽ cho thuê căn hộ của mình như một giải pháp tạm thời trong khi chờ mức giá bán tăng. Không thật sự nhiều người nước ngoài, chủ yếu là những người có kể hoạch sinh sống lâu dài ở Việt Nam sẽ mua nhà với mục đích để sử dụng cho bản thân mình.

Về loại hình sản phẩm, khách hàng nước ngoài yêu thích sản phẩm nhà chung cư, đặc biệt là phân khúc chung cư cao cấp tại các thành phố lớn như TP HCM và Hà Nội. Các dự án có vị trí đẹp và mức giá phù hợp, có tiềm năng tăng giá mạnh mẽ trong tương lai cũng là sở thích đầu tư của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Đón nguồn kiều hối vào bất động sản từ cộng đồng Việt kiều

Bên cạnh việc lực cầu từ nhà đầu tư nước ngoài, với các nội dung mới trong Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực vào 1/1/2025), thị trường sẽ đón nhận thêm một nguồn khách mới trong tương lai, đến từ cộng đồng Việt kiều.

Ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cũng nhận định: “Thay đổi của Luật Đất đai 2024 cũng tạo tiềm năng lớn cho thị trường nhờ nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ Việt kiều. Trong quá khứ, người Việt Nam ở nước ngoài muốn đầu tư trở lại Việt Nam phải thông qua người thân hoặc họ hàng, vì thế đã dẫn đến một số tranh chấp không đáng có. Luật mới sẽ giải quyết vấn đề này, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư và giảm thiểu khả năng xảy ra rủi ro giữa các bên trong quá trình đầu tư”.

Khách nước ngoài, Việt kiều sẽ là nhóm khách hàng hấp thụ tốt nguồn cung căn hộ cao cấp hiện có trên thị trường

Phân tích sâu hơn về chân dung nhóm người mua này, vị chuyên gia cho biết Savills đã có cơ hội hợp tác với nhiều với người Việt Nam ở nước ngoài. Một trong những điểm chính là hiện nay phần nhiều trong số họ đã lớn tuổi. Đây có thể là những người đã di cư ra nước ngoài, sau nhiều năm làm việc chăm chỉ, họ đã sở hữu lượng tài sản nhất định tiền và cân nhắc đầu tư lại vào Việt Nam, thậm chí có thể tính đến việc quay trở về.

Thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho thấy, lượng kiều hối về Việt Nam từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến hết 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng lượng vốn FDI giải ngân trong cùng kỳ. Riêng nguồn kiều hối kỷ lục 19 tỷ USD của năm 2022 đã đưa Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất từ nước ngoài.

“Từ số liệu trên có thể thấy đây là nguồn vốn rất quan trọng đối với Việt Nam. Câu hỏi đặt ra rằng đó sẽ được sử dụng như thế nào khi về đến Việt Nam? Điều này khá thú vị vì nó có sự biến động đôi chút theo tỷ giá tiền tệ. Tất nhiên, nếu được gửi từ Mỹ, đồng USD mạnh đồng nghĩa với sức mua lớn hơn ở Việt Nam. Hầu hết kiều hối đến từ các nước châu Á thông qua người lao động. Không ít nguồn tiền này đã được chảy vào các bất động sản”, ông Troy phân tích.

An Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tiem-nang-cua-nhom-khach-nuoc-ngoai-viet-kieu-doi-voi-thi-truong-bat-dong-san-cao-cap-phep-post289139.html