Tiềm năng Cộng đồng Chính trị tại châu Âu

Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên của Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) diễn ra đầu tuần qua tại Séc dù chưa cho thấy những kết quả rõ ràng, nhưng có tính biểu tượng rất cao khi mở ra nhiều tiềm năng cho tương lai của lục địa.

Các nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh EPC lần đầu tiên diễn ra ở Thủ đô Praha của Séc. Ảnh: Reuters

Ý tưởng về EPC được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất lần đầu tiên với Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 5/2022 và chỉ vài tháng sau đã tiến hành hội nghị thượng đỉnh EPC lần đầu tiên. Điều này được xem là một phản ứng khá nhanh chóng, cũng như phản ánh nhiều khía cạnh về nhu cầu quy tụ sức mạnh đa phương của lục địa này. Hội nghị có sự góp mặt của lãnh đạo 44 quốc gia, bao gồm 27 quốc gia thành viên EU và 17 quốc gia châu Âu không thuộc EU. Giới quan sát chỉ ra rằng, số lượng quốc gia ở châu Âu tham dự hội nghị cũng cho thấy, EPC là một cơ hội lớn để EU thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn với các quốc gia cùng châu lục không thuộc khối.

Tại hội nghị, các vấn đề được thảo luận hầu hết là về năng lượng, an ninh, khí hậu và tình hình kinh tế châu Âu. Trong đó, việc thúc đẩy đối thoại chính trị và củng cố an ninh, ổn định của lục địa là ưu tiên hàng đầu. Tiếp sau cuộc họp chung là hàng chục cuộc gặp song phương nhằm nâng cao hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia và thiết lập một cuộc đối thoại mang tính xây dựng nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách nhất.

Theo Tổng thống Pháp, bằng cách mở rộng hợp tác châu Âu, các quốc gia tham dự EPC đang hướng tới giải quyết các vấn đề cùng nhau và hội nghị này cho thấy người châu Âu đang cố gắng thảo luận các giải pháp cho những thách thức hiện nay. Tổng thống Pháp nhấn mạnh, điều quan trọng là phải tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như giáo dục và khả năng chống chịu với các mối đe dọa.

Tổng thống Moldova Maia Sandu khẳng định, EPC là một nền tảng được xây dựng dựa trên cơ sở đoàn kết và tin cậy chung. Mục tiêu của EPC là cùng nhau hành động để có hòa bình lâu dài và luật pháp quốc tế được tôn trọng. Thủ tướng Séc Petr Fiala khẳng định, thực tế lãnh đạo các quốc gia tham dự tại hội nghị lần này là minh chứng cụ thể cho ý nghĩa to lớn của EPC. Hơn hết, một lộ trình cho các hội nghị tiếp theo cũng đã được thống nhất, khẳng định cho nhu cầu phát triển trong tương lai của EPC.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel bày tỏ: “Vào thời điểm mà sự ổn định và an ninh của châu Âu đang bị đe dọa, các quốc gia cần đối thoại nhiều hơn, lắng nghe nhiều hơn, hiểu biết lẫn nhau hơn chứ không phải ít hơn. Và đó là những gì chúng tôi đã đạt được tại hội nghị thượng đỉnh EPC lần đầu tiên”.

Trong một thông cáo báo chí nhân sự kiện này, Hội đồng châu Âu cũng khẳng định: “Nền tảng phối hợp chính trị này không thay thế bất kỳ tổ chức, cấu trúc hoặc quy trình hiện có nào và không nhằm mục đích tạo ra những tổ chức mới ở giai đoạn hiện nay”. “Đoàn kết” là cụm từ được các học giả chính trị sử dụng trong các bình luận về những tiến bộ mới nhất của châu Âu mà EPC vừa khơi dậy. Theo đó, các học giả cùng chung nhận định, trước những biến động mạnh mẽ với các cuộc khủng hoảng đan xen bao trùm châu lục hiện nay, sức mạnh của khối 27 quốc gia EU hầu như chưa đủ giải quyết những vấn đề mang tính căn nguyên. Cùng với đó, vấn đề mở rộng EU hơn lúc nào hết được thúc đẩy mạnh mẽ nhưng cũng gặp nhiều tranh cãi gay gắt về việc nên hay không nên thực hiện vào thời điểm này.

Thực tế cho thấy, việc tập hợp sức mạnh các quốc gia gần nhau về mặt địa lý có cùng những thách thức địa chính trị và kinh tế là điều vô cùng cần thiết. Vì vậy, EPC được xem là một cách làm phù hợp nhất để các quốc gia đoàn kết tìm kiếm những giải pháp giải quyết khủng hoảng. Mặt khác, EPC cũng tạo ra mối quan hệ gần gũi hơn giữa EU với các ứng cử viên muốn gia nhập khối, cũng như thúc đẩy sự gắn kết liên vùng. EPC cũng được xem là một minh chứng cho thấy EU quyết tâm tăng cường sức ảnh hưởng của mình trên quy mô toàn lục địa.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tiem-nang-cong-dong-chinh-tri-tai-chau-au-post455324.html