Tiêm kích hạm Yak-38, loại chiến đấu cơ thách thức với phi công Liên Xô

Không thể phủ nhận, tiêm kích hạm Yak-38 là một trong những phát minh đi trước thời đại của Liên Xô, tuy nhiên loại chiến đấu cơ này cũng nổi tiếng khó điều khiển và có thể bất chợt tự động phóng phi công đang điều khiển ra ngoài.

Tiêm kích hạm Yak-38 được Liên Xô phát triển để trang bị trên các tàu sân bay lớp Kiev của Liên Xô.

Dòng chiến đấu cơ có khả năng cất và hạ cánh thẳng đứng này được NATO đặt tên mã là Forger, chúng được đưa vào trang bị từ năm 1976, sớm hơn tiêm kích Sea Harrier của Anh 3 năm.

Giống như chiếc chiến đấu cơ của Anh, tiêm kích hạm Yak-38 có thể bay với tốc độ cận âm khi đạt 1.050 km/h.

Không giống như Sea Harrier, Yak-38 có hai động cơ phản lực nâng RD-38 chuyên dụng phía sau buồng lái có công suất 31,9 kN, cùng với một động cơ đẩy vector RD-28 ở thân sau máy bay có lực đẩy 66,7 kN.

Với việc Yak-38 trang bị cùng lúc 3 động cơ dẫn đến mức tiêu thụ nhiên liệu cao hơn, giới hạn phạm vi hoạt động ít hơn, tầm bay 1.300 km.

Tầm bay của loại tiêm kích hạm này sẽ bị rút ngắn hơn nữa nếu Yak-38 thực hiện việc cất, hạ cánh thẳng đứng.

Tiêm kích Yak-38 có chiều dài 16,37m, sải cánh 7,32m, chiều cao 4,25m. Trọng lượng rỗng 7.383 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 11.300 kg.

Liên Xô đã sản xuất 231 chiếc Yak-38, trong đó có 50 chiếc Yak-38M được nâng cấp vào những năm 1980 với động cơ mạnh hơn và càng đáp chắc chắn hơn.

Sự khác biệt quan trọng nhất giữa máy bay Yak-38 và Sea Harrier nằm ở tải trọng vũ khí ít hơn và hệ thống điện tử cũng không tiên tiến bằng.

Tiêm kích hạm của Liên Xô không có radar, điều này hạn chế đáng kể tiềm năng của Yak-38 như một máy bay chiến đấu phòng thủ hạm đội.

Vũ khí không đối không của Yak-38 chỉ giới hạn ở các tên lửa tầm nhiệt R-60 với tầm bắn tối đa 8 km, cũng như các pháo 23 mm.

Đối với cuộc tấn công mặt đất, Yak-38 chỉ có bốn điểm treo dưới cánh cho bom hoặc tên lửa không điều khiển. Tải trọng vũ khí của Yak-38 chỉ bằng ¼ so với tiêm kích hạm Sea Harrier.

Yak-38 cũng có thể phóng tên lửa chống hạm Kh-23 với tầm bắn 10 km, nhưng phi công điều khiển sẽ gặp khó khăn trong việc điều khiển vũ khí dẫn đường này.

Loại chiến đấu cơ này cũng có thể trang bị các rocket loại lớn 240mm.

Yak-38 là loại chiến đấu cơ cực khó điều khiển ngay cả với những phi công kỳ cựu nhất.

Các nhà thiết kế của Yak-38 đã quan sát thấy rằng nếu một động cơ phản lực nâng bị hỏng, động cơ phản lực kia sẽ làm máy bay lật nghiêng.

Để bảo vệ phi công, một hệ thống phóng tự động được thiết kế để phát hiện những thay đổi đột ngột về cao độ và ngay lập tức phóng phi công thoát khỏi nguy hiểm.

Tuy nhiên chính điều này lại khiến hải quân Liên Xô bị thiệt hại bởi hệ thống tự động này đã kích hoạt một cách không cần thiết trong nhiều trường hợp.

Theo đó, khi hạ cánh thẳng đứng, bất kể vào thời điểm nào và bất cứ ở độ cao nào, miễn là máy bay nghiêng quá 60 độ ghế phóng cũng sẽ tự bật để phi công thoát ra ngoài.

Các nhà quan sát phát hiện ra rằng, mỗi khi Yak-38 bị nghiêng trên 60 độ phi công cũng sẽ không thể đưa máy bay về lại được trạng thái cân bằng và chắc chắn máy bay sẽ rơi.

Để phục vụ được cho Yak-38 cũng không phải là điều đơn giản, chiếc máy bay này đòi hỏi phải có một đường băng đặc biệt, chịu được sức nóng mà động cơ thổi ra khi cất - hạ cánh thẳng đứng.

Các chuyên gia nhận định, tiêm kích hạm Yak-38 sẽ không phải là đối thủ nếu đối đầu với tiêm kích hạm F-14 Tomcat vốn mạnh hơn Yak-38 ở tất cả các thông số.

Tuy nhiên tiêm kích hạm Yak-38 lại có thể được sử dụng để săn lùng các máy bay tuần tra P-3 Orion và Hawker Siddeley Nimrod vốn to lớn và ì ạch.

Các nguồn tin của Nga thường mô tả Yak-38 là một "Sturmovik" (máy bay tấn công) và nó có thể tiến hành các cuộc tấn công mặt đất hạn chế

Yak-38 có thể cất cánh từ các tàu sân bay và tấn công các mục tiêu mặt đất, điều tương tự như dòng máy bay Harrier 2 của thủy quân lục chiến Mỹ hiện nay.

Trên thực tế, Liên Xô đã làm điều này khi triển khai 4 chiếc Yak-38 cho các nhiệm vụ chiến đấu ở Afghanistan vào những năm 1980.

Một số nguồn tin khẳng định những chiếc Yak-38 đã tham gia vào một số cuộc không kích nhắm vào quân Mujahideen.

Tuy nhiên, nhìn chung tính hiệu quả của chiến đấu cơ Yak-38 đã không diễn ra tốt đẹp như mong đợi.

Động cơ của Yak-38 gặp khó khăn khi hoạt động ở nhiệt độ cao, sức nóng từ các luồng khí phản lực nâng nhanh chóng làm hỏng bề mặt cất cánh và tạo ra lượng bụi khổng lồ làm tắc nghẽn cửa hút của động cơ.

Cuối cùng, Yak-38 đơn giản là thiếu tầm hoạt động và tải trọng vũ khí để có thể thay thế vai trò của cường kích Su-25 Frogfoot trong việc tấn công mặt đất. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga đã cho loại biên toàn bộ tiêm kích hạm này.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tiem-kich-ham-yak-38-loai-chien-dau-co-thach-thuc-voi-phi-cong-lien-xo-post529026.antd