Tiêm kích F-35B nghìn tỷ có 'đáng giá từng xu' như quảng cáo?

F-35 Lightning II là loại máy bay tiêm kích đa nhiệm thế hệ thứ 5, có thời gian phát triển và kinh phí lớn nhất thế giới; trong tương lai, F-35 sẽ là xương sống của cả 3 lực lượng hải, lục và không quân Mỹ.

F-35 Lightning II là chương trình hệ thống vũ khí đắt tiền nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ. F-35B là phiên bản được phát triển cho Thủy quân lục chiến Mỹ, nổi bật nhờ khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL), cho phép nó hoạt động trên các tàu đổ bộ có sàn đáp nhỏ hơn tàu sân bay thông thường. Tuy nhiên, hệ thống STOVL cồng kềnh khiến F-35B có tầm hoạt động và khả năng cơ động thua kém biến thể F-35A của Không quân và F-35C Hải quân.

F-35B có quạt nâng ngay phía sau buồng lái và động cơ có thể xoay 90 độ khi ở chế độ cất cánh/hạ cánh thẳng đứng trong thời gian ngắn. Do có quạt nâng nên biến thể STOVL có khoang chứa vũ khí bên trong nhỏ hơn và lượng nhiên liệu bên trong ít hơn so với F-35A. Nó sử dụng phương pháp tiếp nhiên liệu trên không bằng tàu thăm dò và máy bay không người lái.

So với máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4, F-35B có khả năng tàng hình cao hơn, cho phép nó tiến vào các khu vực một cách an toàn mà không bị radar phát hiện. Sự kết hợp giữa các tính năng tàng hình, công nghệ radar quét mảng điện tử chủ động (AESA) và khả năng mang vũ khí bên trong của máy bay, cho phép F-35B có thể tấn công các mục tiêu mặt đất ở tầm xa mà không bị phát hiện và sử dụng vũ khí chính xác để thực hiện thành công nhiệm vụ không đối đất.

Các cảm biến, hệ thống thông tin và vũ khí tích hợp kết hợp với tốc độ và khả năng cơ động, là những yếu tố quan trọng đối với ưu thế trên không của F-35B. Trong không chiến, máy bay thế hệ thứ 4 có tiết diện radar cao hơn, nghĩa là máy bay chiến đấu của đối phương có thể dễ dàng phát hiện chúng hơn. Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 có tiết diện radar thấp hơn, cho phép phi công F-35B nhìn thấy máy bay khác trước và hành động nhanh chóng.

Tính năng trên của F-35B đã được chứng minh bởi Thủy quân lục chiến Mỹ vào mùa hè năm 2023 tại California, trong cuộc diễn tập Obsidian Iceberg để thực hành một hoạt động chiến đấu viễn chinh, trong đó những chiếc F-35B được bố trí trên các sân bay dã chiến thay vì trên tàu.

Người phát ngôn của Hải quân Anh nói: “Theo lực lượng hàng không của hải quân, khi máy bay hoạt động ở chế độ quái thú, các khoang chứa của nó đều chất đầy vũ khí. Một khi được trang bị đầy đủ, F-35B có thể mang theo 11 tấn vũ khí, có sức công phá lớn và năng lực phòng thủ cao, trong đó có tên lửa không đối không, tên lửa không đối đất, bom thông thường và bom dẫn đường bằng laser”.

Theo Hải quân Anh, chiếc F-35B được nạp đầy đủ vũ khí sẽ có trọng lượng tương đương quả bom nặng nhất mà máy bay ném bom hạng nặng Lancaster từng mang theo trong Thế chiến 2.

Các nhà phân tích cho rằng, tiêm kích F-35B khi hoạt động ở chế độ quái thú sẽ có sức mạnh tấn công cực lớn, đủ khả năng thực hiện các cuộc oanh kích với sức tàn phá mạnh mẽ.

Sự khác biệt chính giữa hai phiên bản F-35A và F-35B chính là sự cơ động; nếu ở phiên bản A có sự nhanh nhẹn và linh hoạt, thì điều đó ít thấy ở phiên bản B; do phiên bản B phải hy sinh tính năng cơ động cho khả năng cất hạ cánh thẳng đứng (VSTOL).

Phiên bản F-35B có thân hình "béo hơn" và lớn hơn so với F-35A; đây là do tích hợp của quạt nâng. Về hình dáng khí động học, do kích thước bề mặt trước của F-35B lớn hơn, do vậy chịu nhiều lực cản và đương nhiên sự cơ động không thể sánh với F-35A.

Chính cũng do lực cản của F-35B tăng, làm cho khả năng tăng tốc cũng như biến tốc chậm hơn so với phiên bản A; thực tế chiếc F-35B mất thêm khoảng 18 giây nữa để tăng tốc từ Mach 0.8 lên Mach 1.2 so với chiếc F-35A.

Cấu hình khác biệt và trọng lượng lớn hơn, cũng ảnh hưởng đến khả năng cơ động; trên thực tế, giới hạn gia tốc tối đa của F-35B là 7G, để tránh làm hỏng các bộ phận bên trong; trong khi đó gia tốc tối đa của F-35A là 9G.

F-35B cũng chứa được ít nhiên liệu bên trong máy bay hơn, lý do là có thêm nhiều máy móc, chiếm phần thể tích trong thân (như bộ phận cất hạ cánh thẳng đứng) mà phiên bản A không có. Điều này cũng giới hạn phạm vi chiến đấu hiệu quả của nó so với phiên bản A; nhưng nó vẫn còn vượt trội so với các loại máy bay kiểu VSTOL khác trước đó như AV-8B Harrier II chẳng hạn.

Về trang bị vũ khí cũng có một số khác biệt như bố trí pháo hàng không; do cấu tạo thân máy bay khác nhau, lên ở F-35B pháo không bố trí ở gốc cánh máy bay như của F-35A, mà gắn dưới thân; nhờ cấu tạo như vậy, pháo của F-35B mang nhiều hơn của F-35A đến 40 viên đạn và có khả năng bắn chính xác hơn vì nó trực tiếp cùng với kính mũ (HUD) và buồng lái; nhưng ngược lại tính năng tàng hình lại giảm đi so với F-35A.

Các loại vũ khí mà F-35B có thể mang theo bên trong khoang vũ khí cũng khác với F-35A. Cũng do các yêu cầu khác nhau về thân máy bay, các khoang vũ khí bên trong của F-35B mang trọng lượng ít hơn so với F-35A. Khiếm khuyết lớn nhất là F-35B không thể mang theo bom có trọng lượng 1.000 kg, nếu muốn sử dụng loại bom này, F-35B phải treo ở giá treo vũ khí bên ngoài.

Hiện nay hầu hết các loại bom để phá các hầm ngầm, công sự hay các công trình kiên cố (bunker buster) do Mỹ chế tạo, đều có trọng lượng 1.000 kg; vì vậy chiếc F-35B sẽ không thể thực hiện một nhiệm vụ với khả năng tàng hình như thiết kế; để tiến công một mục tiêu được bảo vệ tốt, hoặc nằm sâu trong lòng đất; trong khi chiếc F-35A thực hiện nhiệm vụ này bình thường.

Mặc dù cả hai phiên bản đều có 2 khoang vũ khí bên trong và mười giá treo trên cánh, nhưng F-35B mang được ít tải trọng vũ khí hơn so với F-35A. Theo lý thuyết, trong chiến đấu thực sự, F-35B sẽ cất cánh tối đa với trọng lượng; nhưng nếu tình huống không có đường băng (không thể cất cánh đường băng ngắn), mà F-35B phải cất cánh thẳng đứng, thì nó phải hy sinh việc mang vũ khí để có thể mang thêm nhiên liệu phục vụ cho cất và hạ cánh.

Tất cả những hạn chế trên khiến người ta phải xem xét lại vai trò và khả năng thực sự của F-35B; nếu phải mang vũ khí bên ngoài, thực tế chiếc F-35B cũng không hơn gì chiếc AV-8B Harrier II, thậm chí còn kém hơn chiếc F-16. Tuy nhiên, chiếc AV-8B Harrier II không thể bay với tốc độ siêu âm, khả năng mang vũ khí cũng rất hạn chế cũng như radar thuộc thế hệ cũ; còn khả năng cơ động, chiếc F-35B kém xa chiếc F-16C; nhưng chiếc F-16 hoàn toàn không có khả năng tàng hình.

Cận cảnh tiêm kích F-35 vận hành chế độ “quái thú” trên tàu sân bay. Nguồn: Twitter.

Lý Thùy (Tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/tiem-kich-f-35b-nghin-ty-co-dang-gia-tung-xu-nhu-quang-cao-1969995.html