'Tiêm kích F-16 sẽ giúp chống chọi chiến đấu cơ Nga'

Theo giới quân sự, chỉ có sử dụng những chiến đấu cơ phương Tây như F-16 mới giúp Ukraine đối chọi được với không quân Nga.

Các cuộc không chiến giữa hai dòng chiến đấu cơ “anh em” là Su-27 của Ethiopia, MiG-29 của Eritrea cho thấy lý do vì sao giới quân sự lại cho rằng, Ukraine cần những máy bay tiêm kích hạng nhẹ hiện đại như F-16 của Mỹ để chống lại lực lượng không quân hùng hậu của Nga.

Cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia châu Phi hồi cuối thế kỷ XX đã cho thấy rõ những thiếu sót của cả hai loại máy bay chiến đấu Liên Xô mà Nga và cả Lực lượng Không quân Ukraine vẫn đang sử dụng và yêu cầu bức thiết của Kiev phải khẩn trương thay thế chúng bằng các máy bay chiến đấu phương Tây.

Theo bài viết trên Defense Express, máy bay chiến đấu đa năng hạng nặng thế hệ thứ tư Su-27 (NATO định danh: Flanker), với khả năng cơ động cao và khả năng hoạt động trong mọi thời tiết, rất hiếm khi được xuất khẩu nhưng một trong những người mua máy bay này là Ethiopia vào năm 1998.

Quốc gia châu Phi này cần máy bay chiến đấu hiện đại cho cuộc chiến chống lại quốc gia láng giềng Eritrea cũng được trang bị một dòng máy bay Liên Xô/Nga khác là những chiếc máy bay tiêm kích hạng nhẹ, chuyên dụng cho nhiệm vụ đánh chặn là MiG-29 (tên ký hiệu của NATO: Fulcrum).

Đây là một trong những trường hợp hiếm hoi (ngoài chiến trường Ukraine) khi những chiếc chiến đấu cơ đa năng dòng Su được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ phòng không với đối thủ là những chiếc tiêm kích hạng nhẹ dòng MiG.

Ảnh lưu trữ các máy bay chiến đấu MiG-29 của Không quân Eritrea

Ảnh lưu trữ các máy bay chiến đấu MiG-29 của Không quân Eritrea

Theo Defense Express, cuộc đấu giành quyền kiểm soát trên không của “những người anh em Liên Xô” này, cho phép chúng ta so sánh trực quan những thiếu sót của cả hai loại máy bay mà Lực lượng Vũ trang Ukraine cần khẩn trương thay thế bằng máy bay chiến đấu phương Tây, mà tiêu biểu là F-16.

Sự cạnh tranh trên không của hai quốc gia châu Phi

Ethiopia đã mua những chiếc Su-27 của Nga sau khi quân đội nước này nhận được thông tin rằng vào cùng năm 1998, kẻ thù Eritrea đã mua một phi đội máy bay MiG-29 từ Nga.

Ethiopia cần máy bay Su-27 hiện đại hơn để hiện đại hóa lực lượng không quân của mình, lúc đó bao gồm các máy bay dòng MiG đời cũ của Liên Xô là MiG-21 (tên ký hiệu của NATO: Fishbed) và MiG-23 (tên ký hiệu của NATO: Flogger) có tính năng hạn chế.

Mặc dù nghe có vẻ kỳ lạ nhưng Ethiopia ban đầu dự định mua máy bay chiến đấu từ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Tổng tư lệnh Không quân Ethiopia là tướng Abiy Ahmed Tekle-Haimanot đã đích thân can thiệp và kế hoạch được chuyển sang mua máy bay chiến đấu đa năng Su-27 do Liên Xô sản xuất.

Ban đầu, Ethiopia dự định mua máy bay chiến đấu đa năng Su-27P từ Belarus, nhưng do tình trạng kỹ thuật kém hơn của những chiếc máy bay dự định mua của Minsk khiến nước này đã đặt hàng mua 8 chiếc Su-27SK cũng như 3 chiếc Su-27UBK huấn luyện từ Nga.

Máy bay chiến đấu Su-27 của Không quân Ethiopia, tháng 11 năm 2021

Máy bay chiến đấu Su-27 của Không quân Ethiopia, tháng 11 năm 2021

Tuy nhiên, những chuyến bay đầu tiên trên những chiếc Su-27 nhận được từ Nga cho thấy tình trạng của những chiếc tiêm kích này cũng không lý tưởng: Các chuyến bay thường phải kết thúc sớm do lỗi thiết bị liên lạc hoặc hệ thống Fly-by-wire của máy bay Su-27 gặp sự cố.

Trong câu chuyện này, cũng có một phần trách nhiệm của Nga, khi bán máy bay chiến đấu cho Ethiopia nhưng không bán đủ phụ tùng và hệ thống thiết bị bảo dưỡng máy bay.

Do những trục trặc ở trên, trong cuộc chiến chống lại Eritrea, Không quân Ethiopia đã chia phi đội Su-27 của mình thành hai phi đội: Phi đội thứ nhất đóng quân cho nhiệm vụ chiến đấu liên tục tại một sân bay cách mặt trận 40 km và phi đội thứ hai được cất ở một sân bay phía sau, như một lực lượng dự bị.

Cuộc đấu trên không bộc lộ điểm yếu

Do đặc điểm địa hình của quốc gia châu Phi Ethiopia, địa hình đồi núi không cho phép tạo ra vùng phủ sóng radar thống nhất nên phi công tiêm kích Su-27 không thể dựa vào dẫn đường từ các trạm chỉ huy mặt đất nên hầu hết phải độc lập tìm kiếm các mục tiêu trên không của đối phương.

Những điểm yếu của máy bay Liên Xô phát sinh trực tiếp từ những thiếu sót của máy bay Su-27SK và tên lửa không đối không R-27 (phân loại của NATO AA-10 Alamo), thuộc 2 phiên bản là R-27RE (tên ký hiệu của NATO: AA-10 Alamo-B ) và R-27TE (tên ký hiệu của NATO: AA- 10 Alamo - С).

Máy bay huấn luyện hai chỗ ngồi MiG-29UB (tên ký hiệu của NATO: Fulcrum-B) của Không quân Eritrea

Máy bay huấn luyện hai chỗ ngồi MiG-29UB (tên ký hiệu của NATO: Fulcrum-B) của Không quân Eritrea

Ví dụ, thực tế cho thấy tầm bắn thực tế của những tên lửa này thấp hơn đáng kể so với tuyên bố. Do đó, trong trận đối đầu với MiG-29 của Eritrea, các phi công Su-27 của Ethiopia vẫn phải tiến đến gần máy bay đối phương, nên chỉ có lợi thế về thời gian 1-2 giây thay vì 5-7 giây như nhà sản xuất tuyên bố.

Hơn nữa, khi bay với tốc độ cao và đường bay phức tạp, phi công Su-27 thường xuyên bắn trượt mục tiêu bằng tên lửa R-27 (AA-10 Alamo), khiến chúng trở nên vô hại.

Chẳng hạn, trong một trận chiến có sự tham gia của Không quân Ethiopia, một chiếc Su-27 đã phóng ra tới 4 tên lửa không đối không, bao gồm hai tên lửa R-27 và hai tên lửa R-73 (tên báo cáo của NATO: AA-11 Archer) vào một chiếc MiG-29 của Eritrea, nhưng tất cả các tên lửa này đều trượt mục tiêu đã định.

Điều đáng chú ý là một số nguồn tin cho rằng trong cuộc chiến tranh Ethiopia-Eritrea năm 1998-2000, các phi công Su-27 đã bắn hạ 2 máy bay MiG-29 của đối phương, nhưng không có xác nhận chính thức về bất cứ máy bay nào khác bị bắn rơi.

Cũng có các nguồn khác nói rằng người Ethiopia trên máy bay Su-27 chỉ bắn hạ được một chiếc MiG-29 của đối phương và trong các trận không chiến của cả hai bên, 29 tên lửa R-27 đã được phóng không thành công.

Máy bay chiến đấu Su-27 của Không quân Ethiopia

Máy bay chiến đấu Su-27 của Không quân Ethiopia

Cũng có các nguồn tin khác nói rằng, phi công Ethiopia trên máy bay Su-27 chỉ bắn hạ được một chiếc MiG-29 của đối phương và trong các trận không chiến của cả hai bên, đã có tới 29 quả tên lửa R-27 được phóng đi.

Cuộc đối đầu được mô tả ở trên giữa Su-27 và MiG-29 thời hậu Xô Viết, cũng là hai loại máy bay nằm trong kho vũ khí của Lực lượng Vũ trang Ukraine và cả Nga đã cho thấy rõ ràng lý do tại sao Kiev cần có những loại máy bay chiến đấu phương Tây hiện đại, điển hình như F-16 của Mỹ.

Chiếc tiêm kích hạng nhẹ của Mỹ hoạt động đáng tin cậy hơn; đặc tính chiến thuật và kỹ thuật cũng như hệ thống chiến đấu trên những máy bay phương Tây vượt trội so với máy bay Nga, tầm bắn tên lửa cũng xa hơn đáng kể so với tên lửa R-27 trên loại máy bay.

Nguyễn Ngọc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tiem-kich-f-16-se-giup-chong-choi-chien-dau-co-nga-post636539.html