Tiêm chủng để bảo vệ bản thân và cộng đồng

Vắc xin là vũ khí sắc bén, hữu hiệu để chủ động phòng, chống và kiểm soát các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; đồng thời, củng cố an ninh y tế toàn cầu và sẽ là một công cụ quan trọng trong cuộc chiến chống lại sự kháng thuốc.

THÁCH THỨC TRONG CÔNG TÁC TIÊM CHỦNG

Trong những năm gần đây, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo, các đại dịch nói chung đang tăng dần tần suất xuất hiện. Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước.

Công tác phòng, chống dịch Covid-19 được triển khai quyết liệt, đồng bộ và đạt được nhiều kết quả tích cực. Các biện pháp phòng, chống dịch được áp dụng chủ động, sáng tạo, linh hoạt, phù hợp, đặc biệt là thành công trong chiến lược vắc xin. Chiến lược tiêm chủng đã góp phần giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh và tử vong; giảm chi phí chăm sóc y tế, nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Tiền Giang tổ chức tuyên truyền về tiêm chủng.

Bác sĩ Chuyên khoa 2 (BSCK2) Nguyễn Hữu Diệp, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, tại Tiền Giang, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh, địa phương luôn duy trì hiệu quả chương trình tiêm chủng.

Công tác tiêm chủng mở rộng (TCMR) được tổ chức thường xuyên tại 172 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh vào các ngày 10, 15 và 25, 30 hằng tháng, tạo sự thuận lợi cho các bà mẹ đưa con em đến tiêm chủng.

Hiện nay, tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 tại tỉnh Tiền Giang đạt khá cao; trong đó người từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 1 đạt 100,2%; mũi 4 đạt 91,7%; trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi đạt 109,3% và mũi 3 đạt 83,1%; trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm mũi 1 đạt 101% và mũi 2 đạt 92,9%.

Để có thêm nhiều trẻ em được bảo vệ khỏi các bệnh có thể phòng ngừa được bằng các loại vắc xin, BSCK2 Nguyễn Hữu Diệp đề nghị các bậc cha mẹ hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch trong tiêm chủng thường xuyên và các chiến dịch tiêm chủng. Mỗi cán bộ y tế cần nâng cao trách nhiệm, thực hiện đầy đủ quy trình tiêm chủng, hiểu rõ, hiểu sâu về thực hành tiêm chủng an toàn.

Các bệnh viện cần tham gia phối hợp xử trí kịp thời các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng, các cơ sở tiêm chủng tăng cường quản lý tốt đối tượng, đảm bảo người dân được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, an toàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả phòng bệnh. Đối với dịch Covid-19, triển khai hiệu quả kế hoạch tiêm vắc xin năm 2023.

Trước diễn biến dịch Covid-19 có xu hướng gia tăng trở lại từ đầu tháng 4-2023, BSCK2 Nguyễn Hữu Diệp cho biết, ngành Y tế tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch, sự biến đổi, xuất hiện của các chủng vi rút, các biến thể mới và thúc đẩy tiêm vắc xin phòng Covid-19 đạt mục tiêu đề ra.

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được vẫn có thách thức lớn. Tại Tiền Giang, năm 2022 do tình trạng thiếu vắc xin kéo dài nên tỷ lệ tiêm chủng hầu hết chưa đạt chỉ tiêu đề ra, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi đạt miễn dịch cơ bản chỉ 74,8%. Tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý đưa trẻ đi tiêm…

Việc duy trì, tăng cường tiêm chủng vắc xin trong Chương trình TCMR và phòng, chống dịch Covid-19 có ý nghĩa quan trọng. Trong đó, việc tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19, đặc biệt đối với trẻ em là hết sức cần thiết, trước tiên để bảo vệ sức khỏe người dân trong tình hình dịch Covid-19, góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh trong cộng đồng và trường học; đồng thời, giúp thúc đẩy các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

VẮC XIN LÀ CÔNG CỤ BẢO VỆ SỨC KHỎE HỮU HIỆU

Vắc xin là công cụ rất hiệu quả trong dự phòng các bệnh lây nhiễm. Hiện nay, có gần 30 bệnh truyền nhiễm có thể dự phòng được bằng vắc xin. Không giống như các can thiệp y tế khác, vắc xin giúp cho dự phòng, bảo vệ sức khỏe con người. Việc tiêm vắc xin không chỉ làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, mà còn giúp trẻ em phát triển khỏe mạnh về thể chất và trí não.

Vắc xin còn giúp giảm số ngày ốm và nhập viện, từ đó sẽ giảm chi phí chăm sóc y tế; giảm tình trạng tàn phế hay mất khả năng lao động do bệnh tật gây nên. Ngoài ra, tiêm chủng còn giúp bảo vệ sức khỏe cho cả người lớn như vắc xin phòng các bệnh như cúm, viêm màng não do não mô cầu, ung thư gan, ung thư cổ tử cung...

Trẻ em cần được tiêm chủng đầy đủ để chống lại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Việc đầu tư cho tiêm chủng dự phòng bằng vắc xin là đầu tư cho phát triển. Nhờ có vắc xin, thế giới đã thanh toán được rất nhiều bệnh truyền nhiễm. Tại Việt Nam, với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc, Chương trình TCMR được triển khai thực hiện từ năm 1981 với 6 loại vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gồm lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt.

Năm 1997, Chính phủ quyết định đưa thêm 4 loại vắc xin mới vào TCMR gồm: Vắc xin viêm gan B, viêm não Nhật Bản B, tả và thương hàn. Từ tháng 6-2010, Chương trình TCMR triển khai tiêm miễn phí vắc xin mới phòng bệnh viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib phối hợp các vắc xin phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B (vắc xin 5 trong 1) để tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi, đánh dấu vắc xin thứ 11 được đưa vào TCMR ở Việt Nam.

Qua 38 năm thực hiện, Chương trình TCMR đã đem lại hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi cơ bản về cơ cấu bệnh tật ở trẻ em. Cụ thể, thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000; loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005; khống chế và tiến tới loại trừ bệnh sởi, bệnh viêm gan B; khống chế bệnh bạch hầu, ho gà...

Tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi, thời gian qua, Việt Nam nỗ lực triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella cho trẻ em và đưa loại vắc xin này vào tiêm chủng thường xuyên, nâng số vắc xin trong Chương trình TCMR lên 12 loại, góp phần vào việc đạt mục tiêu thứ 4 của thiên niên kỷ.

THỦY HÀ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202304/tiem-chung-de-bao-ve-ban-than-va-cong-dong-977129/