Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trước thực trạng hồ đập xuống cấp

Qua kiểm tra, một số hạng mục của các hồ đập trên địa bàn Quảng Trị và Thừa Thiên Huế có dấu hiệu xuống cấp, hiện tượng sạt trượt mái và thấm. Để đảm bảo an toàn cần bố trí nguồn kinh phí để tiến hành sửa chữa, nâng cấp.

Trao đổi với phóng viên Gia đình và Xã hội, đại diện Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Quảng Trị) cho biết, các cơ quan chức năng đã tiến kiểm tra, đánh giá hiện trạng đối với 125 công trình đập, hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn.

Qua kiểm tra, có 76 đập bị thấm trong đó 16 đập bị thấm nặng. 55 đập bị biến dạng mái, trong đó biến dạng nặng 3 cái và không xuất hiện tình trạng nứt thân đập. Các hồ hư hỏng xuống cấp cần lưu ý trong mùa mưa lũ gồm hồ Nghĩa Hy, hồ Phú Dụng, hồ Khe Mương và hồ Tân Xuyên.

Ngoài ra, có 14 tràn bị nứt trong đó 4 tràn bị nứt nặng. Bên cạnh đó, 21 tràn xuất hiện xói lở thân tràn, đuôi tràn, tiêu năng. Đặc biệt, cần lưu ý với tràn Nam Thạch Hãn do có tràn bị hỏng.

Quảng Trị vừa tiến kiểm tra, đánh giá hiện trạng đối với 125 công trình đập, hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn.

Sở NN&PT Quảng Trị cho hay, quá trình triển khai thực hiện Nghị định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước đối với các đập, hồ chứa nước thủy lợi hiện nay đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc.

Theo đó, để thực hiện đòi hỏi phải có nguồn kinh phí thực hiện, trong khi nguồn phân bổ hàng năm không có, các chủ công trình hoạt động chủ yếu từ nguồn hỗ trợ giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi. Nguồn hỗ trợ này chỉ đủ chi phí quản lý, vận hành, không đủ chi phí để sửa chữa thường xuyên hàng năm…

Các công trình do địa phương quản lý đa số đã được xây dựng từ lâu, hồ sơ lưu trữ gần như không còn. Mặt khác, nguồn kinh phí phân bổ hàng năm quá hạn hẹp nên không đủ để thực hiện các công tác như lập quy trình vận hành, cắm mốc chỉ giới, kiểm định an toàn hồ chứa nước dẫn đến việc chưa đáp ứng được các yêu cầu.

Theo Sở NN&PTNT Quảng Trị, cần có chính sách an toàn về hồ chứa để đầu tư nâng cấp và sửa chữa các công trình đầu mối các hồ chứa lớn và kiên cố các hồ chứa nhỏ. Để đảm bảo an toàn công trình mùa mưa lũ năm 2023 và các năm tiếp theo, cần cho sửa chữa và nâng cấp 34 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh.

Hồ A Lá ở xã A Ngo, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế chưa được kiểm định an toàn.

Trong khi đó, Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế cũng vừa tiến hành kiểm tra, đánh giá 55 hồ, đập chứa nước trên địa bàn.

Qua kiểm tra, một số hạng mục phụ trợ đã hư hỏng, đập đất có hiện tượng sạt trượt mái và thấm nhẹ, các thiết bị cơ khí đã xuống cấp. Một số công trình đường quản lý và công trình trên kênh đã xuống cấp chưa được đầu tư nâng cấp. Đặc biệt trong đó, các hạng mục mặt đập, thân đập, mái hạ lưu đập của hồ chứa nước Bến Ván 1, Bến Ván 2, phần đuôi tràn hồ chứa nước Thủy Yên bị sạt lở và có nguy cơ mở rộng.

Cụ thể, có 5 đập bị thấm nhẹ, 5 đập biến dạng mái như hư hỏng, sạt lở, trượt mái thượng. Kiểm tra tràn xả lũ, hội đồng đánh giá có 7 đập bị nứt nhẹ, 17 đập bị xói lở thân tràn, đuôi tràn, tiêu năng, trong đó có 5 tràn bị nặng. Đặc biệt, kết quả kiểm tra cho thấy, đến nay không có hồ đập nào được lập quy trình vận hành cửa van, lập quy trình bảo trì công trình và chỉ 2% số hồ được kiểm định theo quy định (gồm hồ Truồi, Thủy Yên, Khe Ngang, Hoàn Mỹ).

Theo Sở NN&PTNT Thừa Thiên Huế, sau khi Nghị định số 114/2018/NĐ-CP được ban hành và có hiệu lực, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các công văn gửi các địa phương, đơn vị quản lý vận hành hồ chứa, chủ sở hữu đập triển khai các nội dung quy định tại nghị định, ban hành các văn bản hướng dẫn việc thực hiện, đôn đốc thực hiện.

Tuy nhiên, đến nay một số nội dung quy định tại nghị định các địa phương vẫn chưa thực hiện đầy đủ.

Nguyên nhân chủ yếu do đa số các hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng từ lâu, qua nhiều giai đoạn quản lý khai thác dẫn đến thất lạc hồ sơ, gây khó khăn trong công tác hoàn thiện hồ sơ quản lý đập, hồ chứa nước.

Một số nội dung quy định khác như kiểm định an toàn đập, xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du, cắm mốc hành lang bảo vệ cần có kinh phí lớn để triển khai, ngân sách của các địa phương, đơn vị chưa chủ động bố trí để thực hiện.

Hồ Ka Tư tại xã Hương Phú, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế vừa được nâng cấp.

Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, về lâu dài, các địa phương, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí thực hiện các nội dung về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi theo quy định của Luật Thủy lợi năm 2017, Nghị định số 114/2018/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định khác có liên quan.

Thường xuyên, định kỳ kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình, tổ chức trực ban tại công trình 24/24 giờ trong thời gian có mưa, lũ nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các ẩn họa, hư hỏng, sự cố ngay từ giờ đầu, giảm thiểu thiệt hại do sự cố gây ra. Đối với cửa van của tràn xả lũ vận hành bằng điện phải có ít nhất hai nguồn điện, trong đó có một nguồn bằng máy phát điện dự phòng…

Hoàng Dũng

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/tiem-an-nguy-co-mat-an-toan-truoc-thuc-trang-ho-dap-xuong-cap-172231027114236023.htm