Tích tụ, tập trung đất nông nghiệp tại Thái Bình: Quả ngọt và những vấn đề đặt ra - Bài 3: Tạo bước đệm vững chắc cho tái cơ cấu nông nghiệp (Tiếp theo và hết)

Để có thêm những đại điền, tạo bước đệm vững chắc cho tái cơ cấu nông nghiệp, hướng tới đưa Thái Bình trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu vùng Đồng bằng sông Hồng, vẫn cần thêm những chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực hơn nữa, nhằm đẩy nhanh quá trình tích tụ, tập trung đất đai, hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn.

Diện tích tích tụ tăng nhanh nhưng còn nhỏ

Qua khảo sát cho thấy, mặc dù diện tích đất sản xuất được tích tụ, tập trung tăng nhanh song vẫn còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm của Thái Bình. Theo thống kê, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm của Thái Bình năm 2023 đạt hơn 216.000ha, trong khi đó, diện tích tích tụ, tập trung mới đạt 7.843ha. Điều này cho thấy, trên thực tế, đất nông nghiệp của Thái Bình còn rất manh mún, diện tích đất canh tác bình quân khoảng 0,2ha/hộ.

Đề cập tới một số vướng mắc đang cản trở quá trình tích tụ, tập trung đất đai ở Thái Bình, đồng chí Trần Quốc Dương, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết, do ruộng đất manh mún nên để tích tụ được diện tích đủ lớn, phải ký hợp đồng với rất nhiều hộ gia đình, với nhiều yêu cầu khác nhau, trong khi đó, vẫn còn hiện tượng phá vỡ hợp đồng thuê, mượn ruộng. Thêm vào đó, người dân vẫn còn tâm lý giữ đất, giữ ruộng, đặc biệt, thời gian gần đây, giá thóc, gạo liên tục tăng cao làm tâm lý người dân càng muốn giữ ruộng, giữ đất cấy để lấy thóc dùng. Một số người mặc dù đã có việc làm ổn định từ các lĩnh vực khác, không có nhu cầu sản xuất nông nghiệp và thậm chí có người sẵn sàng bỏ ruộng hoang nhưng do tâm lý sợ mất đất cũng không muốn chuyển nhượng, cho người khác thuê lại đất để sản xuất.

Theo Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Trường, trong quá trình chờ Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực, thì quy định pháp luật về trình tự, thủ tục cho thuê đất, chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn vướng mắc, khó thực hiện, nhất là yêu cầu phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phải có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất... Đồng thời, giá đất nông nghiệp theo bảng giá đất của tỉnh thấp hơn các tỉnh, thành phố lân cận, dẫn đến mức giá chuyển nhượng cũng thấp nên các hộ gia đình nông dân không muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp mặc dù sản xuất không hiệu quả, thậm chí bỏ hoang.

Các chủ đại điền ở huyện Kiến Xương kiến nghị chính quyền xã tạo điều kiện về diện tích để khay mạ. Ảnh: KHÁNH AN

Ở góc độ người trực tiếp tham gia tập trung, tích tụ ruộng đất, qua tìm hiểu, nhiều đại điền ở Thái Bình cho biết, làm ăn lớn mang đến lợi nhuận lớn, nhưng đồng nghĩa với đó là rủi ro lớn, đặc biệt, đầu tư cho nông nghiệp luôn được đánh giá tiềm ẩn nhiều rủi ro, không chỉ là thiên tai, địch họa. Theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Nguyên (huyện Kiến Xương) Nguyễn Đỗ Nhuận, một trong những trở ngại của đại điền là vấn đề bãi để khay mạ, kho chứa, nhà xưởng. Đơn cử, với 10 ha, các đại điền cần từ 800 đến 1.000m2 để khay mạ. Trong khi điều kiện của các nông hộ còn khó khăn, chưa đủ điều kiện để lập dự án thuê đất làm nhà kho, nhà chứa thóc gạo, nhà xưởng sấy thóc...

Ngoài ra, theo nhận định của các hộ đại điền, để sản xuất quy mô lớn, nhiều hộ phải đi vay hàng tỷ đồng, mỗi vụ đầu tư ra ngoài đồng ruộng hàng trăm triệu đồng và trông chờ hạt thóc, phải phụ thuộc vào thiên tai, địch họa, thời tiết, giá thóc cuối vụ... Trong khi đó, người nông dân chỉ có tín chấp là chính. Nếu mất mùa thì tất cả đối tác cũng rất e ngại đầu tư cho vụ sau. Xuất phát từ thực tế này, các hộ đại điền đề xuất cần có chính sách hỗ trợ về tín dụng, kho bãi cho nhóm nông dân tâm huyết sản xuất nông nghiệp, đây là nhóm nòng cốt để bảo đảm cùng với các doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi, xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao giá bán nông sản.

Thay đổi tâm lý giữ đất, sợ mất đất của nông dân

Có thể thấy, tâm lý giữ đất, sợ mất đất nông nghiệp vẫn còn tương đối nặng nề trong đại bộ phận nông dân Thái Bình. Để xóa bỏ tâm lý sợ mất đất của bà con nông dân, đồng chí Trần Quốc Dương đề xuất, công tác truyền thông cần được đẩy mạnh hơn nữa nhằm giúp làm rõ thế nào là tập trung và tích tụ ruộng đất để người dân hiểu về việc sở hữu ruộng đất, tích cực đóng góp cho đại điền. Thứ hai, ngành nông nghiệp Thái Bình đề xuất, cần quy hoạch chỉ rõ vùng đất ổn định để sản xuất nông nghiệp trong vòng từ 30 đến 50 năm, không đưa các dự án chuyển đất nông nghiệp sang đất khác vào vùng này nhằm xóa bỏ tâm lý giữ đất trông chờ vào dự án của nông dân. Đồng thời, ngành nông nghiệp đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh hướng dẫn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nông dân.

Còn đồng chí Lại Xuân Quang, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Phong (huyện Vũ Thư) quan tâm tới việc đẩy mạnh kết nối cho các đại điền sản xuất theo đơn đặt hàng với các doanh nghiệp thu mua lương thực lớn. Chỉ khi các mô hình sản xuất lớn được bảo đảm về đầu ra sản phẩm, có đầu ra ổn định, khi đó, các đại điền mới yên tâm sản xuất, từ đó mới thúc đẩy được mô hình này. Cùng với đó, chính người nông dân cũng trau dồi, học hỏi, chuyển đổi tư duy để bắt kịp với nền nông nghiệp mới, tạo ra giá trị lớn hơn trên mỗi diện tích đất sản xuất của mình.

Thực tế cho thấy, nhất là trong mối quan hệ ở nông thôn, việc sửa đổi các quy định mang tính kiểm soát thường không quan trọng bằng việc tạo dựng niềm tin cho người dân và doanh nghiệp thông qua những quy định rõ ràng về các quyền của người dân khi sử dụng, chuyển nhượng đất đai, cùng với việc thực hiện nghiêm chỉnh các quy định đó. Do vậy, mấu chốt quan trọng trong việc thúc đẩy mô hình đại điền là cần thể chế hóa rõ ràng hơn và chính thức hơn mối quan hệ giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp khi triển khai các mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất... Cần bảo đảm cho việc tích tụ, tập trung đất diễn ra minh bạch, dân chủ, theo cơ chế thị trường, thuận mua vừa bán, để vừa bảo đảm được quyền lợi của người dân vừa bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp.

Nghiên cứu thành lập ngân hàng đất nông nghiệp

Để việc tập trung, tích tụ đất đai diễn ra thuận lợi, một trong những ý tưởng đang được các chuyên gia nông nghiệp đề xuất đó là cần thúc đẩy hình thành ngân hàng đất nông nghiệp. Ngân hàng này đứng ra tiếp nhận lại quỹ đất bỏ hoang, sử dụng lãng phí, hiệu quả thấp; nhận ký gửi quyền sử dụng đất nông nghiệp, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; sau đó cho thuê, nhượng lại đối với tổ chức, cá nhân có nhu cầu sản xuất hàng hóa lớn, trang trại hoặc các doanh nghiệp... Hoạt động của ngân hàng đất nông nghiệp không vì mục đích lợi nhuận, được Nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán, được miễn thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước... Song các ý kiến cho rằng, vấn đề này cần được bàn thảo kỹ lưỡng hơn, nhất là cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm quản lý ngân hàng đất nông nghiệp này; cơ chế hoạt động, làm rõ nội dung về nguồn vốn để ngân hàng đi thuê đất của nông dân. Chỉ khi có được lời giải cho những vấn đề trên, ngân hàng đất nông nghiệp mới có thể bảo đảm vận hành hiệu quả.

Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 được coi là chìa khóa pháp lý quan trọng để thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất sản xuất nông nghiệp ở quy mô lớn hơn. Cụ thể, quy định các hình thức tập trung đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất thông qua các phương thức như: Chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp theo phương án dồn điền, đổi thửa; thuê quyền sử dụng đất; hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất. Với quy định về tích tụ đất nông nghiệp, việc tăng diện tích đất nông nghiệp của người sử dụng đất để tổ chức sản xuất thông qua các phương thức: Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp... Kỳ vọng với những đổi mới của chính sách đất đai theo Luật Đất đai 2024 sẽ góp phần khuyến khích tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng manh mún, tạo điều kiện thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, sản xuất quy mô lớn, tập trung, chuyên canh là xu thế tất yếu, là con đường phát triển nông nghiệp của đa số các cường quốc nông nghiệp trên thế giới. Nông nghiệp Việt Nam tất yếu cũng phải đi theo con đường này. Bên cạnh đó, mục tiêu chung của chính sách phát triển nông nghiệp suy cho cùng là không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân; phát triển nền nông nghiệp hiện đại; xây dựng nông thôn hiện đại. Tại Thái Bình, việc nông dân tin tưởng, doanh nghiệp quyết tâm, chính quyền đồng hành là điều kiện tiên quyết cho việc tích tụ, tập trung ruộng đất, hướng tới đưa Thái Bình sớm trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu vùng Đồng bằng sông Hồng.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tich-tu-tap-trung-dat-nong-nghiep-tai-thai-binh-qua-ngot-va-nhung-van-de-dat-ra-bai-3-tao-buoc-dem-vung-chac-cho-tai-co-cau-nong-nghiep-tiep-theo-va-het-769342