'Thuyết tiến hóa' được trình bày một cách sinh động ở bảo tàng Darwin, Nga

Bảo tàng quốc gia Darwin ở phố Vavilova, thủ đô Moskva (Nga), là bảo tàng lớn nhất trên thế giới về thuyết tiến hóa của nhà khoa học lỗi lạc Charles Darwin.

Mô hình khủng long bằng kích thước thật bên ngoài bảo tàng. (Ảnh: Thùy Vân)

Điều đặc biệt ở bảo tàng này chuyên về khoa học nhưng lại được trình bày hết sức nghệ thuật và sống động, hấp dẫn người xem không chỉ muốn đến một lần mà phải đi lại nhiều lần để có thể xem được hết số lượng các hiện vật quá phong phú và đa dạng ở đây.

Bảo tàng luôn đông khách tham quan. (Ảnh: Thùy Vân)

Bảo tàng có gần nửa triệu hiện vật là những con thú nhồi bông, bằng đúng tỷ lệ kích thước thật của chúng.

Những con thú được giữ nguyên bộ da và lông, sắp xếp ở những tư thế như đang sống trong thế giới tự nhiên.

Các loài cáo được nhồi bông sống động. (Ảnh: Thùy Vân)

Các loài động vật phương bắc. (Ảnh:Thùy Vân)

Mẫu hình các loài chim nhiều vô kể. (Ảnh: Thùy Vân)

Các loài thú hoang. (Ảnh: Thùy Vân)

Các bộ sưu tập theo từng chủ đề cung cấp thông tin về quá trình tiến hóa, sự đa dạng sự sống trên trái đất, tính biến đổi và di truyền của các loài, sự chọn lọc tự nhiên và đấu tranh sinh tồn trong tự nhiên.

Các mô hình tiến hóa của loài người. (Ảnh: Thùy Vân)

Hiện vật trưng bày tại bảo tàng. (Ảnh: Thùy Vân)

Phục dựng lại cảnh săn mồi của sói hoang vùng Bắc cực. (Ảnh: Thùy Vân)

Bảo tàng trình bày theo các chủ đề: “Sự đa dạng của sự sống trên trái đất”, “Các giai đoạn nhận thức về động vật hoang dã”, “Địa lý động vật”, “Sự tiến hóa của hành vi động vật”, “Nguồn gốc của con người”, “Tương tác giữa con người và thiên nhiên”.

Ngoài ra, bảo tàng còn có một số tổ hợp triển lãm, theo đó người xem có thể đi trên con đường tiến hóa, xem triển lãm trực tiếp cũng như nhiều triển lãm định kỳ, khiến cho mỗi lần quay lại đều thấy bảo tàng đầy mới mẻ.

Các chú gấu như đang chuyển động. (Ảnh: Thùy Vân)

Hơn thế, bảo tàng có bộ sưu tập sách đen lớn nhất thế giới về những loài đã bị tuyệt chủng, như bộ xương của loài chim dodo không biết bay đã tuyệt chủng vào cuối thế kỷ 17 ở đảo Mauritius, hay chim bồ câu viễn khách…

Các loài động vật trong sách đen. (Ảnh: Thùy Vân)

Bảo tàng không chỉ trưng bày các hiện vật tự nhiên mà còn có các tác phẩm của các nghệ sĩ chuyên về động vật học như Mikhain Ezuchevsky, Alexei Komarov, Alexander Formozov, các tác phẩm điêu khắc của Vladimir Domogalky, Sergei Konerkov…

Các nhà khoa học và nghệ sĩ đang phục dựng lại hình nhồi bông voi châu Phi. (Ảnh tư liệu của bảo tàng)

Bà Anna Kliukina, Giám đốc bảo tàng cho biết, tại đây hiện đang lưu trữ khoảng 9000 tư liệu, trong đó có ấn bản đầu tiên của tác phẩm: “Nguồn gốc các loài”, những bức thư của Darwin, cũng như những cuốn sách cổ về lịch sử tự nhiên.

Một trong những tác phẩm hiếm nhất trong bộ sưu tập là cuốn: “Lịch sử về rồng và rắn” của nhà khoa học tự nhiên học từ thời Phục hưng Ullis Aldrovandi.

Phục dựng lại bàn làm việc của Darwin. (Ảnh: Thùy Vân)

Từ những năm 2000, bảo tàng đã sử dụng các mô hình đa phương tiện vào triển lãm, hầu hết các phòng trưng bày được trang bị công nghệ máy tính, như kỷ nguyên Khủng long được minh họa bằng các di chuyển mô hình trong không gian 3D, 4D.

Bảo tàng hấp dẫn không chỉ trẻ em mà còn cả bố mẹ của các em. (Ảnh: Bảo tàng cung cấp)

Trẻ em rất thích thú khi sử dụng các công nghệ đa phương tiện hiện đại phát âm thanh giọng hót của các loài chim, âm thanh của các côn trùng, động vật.

Những trò chơi điện tử về động vật như thói quen, thức ăn và cách di chuyển cũng làm không chỉ các bạn nhỏ thích thú mà bố mẹ các em đi theo cũng rất hào hứng.

Ảnh tư liệu của bảo tàng.

Các khu phức hợp cài đặt các chương trình trình diễn âm nhạc, video, ánh sáng “Hành tinh sống”, “Trung tâm thông tin EcoMoscow” và “Du hành cùng động vật”.

Điều này đã giúp người đến tham quan triển lãm tương tác với các thông tin hiện vật bảo tàng một cách có cảm xúc và dễ ghi nhớ hơn.

Ảnh tư liệu của bảo tàng.

Các trung tâm tương tác với tên gọi đầy tính dẫn dắt như “Biết chính mình, biết thế giới”, “Trung tâm hỗ trợ sáng tạo thanh niên”, cùng với các khóa học về điện tử và robot, các bài giảng chiếu phim hằng tuần, các cuộc gặp gỡ khách tham quan với các nhà khoa học nổi tiếng giúp cho hoạt động của một bảo tàng khoa học luôn sôi động.

Điều này cuốn hút không chỉ những người am hiểu và yêu thích khoa học tự nhiên, mà còn rất nhiều người đủ mọi lứa tuổi vì sự đa dạng phong phú và hấp dẫn trong cách thức làm triển lãm của bảo tàng này.

Bảo tàng thu hút đông học sinh, sinh viên đến tham quan nghiên cứu. (Ảnh: Thùy Vân)

Các máy tính kết nối Internet được lắp đặt trong các sảnh của bảo tàng cho phép người xem có được thông tin chi tiết không chỉ về những hiện vật trưng bày tại bảo tàng mà còn nhiều bảo tàng khoa học tự nhiên khác ở Nga.

“Hướng dẫn giáo dục” độc đáo mang đến cơ hội tự khám phá bất kỳ chủ đề nào mà người xem quan tâm.

Vợ chồng nhà động vật học Alexandre Kots - những người sáng lập nên bảo tàng. (Ảnh tư liệu của bảo tàng)

Alexandre Kots và vợ là những người sáng lập nên bảo tàng này từ hồi cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Họ là những nhà động vật học đã dày công sưu tập các con thú nhồi bông và đi học hỏi khắp nơi trên thế giới về cách làm bảo tàng khoa học. Qua các quá trình chuyển đổi và bồi đắp của nhiều thế hệ, hiện nay bảo tàng Darwin nằm trong hệ thống các bảo tàng quốc gia Nga, thu hút hàng năm hàng triệu lượt khách.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thuyet-tien-hoa-duoc-trinh-bay-mot-cach-sinh-dong-o-bao-tang-darwin-nga-post769504.html