Thuyết minh về di tích đền Cửa Ông sao cho đúng?

Hằng năm, di tích lịch sử, văn hóa đền Cửa Ông (Cẩm Phả, Quảng Ninh) đón hàng vạn du khách thập phương về chiêm bái, hành hương và đang trở thành điểm du lịch, văn hóa tâm linh, vãn cảnh nổi tiếng.

Dịp đầu Xuân Giáp Thìn vừa qua chúng tôi hành hương về đền Cửa Ông chiêm bái và được cô thuyết minh giới thiệu rằng ngôi đền được xây dựng lại trên cơ sở một ngôi miếu nhỏ có từ lâu đời, thờ thần chủ Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, con trai thứ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, đã từng có thời trấn trị vùng này. Lời thuyết minh đó khiến nhiều người băn khoăn, bởi căn cứ vào những tài liệu lịch sử hiện tồn, cách giới thiệu như trên là chưa thật sự đầy đủ, chưa phản ánh đúng lịch sử hình thành của một ngôi đền thiêng.

1. Không những nhân viên thuyết minh nơi đây nói vậy mà ngay cả hồ sơ tư liệu về di tích lịch sử, văn hóa đền Cửa Ông của Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cũng nhấn mạnh: “Đền Cửa Ông, còn gọi là Đông Hải linh từ hay đền Đức Ông nằm trên địa bàn phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh. Đền thờ thần chủ là Quốc Khảo Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, ngoài ra còn phối thờ Cửu Thiên Vũ Đế Quốc Phụ Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương cùng gia thất và các tướng lĩnh của Ngài...”. Nói và viết như thế liệu đã đầy đủ, đúng với lịch sử ra đời của ngôi đền?

Thật ra câu chuyện thần chủ tại đền Cửa Ông đã được giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa trong nước đặt ra từ khá lâu với nhiều cuộc hội thảo khoa học, và tại đây những chuyên gia đầu ngành đã chỉ rõ và đưa ra những ý kiến tư vấn hợp tình, hợp lý “vừa có cơ sở khoa học của nó, vừa nâng cao thêm vị trí và ý nghĩa của ngôi đền”. Từ những năm 1986, tại cuộc hội thảo khoa học về di tích đền Cửa Ông được tổ chức tại Cẩm Phả, cố giáo sư Phan Huy Lê đã có bài tham luận “Đền Cửa Ông: Lai lịch và lễ hội”, trong đó ông đề nghị: “Xác định lại một cách khách quan, chính xác chủ nhân của ngôi đền Cửa Ông là vấn đề khoa học đầu tiên cần đặt ra liên quan đến thái độ và cách ứng xử của chúng ta đối với ngôi đền và hội đền”.

Đền Cửa Ông, Quảng Ninh.

Theo cố giáo sư Phan Huy Lê, ai có dịp thăm đền Cửa Ông đều được giới thiệu nơi đây thờ Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, một con trai thứ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Điều này gây nên sự hoài nghi và có phần được tăng lên, củng cố thêm khi giới nghiên cứu văn học cải chính một sự nhầm lẫn của Bùi Huy Bích trong “Hoàng Việt thi văn tuyển” cho rằng Trần Quốc Tảng là Tuệ Trung thượng sỹ đã từng trấn trị vùng Hồng Lộ (Hải Hưng) và có phong ấp ở Tĩnh Yên (Quảng Ninh).

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi là một trong những người đã chứng minh một cách có căn cứ, Tuệ Trung thượng sỹ là Trần Tung (1230-1291), con của An Sinh Vương Trần Liễu và là anh ruột của Trần Quốc Tuấn, “từ đó người ta cho rằng Trần Quốc Tảng chẳng liên quan gì đến Cửa Ông và vùng Quảng Ninh nói chung”.

2. Dẫn theo cuốn “Đại Nam nhất thống chí” biên soạn đời Tự Đức (1848-1883), phần tỉnh Quảng Yên có đoạn chép về một đền miếu cổ, cố giáo sư Phan Huy Lê cho biết: Miếu Hoàng tiết chế ở trên bãi cát Cửa Suốt thuộc xã Cẩm Phả, châu Tiên Yên. Tương truyền đời Trần có giặc răng trắng mỏ vàng lấn cướp bãi biển, có Hoàng Cần người xã Hải Lãng tự đem thủ hạ đuổi đánh, tay cầm cọc tre đánh tan được giặc, đuổi đến xã Vô Ngại, cắm cọc tre làm mốc giới, đến nay đốt tre đều mọc ngược. Sau khi chết được tặng Khâm sai Đông đạo Tiết chế, người địa phương lập đền thờ. Thuyền bè qua lại cầu đảo đều ứng. “Rõ ràng Cửa Suốt này là Cửa Ông thuộc Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, nơi có đền Cửa Ông”, cố giáo sư Phan Huy Lê khẳng định.

Tiếp đó ông dẫn cuốn “Đồng Khánh địa dư chí lược” được biên soạn đời Đồng Khánh (1886-1888), phần tỉnh Quảng Yên có hai đoạn chép về đền Cửa Ông, rồi nhận định: “Như vậy, cho đến cuối thế kỷ XIX, trên vị trí đền Cửa Ông hiện nay (tất nhiên có thể xê dịch trong một phạm vi nào đó) có một ngôi đền mang tên đền Cửa Suốt hay đền Đức Ông thờ một người anh hùng chống giặc đời Trần là Hoàng Cần. (…) Dù là nhân nhân vật lịch sử hay nhân vật truyền thuyết hay nhân vật lịch sử đã được truyền thuyết hóa, thì Hoàng Cần đã trở thành anh hùng đánh giặc được nhân dân suy tôn là Đức Ông và ngôi đền thờ anh hùng được gọi là đền Đức Ông hay gọi tắt là đền Ông. Cũng vì ngôi đền Cửa Suốt được gọi là Cửa Ông. Như vậy là từ lâu, đền Ông thờ Hoàng Cần, một anh hùng của nhân dân địa phương. Ngôi đền lúc đó có thể chỉ là một miếu tranh nhỏ”, cố giáo sư Phan Huy Lê viết.

Theo cố giáo sư Phan Huy Lê, sang thế kỷ XX, vị nguyên thần ở đền Cửa Ông đã mờ dần và được thay thế bằng một vị thần mới là Trần Quốc Tảng. Quá trình chuyển dịch này diễn ra như thế nào, bởi những nguyên nhân ra sao và qua những thời điểm cụ thể nào thì hầu như chúng ta chưa có tư liệu giải đáp trực tiếp. Năm 1924, khi Đông Châu viết “Khảo về địa dư và lịch sử tỉnh Quảng Yên”, trong mục các linh từ có kể đền Cửa Suốt, nhưng chỉ biết thờ một vị tướng quân nào đó: “Đền Cửa Suốt ở về xã Cẩm Phả, thờ một vị tướng quân, người ta thường gọi là đền Ông”. Tên đền Ông, Cửa Ông vẫn được bảo tồn nhưng Đức Ông ấy là ai thì dần dần không còn ai biết đến Hoàng Cần, mà chỉ giải thích bằng Trần Quốc Tảng.

Mặc dù được lập luận như trên bằng những cứ liệu lịch sử, nhưng không hiểu hồ sơ tư liệu về di tích lịch sử, văn hóa đền Cửa Ông của Cục Di sản văn hóa căn cứ vào đâu để viết: “Đền Cửa Ông lúc đầu khởi dựng chỉ thờ Trần Quốc Tảng, sau khi xây thêm các khu đền Hạ, đền Trung và đền Thượng, chùa Cẩm Sơn...”.

3. Trong khi chưa phát hiện những tư liệu trực tiếp để giải thích cho sự chuyển thay thần chủ tại đền Cửa Ông, cố giáo sư Phan Huy Lê đã nêu lên những giả thuyết như một phương hướng tìm tòi, sau đó ông nhận định: “Trên đây chỉ là một giả thuyết mà những tư liệu phát hiện được trong tương lai sẽ xác nhận hay bác bỏ. Điều chắc chắn có thể khẳng định được hiện nay là đền Cửa Ông vốn thờ Hoàng Cần, rồi mới chuyển sang thời Trần Quốc Tảng trong thời gian những thập kỷ đầu và giữa thế kỷ này (thế kỷ XX)”.

Đối với các vị thần của đền, sau khi dẫn giải, phân tích bằng nhiều nguồn cứ liệu lịch sử để cố gắng làm sáng tỏ lai lịch và sự chuyển đổi các vị thần được thờ tại đền Cửa Ông, cố giáo sư Phan Huy Lê nói rằng chúng ta vẫn tôn thờ Trần Quốc Tảng “nhưng nhất thiết phải khôi phục vị trí của Hoàng Cần. Ông là vị nguyên thần ở đây, là một anh hùng chống giặc của nhân dân địa phương. Việc suy tôn, thờ phụng anh hùng con em của nhân dân địa phương như vậy không những là một sự thật cần được phục hồi, mà còn có ý nghĩa lớn trong việc giáo dục truyền thống, xây đắp niềm tự hào đối với quê hương vùng mỏ. Như thế là ngôi đền Cửa Ông đồng thời thờ hai Đức Ông anh hùng, hai vị thần có công với nhân dân với nước. Điều đó không có gì trái với lẽ thường mà là một ứng xử hợp tình hợp lý, vừa có cơ sở khoa học của nó, vừa nâng cao thêm vị trí và ý nghĩa của ngôi đền”.

Năm 2014, chính quyền địa phương đã tiến hành quy hoạch tổng thể khu Di tích đền Cửa Ông với diện tích 18,125 ha và đến năm 2016, đền Trung được xây dựng và hoàn thành vào năm 2017. Theo hồ sơ di tích của Cục Di sản văn hóa, hiện “khu vực đền Trung thờ Khâm Sai Đông Đạo Tiết Chế Hoàng Cần, người có công dẹp giặc ngoại xâm phương Bắc, trấn giữ vùng biển Đông”. Tại đây, còn thờ Sơn thần, Thủy thần vì đền Trung nằm trên dãy núi Cẩm Sơn, phía trước là biển Đông, người dân ở khu vực cửa biển cũng như thuyền bè qua lại đều cầu mong sự phù trợ, giúp sức của các vị Sơn thần, Thủy thần. Tại đền Thượng thờ thần chủ là Quốc Khảo Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, ngoài ra còn phối thờ Cửu Thiên Vũ Đế Quốc Phụ Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương cùng gia thất và các tướng lĩnh của Ngài. Tuy hồ sơ di tích thể hiện như vậy, nhưng trên thực tế hiện nay, tại khu vực đền Trung, Ban quản lý di tích đền Cửa Ông đặt biển là đền Trình, thờ Khâm Sai Đông Đạo Tiết Chế Hoàng Cần.

Như thế, để hướng dẫn và giới thiệu cho du khách thập phương về hành hương, chiêm bái hiểu đúng và đầy đủ giá trị lịch sử, văn hóa di tích đền Cửa Ông, thuyết minh viên cần nắm vững kiến thức lai lịch về ngôi đền; quá trình khởi dựng, tu bổ, tôn tạo, xây dựng đền. Đặc biệt cần giới thiệu đầy đủ, rõ ràng những anh hùng chống giặc, những nhân vật lịch sử được nhân dân tôn thờ, ngưỡng vọng từ hàng trăm năm qua. Có như vậy thì mỗi ai đến với đền thiêng Cửa Ông hẳn sẽ biết rõ ngọn nguồn, gốc tích thờ phụng để nhân lên niềm tin, tín ngưỡng tâm linh đối với các bậc tiên hiền của dân tộc.

Nguyễn Thanh Sương

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/thuyet-minh-ve-di-tich-den-cua-ong-sao-cho-dung--i725063/