Thủy sản sẽ trở lại 'Câu lạc bộ xuất khẩu trên chục tỷ đô'?

Dù khó khăn tiếp tục bủa vây, sự thích nghi của các doanh nghiệp và nhu cầu thị trường sẽ giúp doanh số xuất khẩu năm nay có thể đạt 9,5 tỷ USD - 10 tỷ USD. Nếu dự báo này thành hiện thực, thủy sản sẽ trở lại Câu lạc bộ xuất khẩu trên chục tỷ USD.

Khó khăn tiếp tục chi phối

Lạm phát cao, nhu cầu giảm, tồn kho lớn, giá xuất khẩu giảm và những khó khăn, bất cập trong sản xuất, kinh doanh trong nước khiến xuất khẩu thủy sản năm 2023 giảm 17% so với năm 2022 và chỉ đạt 9 tỷ USD. Với kết quả này, thủy sản đã rời khỏi “Câu lạc bộ xuất khẩu trên chục tỷ USD”, sau khi “ghi danh” lần đầu tiên vào năm 2022.

Bước sang năm 2024, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, khó khăn sẽ tiếp tục chi phối sản xuất và xuất khẩu thủy sản. Ngoài ra sẽ có thêm những thách thức khác làm chậm khả năng hồi phục xuất khẩu.

Cụ thể, bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của VASEP cho biết, lạm phát ở các nước lớn đã được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy, nhưng phục hồi chậm, tác động đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản. Xung đột Nga - Ukraina, giao tranh ở Trung Đông và các vấn đề địa chính trị khác trên thế giới chắc chắn làm xáo trộn thương mại toàn cầu trong đó có thủy sản. "Hệ lụy không chỉ là chi phí vận tải tăng, các giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng mà còn có thể gây ra cơn lốc lạm phát mới, ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong năm 2024".

Nguồn: ITN

Về thị trường, nhu cầu của Mỹ hồi phục chậm và xu hướng tăng nhập khẩu tôm giá rẻ từ Ecuador. Chưa kể, xuất khẩu tôm sang Mỹ sẽ khó khăn hơn nếu bị áp thuế chống trợ cấp (CVD). Mỹ khởi xướng điều tra chống trợ cấp với tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam từ tháng 11.2023 và vụ việc đang trong giai đoạn trả lời bảng câu hỏi điều tra. Dự kiến sau giai đoạn trả lời bảng câu hỏi, Mỹ sẽ ban hành kết luận sơ bộ, tiến hành thẩm tra tại chỗ với Chính phủ và doanh nghiệp, tổ chức phiên tham vấn công khai trước khi ban hành kết luận cuối cùng (vào tháng 5.2024 nếu không gia hạn). Với thị trường Trung Quốc, tuy nhu cầu phục hồi mạnh hơn, nhưng trả giá thấp, khó cạnh tranh.

Cũng theo bà Lê Hằng, ngành tôm sẽ tiếp tục phải cạnh tranh với Ecuador và Ấn Độ về giá và nguồn cung. Tình trạng dư cung có thể vẫn tiếp diễn tới nửa đầu năm, khi sản lượng tôm thế giới năm 2024 sẽ tăng 4,8% lên 5,9 triệu tấn. Hiện tại, Ecuador và Ấn Độ đang tăng thị phần cả ở Mỹ, Trung Quốc, EU và Nhật Bản, đồng thời tăng xuất khẩu tôm chế biến dù tỷ trọng còn khiêm tốn.

Triển vọng với ngành cá tra có vẻ tích cực hơn khi tồn kho tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc, EU không còn là vấn đề và giá xuất khẩu được cho là sẽ tăng trở lại ở các thị trường.

Với các mặt hàng hải sản, thẻ vàng IUU tiếp tục là thách thức, nếu không tháo gỡ được trong năm 2024 sẽ khiến xuất khẩu sang EU đình trệ và những ngành hàng như cá ngừ, mực, bạch tuộc, cá biển sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Yếu tố thuận lợi cũng đã xuất hiện

Nhìn chung, xuất khẩu thủy sản được dự báo sẽ hồi phục dần trong năm 2024 và khả quan hơn vào nửa cuối năm. “Với sự thích nghi, điều chỉnh bối cảnh thị trường, dự đoán các doanh nghiệp thủy sản sẽ giúp doanh số xuất khẩu của ngành hồi phục trở lại mức 9,5 tỷ USD - 10 tỷ USD năm 2024. Trong đó, ngành tôm hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 1,9 tỷ USD, còn lại là các mặt hàng hải sản dự báo thu về khoảng 3,6 - 3,8 tỷ USD”, Giám đốc truyền thông của VASEP cho biết.

Tại hội nghị ngành hàng cá tra Việt Nam mới đây, bà Trần Thị Hoàng Thư, Giám đốc khối kinh doanh Công ty CP Vĩnh Hoàn - đơn vị xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam, cho biết, thời điểm này đang có một số tín hiệu tích cực về mặt thị trường cho cá tra. Đầu tiên, khách hàng từ các thị trường nhập khẩu đang quan tâm nhiều hơn đối với sản phẩm này.

Đặc biệt, tháng 11 vừa qua, EU thông qua quy định mới, theo đó, cá minh thái và cá tuyết (loại thủy sản cạnh tranh trực tiếp với cá tra Việt Nam) nếu xuất xứ từ Nga thì dù được sản xuất ở Trung Quốc cũng sẽ bị áp thuế 13,7% khi bán vào EU chứ không được tiếp tục hưởng ưu đãi thuế 0% nữa. Bên cạnh đó, Quốc hội Mỹ đang xem xét đạo luật cấm hoàn toàn cá thịt trắng và thủy sản có nguồn gốc từ Nga nhập khẩu vào Mỹ.

Đây là cơ hội cho ngành hàng cá tra Việt Nam trong năm mới 2024. Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra phụ thuộc nhiều vào các yếu tố về khôi phục nhu cầu của người dùng, nhưng với những tín hiệu nêu trên có thể kỳ vọng năm 2024 ngành cá tra sẽ tốt lên, bà Thư nói.

Trong ngành tôm, các công ty xuất khẩu hàng đầu cũng đang triển khai nhiều hoạt động nhằm sẵn sàng đón đầu cơ hội khi thị trường khởi sắc trở lại. Trong đó, Thực phẩm Sao Ta đang dồn lực phát triển tại thị trường Nhật Bản nhằm tránh cạnh tranh về giá trực tiếp với Ecuador tại thị trường Mỹ. Bên cạnh đó, vùng nuôi mới rộng 203ha của Thực phẩm Sao Ta đã được cấp chứng nhận ASC, giúp mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu vào thị trường Tây Âu. Đối với Thủy sản Minh Phú, dự kiến nhà máy mới Minh Phát sẽ hoàn thiện và đi vào hoạt động trong năm 2024, giúp nâng tổng sản lượng tôm sản xuất lên 62.220 tấn. Ngoài ra, hai dự án nhà máy khác của Thủy sản Minh Phú là Nhà máy Minh Quý và Nhà máy Minh Phú với tổng công suất thiết kế khoảng 30.000 tấn thành phẩm/năm dự kiến sẽ được hoàn thiện và đi vào hoạt động vào giữa năm 2025 - 2027.

Tiểu Phong

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/thuy-san-se-tro-lai-cau-lac-bo-xuat-khau-tren-chuc-ty-do--i356963/