Thụy Điển vượt qua rào cản cuối cùng trong nỗ lực gia nhập NATO

Quốc hội Hungary hôm 26/2 (giờ địa phương) đã bỏ phiếu chấp thuận đề nghị gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển, dọn đường cho quốc gia Bắc Âu này gia nhập liên minh sau gần hai năm đàm phán căng thẳng.

Nhận được sự chấp thuận của quốc hội Hungary là rào cản cuối cùng để Stockholm gia nhập NATO. Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson đã đến thăm Budapest tuần trước để thảo luận về hợp tác quốc phòng và an ninh với người đồng cấp Hungary Viktor Orban. Hai bên dường như đã hòa giải, đồng ý về một thỏa thuận theo đó Hungary sẽ mua 4 máy bay chiến đấu Gripen mới do Thụy Điển sản xuất.

Trong số 194 thành viên quốc hội đã bỏ phiếu, chỉ có 6 người phản đối việc Thụy Điển gia nhập.

“Hôm nay là một ngày lịch sử. Thụy Điển sẵn sàng gánh vác trách nhiệm của mình đối với an ninh Châu Âu-Đại Tây Dương” - thủ tướng Kristersson tuyên bố trên mạng xã hội X ngay sau cuộc bỏ phiếu.

Tại một cuộc họp báo ở Stockholm, Kristersson lưu ý “Thụy Điển đang bỏ lại phía sau 200 năm trung lập và không liên kết. Đó là một bước tiến lớn và cần phải thực hiện nghiêm túc nhưng đó cũng là một bước đi rất tự nhiên mà chúng tôi thực hiện. Tư cách thành viên NATO có nghĩa là giờ đây chúng ta trở thành nơi có sự hợp tác của nhiều nền dân chủ vì hòa bình và tự do. Một sự hợp tác rất thành công” - Kristersson nói.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg xác nhận Thụy Điển sẽ trở thành thành viên của khối khi tất cả các đồng minh đã chấp thuận nỗ lực gia nhập của họ. Ông nói: “Tư cách thành viên của Thụy Điển sẽ khiến tất cả chúng ta mạnh mẽ hơn và an toàn hơn”.

Với việc Thụy Điển gia nhập, NATO sẽ có 32 quốc gia trong số các thành viên của mình. Năm ngoái, Phần Lan đã trở thành thành viên thứ 31 của NATO, bổ sung thêm khoảng 1.300 km (830 dặm) vào biên giới của liên minh này với Nga.

Các quốc gia thành viên NATO hiện nay

Với tư cách là các quốc gia NATO, Phần Lan và Thụy Điển sẽ được hưởng sự bảo vệ theo Điều 5 của hiệp ước thành lập liên minh - trong đó quy định rằng một cuộc tấn công vào một thành viên được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả.

Thụy Điển và Phần Lan tuyên bố ý định tham gia liên minh nhằm đáp trả việc Nga tấn công Ukraine, từ bỏ chính sách không liên kết kéo dài hàng thập kỷ vốn đã xác định quan hệ đối ngoại của cả hai quốc gia trong Chiến tranh Lạnh.

NATO có chính sách mở cửa, nghĩa là bất kỳ quốc gia nào cũng có thể được mời tham gia nếu quốc gia đó bày tỏ sự quan tâm cũng như có khả năng và sẵn sàng duy trì các nguyên tắc của hiệp ước thành lập khối.

Tuy nhiên, theo quy định gia nhập, bất kỳ quốc gia thành viên nào cũng có thể phủ quyết việc một quốc gia mới gia nhập. Trong khi hầu hết các thành viên NATO nhanh chóng chấp thuận đơn đăng ký của Phần Lan và Thụy Điển, thì Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ lại trì hoãn một thời gian.

Quốc hội Hungary bỏ phiếu cho Thụy Điển gia nhập NATO

Những lo ngại như vậy đã khiến EU đóng băng khoản tiền trị giá hàng tỷ đô la dành cho Hungary cho đến khi những lo ngại đó được giải quyết. Orban và chính phủ của ông đã nhiều lần phủ nhận rằng họ đã vi phạm các quy định của EU.

Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đều có lập trường mềm mỏng hơn đối với tư cách thành viên của Phần Lan và chấp thuận đơn đăng ký của Phần Lan vào tháng 3 năm ngoái. Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã chấp thuận sự gia nhập của Thụy Điển vào tháng trước, sau khi Stockholm thắt chặt luật chống khủng bố và cam kết hợp tác chặt chẽ hơn với Thổ Nhĩ Kỳ về các vấn đề an ninh.

Anh Duy

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/thoi-su-quoc-te/thuy-dien-vuot-qua-rao-can-cuoi-cung-trong-no-luc-gia-nhap-nato_159315.html