Thường xuyên giật mình khi ngủ có nguy hiểm không?

Giật mình khi ngủ có thể làm gián đoạn giấc ngủ của bạn. Kiểm soát một số yếu tố có thể giảm thiểu nguy cơ gặp tình trạng này.

Bạn đã bao giờ gặp tình trạng sắp chìm vào giấc ngủ và cảm thấy bị ngã, hụt chân, sau đó giật mình tỉnh giấc? Điều này được gọi là cơn giật thôi miên (giật mình khi ngủ).

Giật mình khi ngủ là sự co giật không tự chủ của một hoặc nhiều cơ xảy ra khi một người chìm vào giấc ngủ. Tình trạng này có xu hướng xảy ra ở giai đoạn 1 hoặc 2 của giấc ngủ và biến mất ở giai đoạn 3, tức là giấc ngủ chuyển động mắt nhanh. Nói cách khác, chúng xảy ra khi một người chuyển từ trạng thái thức sang trạng thái ngủ.

Sức mạnh của cơn giật mình khi ngủ có thể nhẹ ở mức mà người đó không hề cảm nhận thấy, chỉ những người xung quanh mới nhận ra. Hoặc cơn giật cũng có thể đủ mạnh để khiến người đó giật mình và đánh thức họ.

1. Dấu hiệu giật mình khi ngủ

Cơn giật thôi miên hay giật mình khi ngủ ở mỗi người là khác nhau. Đôi khi các cơn co thắt đủ để khiến bạn sợ hãi, và những lần khác bạn sẽ chìm vào giấc ngủ ngay cả sau khi bị giật mình. Các dấu hiệu của hiện tượng co giật này bao gồm:

- Cơ bị giật hoặc co thắt, chẳng hạn như ở chân

- Cảm giác bị rơi

- Giấc mơ khiến bạn bị ngã hoặc giật mình

- Nhịp tim tăng lên khi bạn thức dậy

- Kiểu thở nông khi bạn thức dậy

Cảm thấy hụt chân hoặc rơi xuống có thể khiến bạn gặp hiện tượng giật mình khi ngủ (Ảnh: Internet)

Cảm thấy hụt chân hoặc rơi xuống có thể khiến bạn gặp hiện tượng giật mình khi ngủ (Ảnh: Internet)

2. Nguyên nhân gây ra tình trạng giật mình khi ngủ

Hiện tại cũng không rõ nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng này. Chúng là phản ứng bình thường của cơ thể và không gây hại gì. Tình trạng này có thể do hiện tượng kích thích sai giữa các dây thần kinh trong thân não dạng lưới, tạo ra phản ứng dẫn đến giật mình khi ngủ.

Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ giật mình khi ngủ như:

- Sử dụng chất kích thích

Các chất kích thích như caffeine và nicotin sẽ đánh thức não của bạn. Những chất này cũng có thể tồn tại trong cơ thể bạn trong vài giờ, làm gián đoạn giấc ngủ. Trong một nghiên cứu, những người ngừng uống cà phê 6 giờ trước khi đi ngủ vẫn khó ngủ. Dùng quá nhiều caffeine hoặc nicotin hoặc tiêu thụ những chất này quá gần giờ đi ngủ có thể dẫn đến hiện tượng giật cơ.

- Tập thể dục cường độ mạnh vào buổi tối

Tập thể dục thường xuyên đã được chứng minh là cải thiện chất lượng giấc ngủ và đem lại nhiều lợi ích sức khỏe khác. Tuy nhiên, điều quan trọng là tập thể dục là một hoạt động mang lại nhiều năng lượng hơn, khiến bạn cảm thấy tỉnh táo hơn thay vì mệt mỏi. Vì lý do đó, tập thể dục quá mạnh vào buổi tối muộn có thể dẫn đến hiện tượng giật cơ.

- Thiếu ngủ

Thiếu ngủ có thể khiến tâm trạng kém và khả năng tập trung kém, đồng thời làm tăng nguy cơ bị giật cơ.

- Căng thẳng và lo lắng

Căng thẳng và lo lắng có thể khiến tâm trí bạn hoạt động ngay cả khi cơ thể bạn đang chìm vào giấc ngủ. Điều này khiến bạn khó thư giãn và làm gián đoạn quá trình chuyển đổi giữa thức và ngủ, có khả năng gây ra hiện tượng giật cơ.

Căng thẳng, thiếu ngủ, sử dụng chất kích thích, tập thể dục mạnh vào buổi tối có thể làm tăng nguy cơ gặp hiện tượng giật mình khi ngủ (Ảnh: Internet)

Căng thẳng, thiếu ngủ, sử dụng chất kích thích, tập thể dục mạnh vào buổi tối có thể làm tăng nguy cơ gặp hiện tượng giật mình khi ngủ (Ảnh: Internet)

3. Thường xuyên giật mình khi ngủ có nguy hiểm không?

Hiện tượng giật mình khi ngủ có thể gây lo lắng nhưng không nguy hiểm và cũng không phải là dấu hiệu của bất kỳ tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nào. Có tới 70% số người bị giật cơ khi ngủ.

Trong một vài trường hợp, hiện tượng này chỉ có thể gây gián đoạn giấc ngủ của bạn. Lúc này, nếu để tình trạng xảy ra lâu ngày, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi do thiếu ngủ hoặc chất lượng giấc ngủ kém.

Khi nào cần khám bác sĩ khi bị giật mình khi ngủ?

Thông thường, giật mình khi ngủ thường vô hại và bạn không cần phải thăm khám. Tuy nhiên, nếu gặp một số triệu chứng sau, bạn nên đến bệnh viện thăm khám:

- Vào ban ngày, bạn gặp phải nhiều cơn co thắt dai dẳng ở cơ và lan sang các bộ phận khác trên cơ thể, bạn có thể đang gặp phải một loại rung giật cơ khác.

- Bạn gặp phải những kiểu chuyển động giật khác trong khi ngủ ngoài những cơn giật do thôi miên khi bạn chìm vào giấc ngủ, thì đó có thể là triệu chứng của chứng rối loạn cử động chân tay định kỳ.

- Tình trạng giật cơ khiến bạn tỉnh giấc và khó đi vào giấc ngủ, dẫn tới tình trạng mệt mỏi, uể oải trong ngày.

4. Cách phòng tránh tình trạng giật mình khi ngủ

Giật mình khi ngủ cũng có thể là phản xạ bình thường của cơ thể nên khó có thể loại bỏ hay phòng ngừa. Tuy nhiên, bạn có thể giảm tần suất và cường độ của chúng, đồng thời cải thiện giấc ngủ của mình bằng một số cách:

- Xây dựng thói quen ngủ tốt

+ Đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, kể cả cuối tuần

+ Đặt nhiệt độ phòng ngủ của bạn ở khoảng 25-26 độ C

+ Giữ cho phòng ngủ tối và yên tĩnh, có thể sử dụng rèm để cản sáng

+ Ngừng sử dụng thiết bị điện tử ít nhất 1 giờ trước khi đi ngủ

- Giữ tinh thần thoải mái

Trước khi đi ngủ bạn nên giữ tinh thần thoải mái, thư giãn bằng cách tập yoga, thiền, thở sâu, đọc sách, nghe nhạc,...

- Tránh dùng caffeine

Caffeine có thể mang lại một số tác dụng tăng cường năng lượng và sự tỉnh táo vào ban ngày, nhưng tiêu thụ quá nhiều, đặc biệt là vào cuối ngày, có thể cản trở khả năng ngủ ngon của bạn. Do vậy, bạn nên tránh tiêu thụ hơn 400 miligam mỗi ngày và lên lịch uống tách cà phê cuối cùng ít nhất 8 giờ trước khi đi ngủ.

- Tránh Nicotine và rượu

Như đã đề cập, nicotine và rượu có thể làm tăng nguy cơ giật mình khi ngủ do ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ vì chúng làm giảm khả năng thư giãn của não vào ban đêm. Vì vậy, bạn nên tránh sử dụng các chất kích thích này.

Nguồn: Medicalnewstoday, Sleepfoundation

Vân Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/thuong-xuyen-giat-minh-khi-ngu-co-nguy-hiem-khong-20240522143901543.htm