Thượng úy quân đội hoãn đám cưới, sang Thổ Nhĩ Kỳ cứu trợ

Những người lính 'Bộ đội cụ Hồ' đã chuẩn bị sẵn sàng tâm thế và một hành trang vững vàng trước khi lên đường vì sứ mệnh nhân đạo quốc tế cao cả.

Tối 12/2, đoàn QĐND Việt Nam thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn đã có mặt tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài để làm thủ tục sang Thổ Nhĩ Kỳ. Đoàn khởi hành vào lúc 22 giờ, dự kiến chuyến bay sẽ kéo dài 11 tiếng và hạ cánh xuống thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

76 cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam lên đường nhận nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ, mỗi người một câu chuyện, một hoàn cảnh nhưng trên tất cả các anh đều đồng lòng, quyết tâm và cảm thấy tự hào khi thực hiện nghĩa vụ cao cả.

Đó là câu chuyện của Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Kiều Đức Toàn - người lính công binh đã hoãn đám cưới để cùng đồng đội lên đường vì sứ mệnh quốc tế cao cả.

Chiến sỹ Kiều Đức Toàn (thứ hai, từ trái sang) cùng đồng đội chuẩn bị trang thiết bị.

Dù đây không phải lần đầu tiên chiến sĩ QĐND Việt Nam vì thực hiện nhiệm vụ mà tạm gác lại chuyện trăm năm của mình, nhưng câu chuyện tình yêu đẹp của cặp đôi quân nhân luôn khiến nhiều người xúc động. Hậu phương vững chắc luôn là chỗ dựa, là nguồn sức mạnh tinh thần để những người lính càng thêm mạnh mẽ trước mọi khó khăn, thử thách.

Chị Nguyễn Thị Yến (Thạch Thất, Hà Nội) bùi ngùi tâm sự: "Em xem bản tin thời sự thấy nói thời tiết ở bên đấy đang rất lạnh, em đã dặn anh ấy là phải mặc ấm, ăn uống đầy đủ. Đề phòng cúm, ho... em cũng chuẩn bị cho anh một số thuốc đơn giản rồi".

Quyết định hoãn đám cưới của đôi bạn trẻ nhận được sự ủng hộ của cả hai bên gia đình. Khi được thông báo chồng sắp cưới chuẩn bị sang thực hiện nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ, với chị Yến, lớn hơn cả cảm giác hụt hẫng vì hôn lễ dự định được tổ chức vào ngày 27/2 tới phải hoãn lại, là cảm giác lo lắng. Nhưng rồi, chị lại bắt tay ngay vào chuẩn bị tư trang, đồ dùng cho anh.

Từ lúc yêu, rồi quyết định gắn bó cuộc đời mình với một chàng quân nhân, chị Yến thường tự nhủ rằng mình sẽ luôn dành cho anh tình yêu và sự ủng hộ lớn nhất, để anh yên tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Anh chị chia sẻ những lời dặn dò yêu thương trước ngày lên đường, tuy xa cách về địa lý và thời gian nhưng trái tim của họ sẽ luôn gần bên nhau.

Ông Kiều Văn Trọng (huyện Thạch Thất, Hà Nội) - bố của chiến sĩ Kiều Đức Toàn chia sẻ: "Vợ chồng tôi cũng động viên con gái và con rể cố gắng hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và quân đội giao cho, dù rằng hạnh phúc của bản thân mình có chậm đi đôi ba chút, nhưng cứu giúp người là trên hết. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ về thì hai bên bố mẹ cùng đơn vị sẽ tổ chức hạnh phúc trăm năm cho các con".

Sẵn sàng làm xuyên đêm, xuyên giá lạnh

Đội Công binh là lực lượng nòng cốt của đoàn QĐND Việt Nam tham gia vào công tác cứu hộ, cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ lần này. Quân số 30 người gồm 5 sĩ quan, 25 quân nhân chuyên nghiệp, các anh đều là những quân nhân có lập trường chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn giỏi, sức khỏe tốt; nhiều người đã được đào tạo tiếng Anh, đã từng tham gia cứu hộ, cứu nạn...

Chuyến công tác cứu hộ, cứu nạn lần này đội được biên chế nhiều trang bị, khí tài, thiết bị công binh hiện đại gọn nhẹ, tiện cơ động, chuyên dụng cho công tác cứu hộ, cứu nạn, như: Bộ dò tìm tổng hợp Seachcam 3000; ra đa xuyên đất; bộ dò tìm Trotsky; bộ cứu hộ thủy lực Weber...) cùng các vật chất bảo đảm sinh hoạt.

Đội Công binh - lực lượng nòng cốt tham gia vào công tác cứu hộ cứu nạn.

Thiếu tá Lê Đức Tài, Tiểu đoàn 93, Binh chủng Công binh cho biết, trong đợt cứu trợ này, đơn vị đã mang theo bộ dò tìm tổng hợp, sử dụng phát hiện nạn nhân ở trên cạn cũng như ở dưới nước. Camera mắt rắn đưa vào vị trí mà nạn nhân nằm trong những ngách nhỏ, hẹp sâu.

Ngoài ra, đơn vị cũng mang theo thiết bị có thể phát hiện cảm biến được nhịp tim cũng như chuyển động của nạn nhân vào khoảng cách 18m. Cùng với đó là bộ kích mềm, kích hơi sử dụng để kê kích những tấm cấu kiện bê tông, có thể đưa nạn nhân ra ngoài. Các thủy lực dùng để kích cấu kiện bê tông với trọng tải 15 tấn.

Thượng úy Nguyễn Đức Nhất, Tiểu đoàn 93, Binh chủng Công binh chia sẻ: "Hành trang của chúng tôi trước hết có một chiếc áo bông 2 lớp, có in hình lá cờ Tổ quốc trước ngực. Để giữ ấm đầu, chúng tôi được trang bị mũ bông và mũ len; ngoài ra chúng tôi còn được trang bị những bộ áo giữ nhiệt; quá trình thực hiện nhiệm vụ mang vác vật nặng thì có đôi găng tay chuyên dùng và kính chống bụi".

Các chiến sĩ cũng được trang bị những đôi ủng chuyên dụng có thể chống nước, chống rét. Tâm thế của các chiến sĩ là sẵn sàng ngủ ngoài trời, làm việc xuyên đêm, xuyên giá lạnh để làm sao có thể nhanh chóng cứu được các nạn nhân đang mắc kẹt trong đống đổ nát.

Trần Thường

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thuong-uy-quan-doi-hoan-dam-cuoi-sang-tho-nhi-ky-cuu-tro-2109462.html