Thượng tướng Hoàng Minh Thảo: Một tình yêu chân thành, giản dị

Trong cuộc đời cầm quân của mình, có hai thời điểm mà Thượng tướng Hoàng Minh Thảo tự hào và nhớ mãi: Đó là tháng 10 năm 1945 nhận lệnh Bác Hồ và anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) làm Tư lệnh Chiến khu 3 thay tướng Nguyễn Bình vào Nam, và năm 1948 về Quân khu 4 giữ chức Tư lệnh thay tướng Nguyễn Sơn.

Đảm nhận chức vụ của hai vị tướng huyền thoại ở những địa bàn chiến lược quan trọng lúc còn tuổi thanh xuân, chứng tỏ Bác Hồ và Đại tướng Tổng tư lệnh rất tin vào tài năng quân sự của ông.

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo tên thật là Tạ Thái An, sinh năm Tân Dậu (1921) ở làng Bảo Khê (huyện Kim Động, Hưng Yên) trong gia đình bố là thợ may, mẹ buôn bán nhỏ. Tuổi thơ của ông trải qua nhiều biến cố của đất nước và gia đình: Vì có cảm tình với Quốc dân đảng của Nguyễn Thái Học nên sau khi nhà yêu nước này bị bắt, bố ông mang ông - người con duy nhất của gia đình-lên Tràng Định (Lạng Sơn) làm ăn và để tránh sự dòm ngó của mật thám Pháp. Năm 1935, khi ông 14 tuổi và đang học ở trường Thăng Long (Hà Nội) thì người mẹ thân yêu của ông qua đời. Người bố, như người đời thường nói, ở vậy “gà trống nuôi con” cho đến năm 1947 cũng lâm bệnh rồi mất.

Tuổi thơ và tuổi thanh xuân của Hoàng Minh Thảo đã khắc dấu vào tính cách sau này. Ông ảnh hưởng tính độc lập, tự chủ, quyết đoán trong công việc của người cha và tình yêu thương con người của người mẹ, một phụ nữ lam làm vùng quê Bắc bộ.

 Bộ chỉ huy chiến dịch Bắc Tây Nguyên họp bàn kế hoạch tác chiến. Đồng chí Hoàng Minh Thảo (ngoài cùng bên phải). Ảnh tư liệu

Bộ chỉ huy chiến dịch Bắc Tây Nguyên họp bàn kế hoạch tác chiến. Đồng chí Hoàng Minh Thảo (ngoài cùng bên phải). Ảnh tư liệu

Học trường Thăng Long, được giáo dục lòng yêu nước của những thầy giáo nổi tiếng, trong đó có thầy giáo Võ Nguyên Giáp, ra trường ông về Tràng Định tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1941, Bác Hồ cử ông cùng với các đồng chí Hoàng Văn Thái, Nam Long, Đàm Quang Trung, Vũ Lập, Thanh Phong đi học Trường quân sự ở Đệ tứ chiến khu (Liễu Châu-Trung Quốc), một phân hiệu của Trường quân sự Hoàng Phố nổi tiếng. Học xong, ông cùng các đồng chí về nước tham gia Tổng khởi nghĩa năm 1945. Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, ông được cử giữ chức Tư lệnh Chiến khu 3 và cuộc đời binh nghiệp của ông kéo dài cho đến năm 1995, lúc ông rời Viện chiến lược-Bộ Quốc phòng về hưu.

Ông làm tướng lúc còn rất trẻ và nghỉ việc khi đã rất... “già”.

- Hồi còn trẻ mà đã giữ chức vụ cao, chắc có nhiều cô gái mê bác lắm? - Tôi hỏi Thượng tướng khi ngồi trò chuyện tại nhà riêng của ông ở đường Phùng Chí Kiên, con đường nhỏ chạy cạnh Học viện Quốc phòng, nơi ông đã nhiều năm làm Giám đốc.

- Có cô nào đâu! Ông cười khà khà-Lúc đó tôi mới 24 tuổi nhưng nhìn bề ngoài nghiêm lắm, mặt đen, lông mày xếch, râu quai nón rậm rì, dáng quân sự nên cũng khó gần...

Ông nói vậy thôi chứ thực ra, theo nhiều người sống gần ông kể lại, hồi ông làm Tư lệnh Chiến khu 3, có một người con gái rất mến ông. Đó là chị Hoàng Ngân nổi tiếng. Hoàng Ngân sau sự hy sinh oanh liệt của anh Hoàng Văn Thụ-mối tình đầu của chị-đã nén đau thương để tận tâm phục vụ cách mạng cho đến ngày thắng lợi. Rồi nỗi đau nguôi ngoai, chị được Đảng phân công làm Thường vụ Khu ủy Liên khu 3, phụ trách Ban dân vận và phụ vận, thường gặp gỡ chàng Tư lệnh trẻ tuổi tài cao.

- Hoàng Ngân trạc tuổi với tôi. Tôi là Tư lệnh chiến khu, nhưng không phải là khu ủy viên, vì vậy về mặt nào đó, Hoàng Ngân là cấp trên của tôi. Chúng tôi gặp nhau khi họp khu ủy mở rộng, hoặc lúc bàn bạc việc phối hợp công tác giữa phụ nữ với quân sự.

Chính vì quan niệm là cấp trên nên Tư lệnh Hoàng Minh Thảo rất e dè khi tiếp xúc với người con gái nổi tiếng này, cho dù lúc đó nhiều người có ý vun vào.

- Hoàng Ngân giỏi lắm, lý luận chính trị rất sắc sảo, có thể “chọi” lại với cả ông Hoàng Tùng. Vì thế nên tôi có phần hơi... tự ti!

Vợ chồng Thượng tướng Hoàng Minh Thảo lúc sinh thời. Ảnh tư liệu

Vợ chồng Thượng tướng Hoàng Minh Thảo lúc sinh thời. Ảnh tư liệu

Sau này, khi chị Hoàng Ngân về chiến khu Việt Bắc đảm nhiệm chức vụ Bí thư Trung ương Đoàn phụ nữ cứu quốc Việt Nam (nay là Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam) rồi đột ngột lâm bệnh mất, ông vừa tiếc thương, vừa cảm phục người con gái tài sắc vẹn toàn đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho cách mạng.

Chuyện lấy vợ của ông cũng rất bình thường, giản dị như biết bao cán bộ, chiến sĩ ta hồi đó. Đầu năm 1948, có người bạn đến thăm ông mang theo hai tấm ảnh của hai người con gái. Cả hai cô đều khoảng 18, 19 tuổi, rất đẹp, vẻ ngoài đài các của con gái “cành vàng lá ngọc” đất Hà thành. Ngắm đi ngắm lại, ông chọn cô gái trông có vẻ hiền hậu hơn. Đó là nữ sinh mới học xong đệ tứ Vũ Thị Minh Nguyệt, quê ở Bưởi, người bạn đời sau này của ông.

Nhưng bố của Minh Nguyệt lúc đó đang làm Trưởng ty Trước bạ tỉnh Nam Định và cô đang sống cùng bố mẹ ở vùng quê Hải Hậu, nơi cơ quan bố sơ tán. Đường xa cách trở, đất nước lại đang chiến tranh, việc binh bận rộn nên Hoàng Minh Thảo chưa thực hiện được việc tìm gặp ý trung nhân của mình. Cho đến cuối năm 1948, khi vào Khu 4 làm Tư lệnh trưởng đóng quân ở Thanh Hóa, ông mới quyết định gặp bằng được người trong ảnh.

- Một buổi chiều ở vùng quê Hải Hậu, có 5 người đạp xe tìm đến nhà tôi, đi đầu là một thanh niên râu quai nón rậm rì, mắt sáng và sắc, đôi lông mày xếch trông rất dữ tướng. Sau này tôi mới biết đó là anh Hoàng Minh Thảo và những người đi cùng là bí thư riêng, bảo vệ, công vụ - Bà Vũ Thị Minh Nguyệt nhớ lại.

Vốn là con nhà “Danh gia vọng tộc”, lại được giáo dục kỹ lưỡng theo nếp gia phong thời đó, nên chuyện tình duyên của tiểu thư hoàn toàn phó thác vào sự sắp đặt của bố mẹ. Và cũng chính vì thế, vị hôn phu tương lai của Minh Nguyệt, Đại tá Tư lệnh Hoàng Minh Thảo thỉnh thoảng đi công tác có ghé thăm cũng chủ yếu đàm đạo với ông bà chủ nhà, mà rất ít khi nói chuyện với cô.

 Thượng tướng Hoàng Minh Thảo lúc sinh thời. Ảnh tư liệu

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo lúc sinh thời. Ảnh tư liệu

- Thế hồi đó, hai cụ có ủng hộ chàng rể tương lai Hoàng Minh Thảo không?-Tôi hỏi.

- Ủng hộ quá đi chứ. Đã gần 80 tuổi, nhưng bà Nguyệt vẫn rất nhanh nhẹn, sắc sảo, và dấu ấn của một thời thanh xuân đài các vẫn còn đó. -Bố mẹ tôi bảo rằng, Bộ đội Cụ Hồ tất nhiên là người tốt, hoàn toàn tin tưởng để giao phó số phận con gái mình. Còn tôi thì nghe theo lời bố mẹ...

Cuộc viếng thăm cứ thế tiếp diễn, cho đến một hôm, ông rủ bà đi dạo quanh làng rồi về ngồi nói chuyện ở cạnh bờ ao. Ông nói chuyện về trường kỳ kháng chiến, về cuộc sống của ông, của bà sau khi đất nước hòa bình mà không đề cập gì đến chuyện tình yêu. Vốn thông minh và sắc sảo, cô gái đất Hà thành biết rằng ông đang ngỏ lời cầu hôn mình. Từ trong trái tim thiếu nữ, một niềm tin trào dâng dành cho người con trai trông có vẻ dữ tướng nhưng rất hiền lành và chân thành.

- Tôi có cảm tình với ông ấy một phần cũng nhờ tác động của bố mẹ, nhất là mẹ tôi, một người học rộng và rất giỏi giang. Chứ thực ra hồi tôi đi học, giời ơi, nhiều thanh niên hào hoa theo lắm. Cứ lượn đi lượn lại nhà tôi suốt! - Bà Nguyệt cười.

Vài tháng sau đó, đám cưới giữa đôi trai tài gái sắc được tổ chức ở Hà Nam, nơi gia đình nhà gái sơ tán. Gọi là đám cưới, nhưng chỉ làm mấy mâm cơm liên hoan, chẳng mời ai cả. Nhà trai thì không còn bố mẹ, nên vẫn chỉ mấy người thân tín thường đi cùng với Hoàng Minh Thảo đến dự. Đó là đám cưới giản dị như bao nhiêu đám cưới khác của bộ đội thời đó, bởi đất nước đang chiến tranh. Không chụp ảnh, không có hoa, không đưa đón dâu, chú rể vẫn trong bộ quân phục thường ngày vẫn mặc, chân thành và mộc mạc bên cạnh cô dâu “cành vàng lá ngọc”, giống như đám cưới trong “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan.

Cưới nhau xong, bà vẫn ở lại với bố mẹ, còn ông tất nhiên trở lại Thanh Hóa tiếp tục trọng trách của mình. Và cứ thế, bà theo gia đình chạy giặc, lúc thì vào Thanh Hóa, rồi trở lại Nam Định, về Hà Nam, Đồng Văn... Còn ông thì mải việc binh, thỉnh thoảng lần theo địa chỉ người vợ trẻ để về thăm ít hôm. Trường kỳ kháng chiến với những thời khắc hiếm hoi bên nhau cũng đủ để bà sinh cho ông đứa con trai đầu lòng.

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo. Ảnh tư liệu

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo. Ảnh tư liệu

Cuộc tình của họ cứ như vậy, đơn sơ, chân thành và mộc mạc, không còn đâu thời gian để dỗi hờn, để chiều chuộng, để mơ mộng như bao bạn gái của bà.

Chấp nhận làm vợ người lính, tiểu thư đất Hà thành bắt đầu cuộc sống khác. Không thể cứ “bám” theo bố mẹ mãi, chồng lại đi xa, bà bắt đầu đi dạy học ở các vùng sơ tán, rồi tham gia lao động sản xuất với bà con địa phương vừa để nuôi con, vừa “kháng chiến, kiến quốc”. Tính hay lam hay làm của những phụ nữ nông thôn đã giúp bà sau này một mình vừa công tác vừa vun vén nuôi ba con nhỏ chờ ông khi ông khoác ba lô vào chiến trường Tây Nguyên chiến đấu năm 1966 cho đến ngày Đại thắng 30-4-1975. Khi ông đã trở thành vị tướng nổi tiếng, Giám đốc Học viện Quốc phòng, người ta vẫn thấy người phụ nữ nhỏ nhắn này lao động suốt ngày, lúc chăm sóc cây cối, vườn tược, trồng rau, nuôi thỏ, nuôi gà. Bà bảo rằng, do thích lao động nên bây giờ tuổi đã 80 nhưng bà vẫn còn minh mẫn và nhanh nhẹn lắm.

- 60 năm sống với nhau, ngẫm lại thấy vất vả nhưng tự hào. Phúc đức là nhà tôi đi chiến đấu trước hòn tên mũi đạn mà không hề hấn gì. Con cái chúng tôi đều đã trưởng thành, “thằng” thứ hai theo nghiệp bố, đang là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Hà Nội. Ông nhà tôi trông “thô” và nghiêm khắc nhưng hiền lắm, thương con lắm-Bà Nguyệt nói.

Ngồi bên vợ, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo chỉ cười. Khi cười, trông ông thật hiền, thật chân thành. Không những với tình yêu, tình vợ chồng, cha con, mà ông chân thành với mọi người, với đồng chí, đồng đội, như bức trướng mà Học viện Quốc phòng tặng nhân dịp mừng thọ ông 80 tuổi: “Trung thành với Tổ quốc, chân thành với đồng đội”.

Điều đó làm cho ông trở thành một trong những vị tướng được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta yêu quý.

HỒNG SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/thuong-tuong-hoang-minh-thao-mot-tinh-yeu-chan-thanh-gian-di-738480