Thường trực Tỉnh ủy thị sát vùng biển Kim Sơn

Ngày 15/4, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đi thị sát vùng biển Kim Sơn nhằm đánh giá tiềm năng, thế mạnh của vùng ven biển đối với sự phát triển kinh tế - xã hội gắn với nhiệm vụ bảo vệ an ninh, quốc phòng trong thời kỳ mới của tỉnh.

Đoàn công tác nghe đại diện Sở Nông Nghiệp và PTNT báo cáo tiến độ thực hiện dự án tuyến đê Bình Minh IV.

Tham gia đoàn công tác có các đồng chí: Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Việt Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Kim Sơn; lãnh đạo một số sở, ban, ngành và huyện Kim Sơn.

Đoàn đã tiến hành kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua tỉnh Ninh Bình (từ Cầu vượt sông Đáy đến cầu vượt sông Càn); khảo sát thực địa tuyến đê Bình Minh I, II, III, Cống CT11, đê biển Bình Minh IV giai đoạn I; thăm các công trình trên Cồn Nổi.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua tỉnh Ninh Bình nằm trong Quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 18/1/2010, có tổng mức đầu tư là 682,091 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019-2023.

Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng không chỉ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông trong khu vực, hình thành trục đường giao thông chính ven biển để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội mà còn củng cố an ninh quốc phòng, thuận lợi trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, tuyến đường còn giúp kết nối các đoạn tuyến hành lang ven biển đoạn Ninh Bình - Nam Định và Ninh Bình - Thanh Hóa. Đến nay giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành ước đạt 240,097 tỷ đồng/583,881 tỷ đồng, đạt 41,12%.

Lãnh đạo huyện Kim Sơn và Sở Nông nghiệp và PTNT, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã báo cáo về thực trạng quản lý đất đai, dân cư và khai thác nuôi trồng thủy, hải sản cũng như vai trò của vùng ven biển Kim Sơn đối với công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn của tỉnh Ninh Bình.

Theo đó, vùng bãi bồi biển huyện Kim Sơn có tốc độ bồi lắng khoảng 80-100m mỗi năm. Từ năm 1959 đến nay đã có 4 lần quai đê lấn biển từ đê Bình Minh I đến Bình Minh IV, tổng cộng đã lấn biển được 5.027,9ha đất. Cụ thể: Đê Bình Minh I được đắp năm 1959, chiều dài tuyến đê là 7,8 km, quai đê lấn biển được 877,9ha. Đê Bình Minh II được đắp năm 1980, chiều dài tuyến đê 25,2 km, quai đê lấn biển được 2.000 ha. Đê Bình Minh III được đắp năm 1998, chiều dài tuyến đê 15 km, quai đê lấn biển được 1.450 ha. Đê Bình Minh IV: Đang thực hiện dự án từ năm 2018 với chiều dài giai đoạn I là 6,3km (từ đê Bình Minh III đến đường ra Cồn Nổi) với tổng mức đầu tư 480 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện đến nay đạt 95%. Dự kiến đến 30/6/2023 hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng.

Đoàn công tác khảo sát thực địa tuyến đê Bình Minh III.

Đối với các công trình trên Cồn Nổi, Cồn Mờ, theo báo cáo của cơ quan chức năng: Cồn Nổi có diện tích là 30ha phần nổi, tính cả phần chìm là khoảng 1.000ha; hiện đã được Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng kè chống xói lở Cồn Nổi giai đoạn I và giai đoạn II với chiều dài 5km. Hiện nay, Bộ Quốc phòng đang lập dự án đầu tư xây dựng tuyến kè nối từ Cồn Nổi về đến đê Bình Minh IV với kinh phí 698 tỷ đồng.

Cồn Mờ cách Cồn Nổi khoảng 3km hiện đang thực hiện công trình đài quan sát Cồn Mờ với kinh phí 69 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh, tiến độ dự án là năm 2021-2024, hiện đã thi công được khoảng 30% khối lượng.

Từ năm 2017-2019, Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng tuyến đường ra Cồn Nổi với tổng chiều dài tuyến khoảng 5,88km, kinh phí là 467 tỷ đồng.

Đây là các công trình có vai trò quan trọng phục vụ việc phát triển kinh tế biển, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như đảm bảo quốc phòng an ninh từng bước cụ thể hóa Nghị quyết số 11- NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững vùng kinh tế ven biển Kim Sơn, giai đoạn 2022 - 2030 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn phát biểu tại buổi làm việc tại Trạm Biên Phòng Cồn Nổi.

Qua khảo sát thực tế và nghe các đơn vị báo cáo, đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao vị trí, vai trò của vùng ven biển Kim Sơn đối với việc phát triển kinh tế-xã hội gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng trong tình hình hiện nay. Đồng chí nêu rõ: Chúng ta phải xem vùng biển Kim Sơn là nguồn tài nguyên động bởi nơi đây có nhiều lợi thế, trong đó có rất nhiều loại hải sản chất lượng cao như: hàu, ngao, tôm..., các nguồn lợi từ rừng ngập mặn... Chính vì thế, các cấp, ngành cần nhanh chóng hoàn thành quy hoạch chi tiết vùng để thu hút đầu tư đảm bảo khai thác nguồn lợi này theo hướng công nghiệp chế biến kết hợp với du lịch trải nghiệm.

Để có thể phát huy lợi thế của vùng kinh tế biển Kim Sơn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: Tỉnh cần sớm có chủ trương tổ chức lại đơn vị hành chính, tạo không gian phát triển từ Đê Bình Minh II ra đê Bình Minh III và Bình Minh IV (giai đoạn 1). Nghiên cứu để có phương thức quản trị số hóa về dân cư, đất đai theo hình thức cơ động phù hợp với tình hình thực tiễn nhưng đảm bảo cho định hướng phát triển lâu dài. Đây cũng là giải pháp quan trọng để Ninh Bình bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, trật tự an toàn ở địa phương, tham gia tích cực ứng phó với an ninh phi truyền thống theo phương châm quốc phòng an ninh gắn chặt với tạo điều kiện không gian phát triển kinh tế-xã hội.

Với mục tiêu xây dựng vùng kinh tế biển Kim Sơn thành động lực, không gian và cực tăng trưởng mới của tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị cấp ủy, chính quyền và các ngành sớm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11- NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhằm phát triển vùng kinh tế ven biển Kim Sơn gắn với bảo vệ hệ sinh thái khu dự trữ sinh quyển thế giới trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học; bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội... Điều này hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu của Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022, của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sớm đưa Ninh Bình trở thành mắt xích quan trọng trong hành lang kinh tế ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình.

Nguyễn Thơm - Anh Tuấn

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/thuong-truc-tinh-uy-thi-sat-vung-bien-kim-son/d20230415161844324.htm