Thưởng thức nét đẹp văn hóa Khmer Nam Bộ tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam

Ngày 21/10, Lễ hội Sen Dolta với điểm nhấn giới thiệu văn hóa của dân tộc Khmer thông qua chủ đề 'Về với miền Tây qua nét đặc trưng văn hóa Khmer Nam Bộ' được tổ chức tại Làng văn hóa Du lịch các dân tộc Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội).

Thưởng thức nét đẹp văn hóa Khmer Nam Bộ tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam

Chương trình do Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long; Ban Dân tộc TP Hà Nội; Nhà hát Cải Lương Việt Nam; Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số, Đại học Văn hóa Hà Nội; Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long, Câu lạc bộ My Hà Nội và các nhóm nghệ nhân đồng bào dân tộc đang hoạt động hàng ngày tổ chức.

Lễ Sen Dolta có nghĩa là “cúng ông bà”, một trong những ngày lễ lớn trong năm của đồng bào Khmer. Đây là lễ hội bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian, nhằm cúng lễ ông bà tổ tiên, ghi nhớ ơn sinh thành nuôi dưỡng.

Lễ được tổ chức 3 ngày 29, 30 tháng Phah trô bót (tháng 10) và mùng 1 tháng A sooch (tháng 11) Âm lịch Khmer nhằm nhớ đến ông bà tổ tiên và cha mẹ đã khuất gồm nhiều hoạt động như: Tập trung bà con thân thuộc, bạn bè trong phum, sóc để biếu quần áo, bánh trái cho những người có công với dân tộc và làm lễ cầu siêu cho người quá cố; tổ chức liên hoan văn nghệ với bạn bè, hàng xóm thể hiện sự gắn bó thân thích giúp đỡ nhau cùng phát triển.

Tại đây, Ban tổ chức sẽ trưng bày nhiều hình ảnh về các lễ được tổ chức ở chùa Khmer tại Làng; các nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Khmer Nam Bộ thông qua các hiện vật gắn bó với đời sống hàng ngày (niêu, sàng, giỏ, nơm…), trang phục (thường ngày, ngày cưới), tín ngưỡng tôn giáo (kinh viết trên lá buông, bát khất thực, y chu tăng…); trang trí tiểu cảnh thuyền hoa bên cạnh chiếc cầu khỉ, tạo không gian chụp hình cho du khách cũng như gợi nhớ về miền Tây.

Các nghệ nhân sẽ trình diễn dàn nhạc ngũ âm, múa Dù kê, Rôm vông, Xa za van… Đây là những điệu múa đã trở thành niềm cảm hứng cho các nhạc sỹ sáng tác nhiều ca khúc về quê hương Việt Nam. Đồng thời, tại đây sẽ có nhiều gian hàng giới thiệu ẩm thực dân tộc Khmer Nam Bộ với các món ăn, loại bánh cổ truyền như bánh ống, bún nước lèo, bánh Tét…

Đặc biệt, Ban tổ chức giới thiệu bộ sưu tập ảnh “Miền Tây quê tôi” và các ấn phẩm du lịch “5 địa phương, 1 điểm đến”. Trong đó có bộ sưu tập gồm 100 bức ảnh về vùng đồng bằng sông Cửu Long với văn hóa đặc trưng các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm. Điểm nhấn là hình ảnh về chợ nổi – vẻ đẹp riêng có, đặc trưng của miền sông nước Nam Bộ.

Công chúng sẽ được chiêm ngưỡng những hình ảnh đẹp, ấn tượng nhất về những chợ nổi nổi tiếng nhất của xứ miền Tây như: Chợ nổi cái Răng (Cần Thơ), chợ nổi ngã Bảy (Hậu Giang), chợ nổi ngã Năm (Sóc Trăng), chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), chợ nổi Long Xuyên (An Giang), chợ nổi Trà Ôn (Vĩnh Long).

Bên cạnh đó là hình ảnh về vườn trái cây sum xuê trĩu quả; những dòng sông đỏ phù sa đầy ắp tôm cá; cánh đồng thẳng cánh cò bay yên bình của miền Tây sông nước; hoa sen phủ hồng vùng Đồng Tháp Mười; các lễ hội đặc trưng vùng sông nước; chùa Khmer, những cô gái miền Tây xinh đẹp, đảm đang, dịu dàng trong chiếc khăn rằn…

Ngọc Linh (th)

Nguồn MT&CS: http://moitruong.net.vn/thuong-thuc-net-dep-van-hoa-khmer-nam-bo-tai-lang-van-hoa-du-lich-cac-dan-toc-viet-nam/