Thương nhớ những ngày thu theo hương cốm xanh non vào phố

Trong cuộc sống hối hả vẫn có không ít người luôn trông ngóng, muốn cảm nhận hương cốm theo gió thu đem đến sự thanh bình, dịu êm của làng quê nơi chốn thị thành. Trong nỗi nhớ, trong khẩu vị của nhiều người cốm luôn là món ăn tao nhã, sang trọng, đậm hồn Việt.

Hương cốm theo gió thu đem đến sự thanh bình, dịu êm của làng quê nơi chốn thị thành cho người thưởng thức. Ảnh: Vĩnh Nguyên

Hương cốm theo gió thu đem đến sự thanh bình, dịu êm của làng quê nơi chốn thị thành cho người thưởng thức. Ảnh: Vĩnh Nguyên

Tôi sinh ra tại quê lúa Thái Bình, nên ít nhiều hạt lúa cũng để lại trong tôi nhiều xúc cảm… Trong ký ức của tôi, nơi quê nhà không chỉ là ngôi làng nho nhỏ xinh xinh được bao bọc giữa bốn bề là cánh đồng xanh rờn, bất tận, mà trong ký ức trong veo còn có vị thương vị nhớ mùi vị của những hạt cốm non, mà ngoại tôi chắt chiu kỳ công làm cho đứa cháu nhỏ mỗi dịp vào mùa.

Trở về thành phố, trong tâm hồn thơ dại của tôi luôn vẩn vương bóng lưng của ngoại, những trưa hè trốn nhà theo lũ bạn, những buổi tối rong chơi khắp làng với đủ trò tinh quái cùng lũ bạn hồn nhiên nơi thôn dã. Những ký ức xinh xẻo ấy mãi theo tôi, nuôi lớn và tắm mát tâm hồn tôi, khiến tôi luôn muốn được chạm vào và cảm nhận.

May mắn thay, nơi tôi sống tại Thủ đô xinh đẹp vẫn có phong vị của làng trong phố, cũng gần gụi với những nếp sinh hoạt được hòa quyện giữa phố mà vẫn có làng tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy. Nơi đây vẫn còn cánh đồng lúa trải dài, ngay sau ngôi trường cấp 1, 2 tôi theo học, nơi bắt nguồn cảm hứng để nhà văn Tô Hoài viết tác phẩm “Dế mè phưu lưu ký”, nổi tiếng khắp thế giới.

Vì cánh đồng lúa nằm ngay sau trường nên những lúc rảnh và đôi khi trốn tiết, lũ chúng tôi thường trốn ra đùa nghich, cũng thi thoảng ngắt cỏ gà chơi đùa hồn nhiên... chỉ tiếc là không có ngoại làm cho tôi món cốm dẻo ngon, thơm lừng mà tôi thích.

Ngày ấy, làng Vòng tui không xa nơi tôi ở, nhưng trong ký ức của một đứa trẻ đó đã là quãng đường khá dài nên không thể một mình qua làng mua cốm, nên thi thoảng được đi qua, được ngửi và hít hà mùi cốm thật tuyệt. Mỗi dịp như thế, không biết tự lúc nào nỗi nhớ bà, nhớ quê dần hòa trong hương cốm làng Vòng giữa Thủ đô hoa lệ.

Bởi vậy khi nhắc đến cốm Hà Nội, không chỉ riêng tôi mà phần đa mọi người sẽ nghĩ ngay đến cốm làng Vòng, một món ăn mang đậm nét văn hóa của người Hà thành. Cốm là hạt ngọc của đất trời, là thức quà giản dị mà thanh khiết từ lúa nếp hoa vàng, là sự kết tinh của mọi thứ quý báu nhất, tốt đẹp nhất của mọi miền quê bởi cái hương vị mộc mạc giản dị và thanh khiết.

Để làm ra những hạt cốm thơm ngon, dẻo bùi trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, từ những hạt nếp còn đang hình thành, đang ngậm sữa, được cắt về khi hạt thóc mới mây mẩy - rồi ranh, rồi tãi, rồi giã… để cho ra những hạt cốm xanh mướt, mang vị ngòn ngọt của đất, của gió, của nắng, của sương. Khi thưởng thức cốm, phải ăn một cách thanh lịch, nhón từng chút một, nhai nhỏ nhẹ cảm nhận cái hương thơm của đồng quê thật thanh tao.

Sau này khi lớn lên tôi còn biết quanh Hà Nội không chỉ có cốm Vòng, mà cốm Lủ, cốm Mễ Trì, cũng rất nổi tiếng; xa hơn Thái Bình quê tôi cũng có cốm Thanh Hương; vào miền trong còn có cốm hộc Phan Thiết, có cốm nếp Phong Hậu đóng khuôn làm từ gạo nếp, đường cát; cốm dẹp Ba So - Trà Vinh, Sóc Trang, vốn là của người Khơ me, làm bằng loại nếp vừa đỏ đuôi, chưa chín rộ, hạt còn mềm. Rồi còn nhiều loại cốm của người Tày, người Mường, người Thái, người Khơ Mú… cùng bằng lúa nếp với những cách làm khác nhau.

Nếu được hỏi tôi yêu vị cốm nào hơn thì thật khó trả lời, bởi mỗi nơi mỗi vị lại chứa đựng những cảm nhận khác nhau. Nhưng có một điều không thể phủ nhận, đó là mỗi độ thu về, hương vị cốm Hà thành, cứ gợi thương gợi nhớ cho bất cứ ai khi đến với Thủ đô. Vào tiết trời thoảng trong gió nhẹ, miên man theo mùi hoa sữa đầu mùa, ngồi bên Hồ Tây nhâm nhi chút cốm, tâm hồn như thấm tháp từng chút thanh tao hương đồng gió nội quyện trong lòng phố, mới cảm nhận hết cái cái dư vị rẻo thơm, ngọt ngào của những ngày thu nơi phố thị, nhộn nhịp ồn ào nhưng vẫn tao nhã nên thơ.

Thùy Linh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn//thuong-nho-nhung-ngay-thu-theo-huong-com-xanh-non-vao-pho-352028.html