Thương người như thể thương thân

Không chỉ năng động, nhạy bén trong kinh doanh, ông Đào Hoàng Tuấn - hội viên Hội Nông dân xã Viên Bình, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) còn nhiệt tình tham gia các hoạt động thiện nguyện tại địa phương. Những việc làm thiết thực dành cho người nghèo của ông đã lan tỏa trong cộng đồng, giúp nhiều người vươn lên trong cuộc sống.

Vươn lên từ gian khó

Nhắc đến ông Đào Hoàng Tuấn, nhiều người dân ở xã Viên Bình cho biết, ông không chỉ là một nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, mà còn là một người có tấm lòng thiện nguyện, luôn giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Gia đình ông Tuấn có nguồn thu nhập ổn định từ trồng lúa và kinh doanh, xay xát lúa gạo, lợi nhuận hàng năm từ 370 triệu đồng đến khoảng 800 triệu đồng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của gia đình ông cũng giúp tạo việc làm cho 16 lao động ở địa phương với mức thu nhập bình quân từ 4 - 6 triệu đồng/tháng.

Ở tuổi gần 50, ông Tuấn có được cơ ngơi ổn định. Đây là cả quá trình nỗ lực vươn lên trong suốt mấy chục năm qua, bởi ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông, cuộc sống khi nhỏ còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Ông Tuấn kể: “Lúc còn nhỏ, gia đình tôi nghèo lắm, cha mất sớm. Để có tiền trang trải cho gia đình đông anh em, từ nhỏ tôi đã cùng mẹ dậy sớm đi bán bánh hàng ngày”. Sau thời gian chịu khó làm ăn, với số vốn tích lũy và vay thêm, đến năm 2000, ông Tuấn thành lập nhà máy xay xát lúa gạo tại xã Viên Bình. Nhờ nắm bắt thời cơ và nhạy bén trong kinh doanh, hoạt động của nhà máy xay xát lúa gạo ngày càng phát triển, ông Tuấn cũng mua thêm máy móc, thiết bị để dần mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Cũng từ khi có nhà máy, ông Tuấn đã giúp thu mua lúa của nhiều hộ dân ở địa phương khi khó tiêu thụ hay bị thương lái ép giá, bỏ cọc.

Ông Đào Hoàng Tuấn (bìa phải) giới thiệu sản phẩm củi trấu đến lãnh đạo Hội Nông dân xã Viên Bình. Ảnh: THIỆN HẢI

Trong quá trình sản xuất, ông Tuấn còn quan tâm áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường. Đáng chú ý là, sau khi tham quan học hỏi từ địa phương khác, năm 2020, ông Tuấn đầu tư máy ép trấu thành củi. Mô hình này không chỉ giúp bảo vệ môi trường do hạn chế khói bụi và trấu thải ra trong quá trình xay xát lúa mà còn giúp ông có thêm khoản thu nhập từ việc bán củi trấu. Ông Tuấn chia sẻ: “Củi trấu bán được với giá 3.300 đồng/kg. Nếu có trấu nhiều, nhà máy tôi ép được khoảng 40 - 50 tấn củi/tháng, trung bình 1 năm bán được 70 - 80 tấn củi”.

Không chỉ làm ăn có hiệu quả, những kinh nghiệm có được trong mùa vụ hay hoạt động kinh doanh của nhà máy xay xát lúa gạo đều được ông Tuấn chia sẻ cho những người dân xung quanh.

Cuộc sống nên cho đi

Học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ông Tuấn tâm niệm rằng: Học Bác trước hết là học tấm lòng nhân ái, thương người như thể thương thân. Bản thân cũng từng trải qua nhiều gian khó nên ông Tuấn luôn nghĩ đến việc giúp đỡ người nghèo, những trường hợp ốm đau, hoạn nạn. Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại địa phương, nhà máy xay xát lúa gạo phải tạm ngưng hoạt động, ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của gia đình. Tuy nhiên, khi chứng kiến người nghèo càng gặp khó do đại dịch, ông Tuấn và gia đình đã làm bếp ăn hỗ trợ khu cách ly tại thị trấn Lịch Hội Thượng và xã Viên Bình với trên 8.000 suất ăn và các nhu yếu phẩm khác với tổng số tiền trên 500 triệu đồng. Ông đã trực tiếp lái xe tải để chở các phần quà đến tận nhà cho mọi người, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện công tác an sinh xã hội trong mùa dịch. Cũng trong thời điểm này, ông sẵn sàng cho chính quyền địa phương mượn 4 căn nhà để làm nơi cách ly các trường hợp nhiễm Covid-19.

Chứng kiến những mảnh đời bất hạnh, ông Tuấn còn mở trại hòm từ thiện và đứng ra vận động hỗ trợ hòm cho hộ khó khăn khi có người thân qua đời. Từ khi ông mở trại hòm từ thiện, có nhiều cuộc điện thoại gọi đến cho ông vào những đêm khuya hay lúc hừng sáng và cả những ngày Tết để xin được hỗ trợ. Những lúc như thế, ông Tuấn luôn sẵn sàng giúp đỡ. Tính đến nay ông đã những người có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài huyện hơn 50 chiếc hòm từ nguồn kinh phí của gia đình và do ông vận động được từ những nhà hảo tâm. Chia sẻ về những việc đã làm, ông Tuấn cho rằng: “Trong cuộc sống nên cho đi, khi mình giúp những người có hoàn cảnh khó khăn chỉ mong muốn họ có cuộc sống ổn định, sau này có điều kiện thì lại giúp người khác. Người ta có cuộc sống vui vẻ mình cũng vui lây”.

Ghi nhận và biểu dương những đóng góp tích cực cho các phong trào của địa phương, ông Tuấn đã được trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh, huyện và cấp xã. Đồng chí Sơn Phương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Viên Bình cho biết, thời gian qua, Hội Nông dân xã Viên Bình luôn truyên truyền, vận động hội viên nông dân thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Qua đó có nhiều hội viên, nông dân hưởng ứng tham gia bằng những hoạt động trong xây dựng nông thôn mới đến công tác từ thiện. Trong đó, anh Đào Hoàng Tuấn là hội viên tiêu biểu có lối sống giản dị, hòa nhã cùng mọi người và luôn gương mẫu trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, còn tích cực tham gia đóng góp vào các loại quỹ an sinh xã hội tại địa phương, giúp đỡ rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn để vươn lên trong cuộc sống; vận động người thân cùng tham gia xây dựng nông thôn mới.

THIỆN HẢI

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/hoa-no-bon-mua/thuong-nguoi-nhu-the-thuong-than-64388.html