Thương mại Việt Nam-CH Séc tăng 10%

(HQ Online)- Chiều 21-1 tại Hà Nội diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Cộng hòa Séc do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Đại sứ quán Cộng hòa (CH) Séc tại Hà Nội, Liên đoàn Công nghiệp CH Séc tổ chức.

Diễn đàn thu hút sự quan tâm của nhiều DN.

Ông Martin Kuba, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại CH Séc cho biết, CH Séc nằm trong số những bạn hàng lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Đông Âu. Theo số liệu năm 2012, trao đổi thương mại hai chiều đạt 242,1 triệu USD, tăng 10,1% so với năm 2011 và là mức cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang CH Séc khoảng 180 triệu USD, ở mức xấp xỉ kim ngạch 2011. Tuy nhiên nhập khẩu từ Cộng hòa Séc lại tăng khá ấn tượng với mức tăng 70%, đạt 62,02 triệu USD so với 37 triệu USD của năm 2011.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang CH Séc bao gồm dệt may, giầy dép, thủy sản, máy móc, thiết bị, dụng cụ, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc, phương tiện vận tải… Từ năm 2011 có thêm mặt hàng điện thoại và linh kiện trong số những mặt hàng xuất khẩu chính. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ Séc bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, sản phẩm từ sắt thép…

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, những năm gần đây, quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và CH Séc có mức tăng trưởng ổn định, kể cả trong năm 2012 khi Việt Nam và các nước Châu Âu vẫn đang phải gánh chịu những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế. Không chỉ tổng kim ngạch mậu dịch giữa hai nước vẫn đặt mức tăng trưởng nhẹ, về hợp tác đầu tư, tính đến 15-12-2012, CH Séc có 27 dự án đầu tư vào Việt Nam với số vốn đăng ký là hơn 65 triệu USD, tập trung vào các dự án thủy tinh pha lê, bia, thiết bị điện, chế biến, cao lanh, vật liệu xây dựng và các lĩnh vực thế mạnh của CH Séc như là năng lượng, giao thông...

Theo phân tích của VCCI, mặc dầu quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai cộng đồng doanh nghiệp vẫn tăng trưởng khá đều đặn qua các năm, nhưng cần phải nói rằng kim ngạch thương mại song phương chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của nền kinh tế giữa hai nước. “Với cơ chế kinh tế linh hoạt, Việt Nam có thể là một cầu nối tốt để hàng hóa của CH Séc có thể vào thị trường các nước ASEAN. Ngược lại Séc cũng sẽ là đối tác quan trọng, là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam xâm nhập vào Liên minh Châu Âu”- ông Lộc khẳng định.

Theo nhận định của các chuyên gia tại diễn đàn, những thế mạnh cơ bản và cũng là điểm hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam đối với các doanh nghiệp CH Séc là sự ổn định về chính trị của Việt Nam. Đây là một nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nước ngoài.

Một DN Séc tại Diễn đàn cho biết, pháp luật của Việt Nam ngày càng hoàn thiện, phù hợp với thông lệ quốc tế và hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện. Cùng với đó, mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt Nam-Séc và sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao hai nước ngày càng sâu sắc và toàn diện là những yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác đầu tư.

Trong tiến trình hội nhập, Việt Nam luôn chú trọng tăng cường quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, trong đó có CH Séc. Một sự kiện nổi bật trong năm 2012 là việc Bộ Công Thương Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công Thương CH Séc tổ chức thành công Khóa họp lần thứ 3 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-CH Séc về hợp tác kinh tế vào tháng 6-2012 tại Praha.

Khóa họp đã đánh giá tổng thể kết quả hợp tác kinh tế giữa hai nước trong thời gian qua, chỉ ra những nguyên nhân thành công và hạn chế, từ đó đề ra các định hướng và nội dung hợp tác kinh tế giữa hai nước trong những năm tới.

Tại khóa họp, hai bên đã khẳng định quyết tâm cùng nhau đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước lên một tầm cao mới, tương xứng hơn với tiềm năng và truyền thống hữu nghị giữa hai nước. Việc triển khai các nội dung của biên bản Khóa họp đang được hai nước tích cực tổ chức thực hiện.

Huyền Bảo

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nang-tam-hop-tac-dau-tu.aspx