Thương mại khí đốt bị sứt mẻ, châu Âu nhanh tay 'chữa cháy', Nga đang ôm 'bom hẹn giờ'

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã chia cắt Moscow khỏi châu Âu - thị trường xuất khẩu khí đốt lớn nhất của nước này. Vậy Nga - quốc gia có trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới - đã làm gì với lượng khí dự trữ đó?

Một giàn khoan khí đốt trên mỏ dầu, khí đốt và khí ngưng tụ tại Nga. (Nguồn: Bloomberg)

Năm 2021, Nga đã bơm khoảng 150 tỷ m³ khí đốt qua đường ống tới châu Âu. Con số này đáp ứng đủ mức tiêu thụ tổng hợp hàng năm của Đức, Pháp và Áo. Châu Âu chiếm 2/3 lượng khí đốt xuất khẩu của Moscow, bao gồm cả dòng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine làm sứt mẻ nghiêm trọng hoạt động thương mại đó, Moscow đã tìm kiếm các thị trường mới và tích cực cung cấp khí đốt cho các khu vực trong nước - những khu vực trước đây chưa từng mua khí đốt của doanh nghiệp nội địa.

Tuy nhiên, đất nước này vẫn dư thừa khoảng 90 tỷ m³ khí đốt qua đường ống. Và lượng khí đốt chảy vào châu Âu sụt giảm đang gây thêm áp lực lên nền kinh tế đang bị trừng phạt nặng nề.

Năm nay, giá khí đốt giảm hơn 50% so với năm ngoái, khiến "túi tiền" nước Nga thêm mỏng. Dầu mỏ và khí đốt đóng góp hơn 1/3 nguồn thu ngân sách trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.

Sản lượng khí đốt đã giảm hơn 13% trong 5 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022. Gazprom, công ty xuất khẩu khí đốt qua đường ống dẫn sang châu Âu, chiếm phần lớn mức giảm đó. Nếu không có Novatek PJSC - nhà sản xuất LNG lớn nhất của Nga - giữ sản lượng ổn định và Rosneft PJSC - bơm thêm nguồn cung cho thị trường trong nước - thì sự sụt giảm sẽ nghiêm trọng hơn.

Các nhà lãnh đạo châu Âu cáo buộc Moscow "vũ khí hóa" các dòng khí đốt bằng cách ngừng cung cấp khí đốt cho khu vực để trừng phạt các nước ủng hộ Ukraine.

Kết quả là giá khí đốt đã tăng vọt và châu Âu đã "chữa cháy" bằng cách nhanh chóng lấp đầy các kho lưu trữ khí đốt dưới lòng đất bằng loại khí đốt đắt nhất từng thấy.

Nga tăng tốc xoay trục

Một mùa Đông ôn hòa cũng đã giúp châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng sâu sắc, nhưng đối với Moscow, việc thay thế châu Âu không hề dễ dàng.

Theo dữ liệu của Bộ Tài chính Nga, doanh thu từ khí đốt đã giảm gần 45% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay so với cùng kỳ năm 2022, xuống còn 710 tỷ Ruble (8,3 tỷ USD).

Ông Peter Tertzakian, Giám đốc điều hành của ARC Financial nhận định: “Khi các quốc gia bị trừng phạt, ban đầu sẽ có một khoảng thời gian họ phải vật lộn để thích nghi với tình hình mới. Tuy nhiên, khi các biện pháp trừng phạt càng khó khăn thì quốc gia đó sẽ càng sáng tạo hơn trong việc tìm ra cách vượt qua chúng".

Nga đã tăng tốc xoay trục sang Trung Quốc. Đầu năm nay, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, việc phát triển các cơ sở sản xuất, chế biến và vận chuyển khí đốt ở phía Đông nước Nga - gần biên giới với Trung Quốc - có “tầm quan trọng chiến lược thực sự”.

Tuy nhiên, chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Moscow vào tháng 3/2023 đã không tạo ra được cam kết ngay lập tức từ Bắc Kinh để mua thêm khí đốt của Nga.

Để chuyển hướng sang Trung Quốc, hai bên cần phải xây dựng các đường ống mới để bổ sung cho tuyến đường ống Sức mạnh Siberia (Power of Siberia) bắt đầu hoạt động vào tháng 12/2019.

Các chuyến hàng đến Trung Quốc chỉ là một phần nhỏ trong số các chuyến hàng đến châu Âu trước xung đột. Nhưng những chuyến hàng này đã tăng lên và đang dự kiến sẽ tăng 42% trong năm nay, lên 22 tỷ m³, trước khi tăng lên 38 tỷ m³/năm vào năm 2025.

Trước xung đột tại Ukraine, Gazprom đã ký thỏa thuận với Trung Quốc. Theo đó, công ty năng lượng này sẽ cung cấp thêm 10 tỷ m³ khí đốt hàng năm trong vòng 25 năm, thông qua một đường ống thứ hai được gọi là tuyến đường Viễn Đông.

Theo Moscow, các cuộc thảo luận về dự án Sức mạnh Siberia 2 - dự án sẽ tăng gấp đôi lưu lượng khí đốt của Nga sang Trung Quốc lên gần 100 tỷ m³ - đã “ở giai đoạn cuối” trong nhiều tháng.

Ngay cả khi một thỏa thuận được thống nhất vào cuối năm 2023, thì sẽ mất ít nhất 5 năm để xây dựng đường ống. Điều này chứng minh, Moscow khó thay thế châu Âu trong một sớm một chiều như thế nào.

Ông Vitaly Yermakov, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford nhận thấy: “Trung Quốc dường như không chịu áp lực về thời gian để đàm phán. Trong khi Nga đang ngồi trên một quả bom hẹn giờ".

Vương quốc Anh và các quốc gia Baltic đã cấm hoàn toàn khí đốt của Nga, bao gồm cả LNG. Nhiều chính phủ trong khu vực châu Âu cũng kêu gọi các công ty giảm sự phụ thuộc vào mặt hàng này. Nhưng cho đến nay, một lệnh cấm vận hoàn toàn đối với dòng khí đốt từ Nga vẫn chưa được ban hành.

Dù vậy, không thể phủ nhận, tốc độ mà các thị trường Tây Âu thích ứng với việc cắt giảm khí đốt qua đường ống của Nga đã tác động đặc biệt nặng nề đến Gazprom. Năm 2022, các nước Tây Âu đã cắt giảm sản lượng khoảng 20%, xuống còn 412,6 tỷ m³, mức thấp nhất trong ít nhất 15 năm. Thu nhập ròng của các cổ đông của Tập đoàn này đã giảm hơn 41%, xuống còn 1,23 nghìn tỷ Ruble.

Các nhà lãnh đạo châu Âu cáo buộc Moscow "vũ khí hóa" các dòng khí đốt bằng cách ngừng cung cấp khí đốt cho khu vực. (Nguồn: Anadolu)

"Gõ cửa" khách hàng nội địa

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong ba khách hàng lớn nhất của Tập đoàn Gazprom.

Theo dữ liệu gần đây nhất của Gazprom, xuất khẩu khí đốt qua đường ống của Nga sang nước này đạt gần 27 tỷ m³ vào năm 2021, tăng từ 16,4 tỷ m³ vào năm 2020.

Nga đã đưa ra ý tưởng đưa Thổ Nhĩ Kỳ làm trung chuyển hàng xuất khẩu sang châu Âu. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cũng hoan nghênh ý tưởng tạo ra một trung tâm thương mại ở Thổ Nhĩ Kỳ - nơi khí đốt của Moscow có thể được bán ra thị trường.

Tất cả những lựa chọn nói trên - trung tâm thương mại Thổ Nhĩ Kỳ, thị trường mới ở Trung Á và các đường ống dẫn bổ sung đến Trung Quốc - đòi hỏi cần thêm thời gian. Nga có những lựa chọn hạn chế về việc phải làm gì với khí đốt dự trữ của mình.

Trong bối cảnh này, xuất khẩu LNG của Nga lại là "ngôi sao sáng". Pháp, Bỉ và Tây Ban Nha đã nhập khẩu khối lượng kỷ lục từ Nga vào năm 2022 - một thực tế mà các quan chức châu Âu đang bắt đầu chú ý. Hà Lan và Tây Ban Nha đang thực hiện các bước cấm nhập khẩu LNG từ Nga, nhưng toàn bộ khu vực khó có thể ngừng mua nhiên liệu siêu lạnh từ Moscow.

Năm ngoái, Tổng thống Putin nói rằng: "Bất cứ nơi nào có thể, khí đốt, dù là đường ống hay hóa lỏng, đều phải đến tay người tiêu dùng". Tham vọng của đất nước là nâng tỷ lệ tiếp cận nhiên liệu trong nước lên 83% vào năm 2030, từ mức 73% vào năm 2022.

Trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, đất nước của Tổng thống Putin cũng đã mở rộng mạng lưới khí đốt trong nước. Quá trình này đang được đẩy nhanh trên khắp các lãnh thổ rộng lớn của Nga để thúc đẩy nhu cầu và hỗ trợ sản xuất.

(theo Japan Times, Bloomberg)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thuong-mai-khi-dot-bi-sut-me-chau-au-nhanh-tay-chua-chay-nga-dang-om-bom-hen-gio-233105.html