Thương hiệu xa xỉ bắt tay thời trang nhanh, tiến đến đại chúng hay chỉ để kiếm tiền?

Thời đại đã thay đổi, trước đây các thương hiệu xa xỉ không bao giờ đoái hoài tới các hãng thời trang nhanh, nhưng bây giờ họ lại vui vẻ bắt tay hợp tác với nhau. Có phải động lực là vì tài chính hay sự xa xỉ đang tiến đến đại chúng?

Hàng cao cấp và fast fashion là hai phân khúc vô cùng rõ rệt, tưởng chừng không bao giờ có điểm chung. Nhưng nay chúng ta lại thấy ngày càng nhiều sự hợp tác kiểu như Gucci x Xbox, Mugler x H&M, Uniqlo x JW Anderson...

Khách hàng trung thành của các thương hiệu cho rằng đây là hành động tự đạo nhái, còn những kẻ ngoại đạo thì hồ hởi vì sự xa xỉ đang tiến đến đại chúng và ai cũng có thể sở hữu một chút gì đó đẳng cấp.

Sự cho phép của bối cảnh hiện tại

Đây là thời đại mà các quy tắc đều được nới lỏng, vì vậy mức độ kỳ thị đối với việc copy và các sản phẩm đạo nhái đang trở nên ít gay gắt hơn. Bên cạnh đó, các hãng thời trang nhanh đang có thế mạnh sản xuất và độ phủ sóng tốt. Nên đây là một bối cảnh vô cùng hoàn hảo để các nhà thiết kế nắm bắt cơ hội hợp tác với các thương hiệu bình dân.

Thời đại mới cho phép copy như một hình thức marketing, mở ra cửa ngõ cho sự hợp tác giữa xa xỉ - đại chúng.

Thương hiệu cao cấp nhận được gì từ sự hợp tác này?

Nhiều người cho rằng các thương hiệu cao cấp đang tự hạ thấp tên tuổi của mình. Nhưng các nhà thiết kế tự tin rằng, việc sở hữu một món đồ thời trang thiết kế từ nhãn hiệu xa xỉ là một trải nghiệm không thể sao chép hoàn toàn.

Có nghĩa là bất kì sản phẩm nào được thiết kế, nhưng dễ sở hữu, được bán với giá rẻ ở các cửa hàng phổ thông đều chỉ mang tính thương mại và nâng cao hiểu biết mua sắm. Nó hoàn toàn không mang lại cảm giác thượng hạng và những người sành sỏi luôn có thể phân biệt được.

Mugler x H&M là một ví dụ cho việc hợp tác xa xỉ - đại chúng, mang lại nhiều lợi ích hơn cho tất cả các bên, cùng nhau mở ra một thị trường thời trang hoàn toàn mới và thu hút.

Những người ủng hộ việc hợp tác này hẳn phải tự hiểu là chiếc váy được thiết kế bởi Anna Sui nhưng do nhà máy của hãng bình dân sản xuất, thì nó vẫn có thể bị bong ra khi giặt. Khách hàng không thể kì vọng gì hơn, họ được tận hưởng về mẫu mã nhưng không được cam kết về mặt chất lượng.

Đối với những người kỳ cựu trong lĩnh vực xa xỉ, thì việc hợp tác với một nhà bán lẻ bình dân chỉ là một lối tắt để thúc đẩy nhận diện thương hiệu và thu hút được khách hàng mới.

Vậy nên những khách hàng của các hãng xa xỉ vẫn được đối xử đặc biệt và đồ thiết kế riêng được bán bởi hãng vẫn được phân cấp rõ ràng. Thương hiệu tiếp cận gần hơn với đại chúng mà không phải từ bỏ những giá trị cố hữu của mình. Cái họ bỏ ra chỉ là gu thẩm mỹ và nhận lại là mức độ phủ sóng tốt hơn.

Ái Phương

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/thuong-hieu-xa-xi-bat-tay-thoi-trang-nhanh-tien-den-dai-chung-hay-chi-de-kiem-tien-post1541175.tpo