Thương hiệu vàng miếng: Bên trọng bên khinh

Người cần bán vàng “phi SJC” thì quá nhiều so với người mua, người cần mua vàng SJC lại cũng quá nhiều so với người bán. Chính sự bất cân bằng cung cầu này đã dẫn đến sự chênh lệch giá của vàng “phi SJC” với vàng SJC.

>> Câu chuyện kinh doanh vàng: Bàn về tính pháp lý
>> Giải pháp mới cho thị trường vàng miếng
>> Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng

Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 5 năm 2012. Văn bản này của Chính phủ đã tạo sự quan tâm lớn của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong những ngày qua. Dù còn có nhiều ý kiến khác nhau và dù Nghị định này còn chưa hoàn hảo, nhưng đã có thể thấy là rất cần thiết và đúng đắn, nên được dư luận đồng tình cao. Có nhiều người mừng, cũng có nhiều người lo, và tất nhiên là còn có nhiều vấn đề mới cũng đang nảy sinh.

Mừng hơn cả là Nhà nước đã thể hiện quyết liệt quan điểm vì sự nghiệp chung chứ không vì “nhóm lợi ích” nào trong chuyện này. Một nguyên tắc quan trọng bậc nhất, lẽ ra phải được quy định từ vài chục năm trước, dù hơi chậm, song đã được xác định tại Nghị định này, đó là : “Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng”. Bao nhiêu năm qua, Nhà nước đã để cho một số “nhóm” được làm vàng miếng, và tất nhiên các “nhóm” này đã “kiếm khá” đủ rồi. Nay thì Nhà nước độc quyền làm, nên tất nhiên và bắt buộc, lợi ích từ việc độc quyền này tạo ra, nếu có, sẽ phải thuộc về Nhà nước (của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân như Hiến pháp quy định) chứ không phải là thuộc về một hay một nhóm doanh nghiệp nào đó.

Lo nhất là những người đang giữ các loại vàng “phi SJC”, vì có tin là Ngân hàng Nhà nước sẽ tạm thời lấy nhãn hiệu SJC làm nhãn hiệu vàng miếng độc quyền của Nhà nước. Chỉ một thông tin như vậy cũng đủ cho tất cả những ai đang giữ các loại vàng “phi SJC” như ngồi trên đống lửa. Những ngày vừa qua cho đến lúc này, giá vàng “phi SJC” trên thị trường luôn thấp hơn vàng SJC hàng triệu đồng/lượng. Thật là hết sức vô lý, vì vàng SJC hay “phi SJC”, theo giấy phép sản xuất, đều cùng là vàng (nguyên tố hóa học kim loại, ký hiệu Au) với tỷ lệ Au nguyên chất như nhau. Nếu bây giờ ai có 1 lượng vàng SJC, một lượng vàng “phi SJC”, mà bán ở nước ngoài, thì bán ở đâu người ta cũng mua cùng một giá mà thôi.

Phải khẳng định lại rằng, với cùng tỷ lệ % Au, ví dụ vàng 99,99%, thì dù mang nhãn hiệu nào, cũng có giá trị như nhau trên thế giới. Trên toàn thế giới, giá vàng chỉ thay đổi theo không gian và thời gian. Cùng một nơi và cùng một thời điểm, chỉ có một giá vàng. Trên các bản tin, chỉ có các ví dụ như: Ngày…, tại London, giá vàng là… tại New York, giá vàng là… Chỉ có ở Việt Nam mới có những tin như: Ngày… Tại HN, vàng SJC giá…, vàng PNJ giá… Tại một thời gian và cùng một địa điểm lại có nhiều thứ vàng với giá khác nhau. Đó chính là một trong các sự “loạn” của thị trường vàng mà Nhà nước (bây giờ mới) đang quyết tâm xóa bỏ.

Thị trường sẽ chỉ còn công bố giá của một loại vàng

Sau này, khi Nghị định trên của Chính phủ được thực thi nghiêm túc, trên thị trường sẽ chỉ có một loại vàng miếng của Nhà nước độc quyền sản xuất, nên sẽ không cần phân biệt nó với vàng miếng nào nữa, và nhãn hiệu của nó là gì cũng không quan trọng nữa (Vì cái nhãn hiệu mà ai cũng biết rồi, lại là cái duy nhất, thì người ta không cần nói đến nữa). Lúc đó , chúng ta sẽ thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng sẽ chỉ còn các thông tin như: Ngày…, tại HN, giá vàng là… Tại TPHCM, giá vàng là… như các bản tin hiện nay trên thế giới mà thôi.

Song vấn đề bây giờ là, nhiều người dân do thiếu hiểu biết, đang nắm giữ vàng “phi SJC” đã vội vàng mang bán, còn những ai có tiền định mua vàng, thì đều chỉ muốn mua vàng SJC. Đây chính là nguyên nhân (do tâm lý người dân, không phải do chính sách của Chính phủ), khiến cho cung - cầu của các loại vàng (mà thực chất là cũng một loại vàng với các (vỏ ) nhãn hiệu khác nhau) trở nên quá bất cân bằng. Người cần bán vàng “phi SJC” thì quá nhiều so với người mua, người cần mua vàng SJC lại cũng quá nhiều so với người bán. Chính sự bất cân bằng cung cầu này đã dẫn đến sự chênh lệch giá của vàng “phi SJC” với vàng SJC, chứ không phải là do vàng SJC có chất lượng tốt hơn vàng “phi SJC”.

Do vậy, người dân cần hiểu rõ là, chính sách của Chính phủ không tạo ra sự chênh lệch giá này. Luật pháp đảm bảo quyền tài sản của mọi người dân, và nếu ai đang giữ vàng “phi SJC”, nếu chưa có nhu cầu bán thực sự để lấy tiền dùng vào việc khác thì đừng dại mà bán rẻ lúc này để mua vàng SJC với giá cao hơn. Chính NHNN cũng đã tuyên bố không phân biệt vàng SJC với các loại vàng miếng hợp pháp khác! Chúng ta có đủ cơ sở khoa học và cần phải tin vào tuyên bố này của cơ quan Nhà nước.

Giá trị thực sự của miếng vàng chỉ phụ thuộc vào độ tinh khiết và trọng lượng của nó, còn nhãn hiệu thì sẽ còn thay đổi khi nhà nước thấy cần. Nếu ta có tiền, mà định mua vàng về giữ, thì cốt yếu là hãy mua vàng cho đúng vàng thật là được, không nên câu nệ nhãn hiệu làm gì. Đua nhau bán vàng “phi SJC” và đua nhau mua vàng SJC vào lúc này không phải là quyết định khôn ngoan mà chỉ là hành động theo tâm lý đám đông mà thôi.

Theo quan điểm riêng của người viết, nếu có tiền, bây giờ tôi sẽ gom vàng “phi SJC” về cất đi, vài tháng nữa, chính sách quản lý vàng sẽ ổn định, giá “các loại vàng” sẽ cân bằng, có chênh lệch cũng không đáng kể, thì thế nào cũng thắng đậm. Song tôi không có ý xui ai làm kẻ đầu cơ, vì mọi hoạt động kinh doanh cần phải tuân thủ pháp luật. Đây là một trong các câu chuyện thú vị khác, bởi vì sau khi Nghị định trên của Chính phủ có hiệu lực, thị trường vàng ở nước ta vẫn còn nhiều vấn đề cần phải được quan tâm giải quyết.

Vì vàng đã, đang và sẽ mãi là… vàng.

Trần Văn Sỹ

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/vn/kinh-te/thi-truong/13_286548/thuong_hieu_vang_mieng_ben_trong_ben_khinh.html