'Thương hiệu quốc gia' trên xứ sở chùa Vàng

Đối với người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại Thủ đô Bangkok, Vương quốc Thái Lan, cái tên Phở Vân hay Le Hanoi đã không còn xa lạ. Bởi mỗi khi thèm phở và các món ăn Việt Nam thì đây sẽ là địa chỉ đầu tiên chúng tôi nghĩ đến.

Nét Việt giữa lòng Bangkok

Tại Thái Lan cũng có món “Quấy Tiểu”, còn gọi là phở Thái gồm bánh đa, thịt lợn, chả băm viên, tiết lợn và rau sống cùng nước dùng ngọt lợ. Nhưng nó chẳng thể thay thế được hưởng vị đặc trưng với nước dùng ngọt thanh của món phở Việt.

Nằm trên đường Ramkhamhaeng, quận Bang Kapi, Bangkok, Phở Vân được cô chủ Nguyễn Thị Vân Anh bài trí quán ăn “rất… Việt Nam” với những chiếc nón lá, những bức tranh cô gái đi xe đạp, những phong cảnh thiên nhiên Việt Nam. Biểu tượng quán ăn cũng khá đặc sắc với hình nữ dân quân đội mũ tai bèo, bên cạnh lá cờ đỏ sao vàng. “Tôi là một phụ nữ Việt Nam, rất ngưỡng mộ những người phụ nữ trong lịch sử ngoài chăm sóc gia đình, con cái còn cầm súng đánh giặc, giữ nước nên tôi thích treo những bức tranh về các cô gái Việt Nam, đặc biệt là những cô thanh niên xung phong” - Vân Anh tâm sự.

Phở Vân gói bánh chưng phục vụ Tết Nguyên đán

Nhớ về cơ duyên đưa mình đến với đất nước Thái Lan, chị chia sẻ: Tôi sinh ra tại thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Cách đây khoảng 15 năm, tôi bán hàng quần áo trên phố Thợ Nhuộm thì gặp chồng tôi, người Singapore sang Hà Nội công tác. Sau đó, chúng tôi yêu nhau rồi nên duyên vợ chồng. Tôi khăn gói theo chồng về Singapore sinh sống. Tại đây, tôi không ăn được các món ăn Singapore mà đồ ăn Việt Nam thì rất hiếm. Nếu có thì cũng đã bị mai một, không còn giữ được hương vị đặc trưng của món ăn. Năm 2012, chồng tôi chuyển sang công tác tại Bangkok, tôi cũng “vác” 2 con đi theo. Là một người rất thích ăn phở và bánh mì, có thể nói là “nghiện”, khi sang Bangkok, những lúc thèm phở tôi thường tự nấu cho chồng con ăn. Tôi nhận thấy ở Thái Lan nguyên liệu rất phong phú, không khan hiếm như ở

Singapore nên tôi mong muốn mở một nhà hàng Việt Nam, trước là để phục vụ những người Việt Nam xa quê hương, sau là để người Thái biết đến văn hóa ẩm thực của Việt Nam nhiều hơn.

Năm 2015, quán Phở Vân ra đời. Dù gặp muôn vàn khó khăn khi hơn một năm đầu không có khách, cô chủ sinh năm 1982 tưởng như phải đóng cửa nhưng Vân Anh vẫn cố gắng bám trụ, tìm ra nguyên nhân, giải pháp. Chị nhận thấy món chủ đạo của nhà hàng là phở thì người Thái lại không thích ăn. Họ thường hỏi có món “nẻm nương” (nem nướng) không? Nếu không có họ bỏ đi.

Món phở bò tại nhà hàng Phở Vân

Trở về Việt Nam, tìm ăn một quán nem nướng Nha Trang tại Hà Nội và cũng thấy khá ngon, chị mang món nem nướng Nha Trang sang, chế biến nước chấm đậm đà cho phù hợp với khẩu vị người Thái. May mắn là được khách hàng đón nhận và yêu thích. “Chính món nem nướng đã “cứu” nhà hàng. Nhưng tôi vẫn không muốn bỏ món phở bò khỏi thực đơn vì phở là một trong những món ăn linh hồn của ẩm thực Việt. Tôi cứ kiên trì, điều chỉnh dần cho phù hợp với khẩu vị người Thái nhưng vẫn phải giữ được nguyên bản phở Việt. Dần dần khách hàng biết đến món phở Việt Nam nhiều hơn và yêu thích, giới thiệu bạn bè, người thân đến ăn. Đến nay phở lại trở thành món bán chạy nhất của nhà hàng” - Vân Anh cho biết. Ngoài món phở và nem nướng, Phở Vân còn bán thêm bánh mì, bún chả, cà phê, bánh ngọt… Điều đặc biệt là các đầu bếp tại Phở Vân đều là người Thái và Lào. Vân Anh chỉ phổ biến công thức món ăn, còn họ tự đứng bếp. Chị cũng khuyến khích họ sau này mở nhà hàng Việt Nam trên đất Thái hoặc Lào để lan tỏa văn hóa ẩm thực Việt Nam đến người dân bản địa.

Những ngày Tết đang cận kề…

Trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành, Phở Vân cũng phải đối mặt với tình trạng căng thẳng khi thời gian dài không có khách, thu nhập giảm 70%, hơn 20 nhân viên có nguy cơ mất việc. Lúc đó, chị rất lo lắng là hơn 20 nhân viên mất việc thì họ lấy đâu ra tiền trang trải chi phí cho cả gia đình. Nhận thấy Chính phủ Thái không cấm các nhà hàng đóng cửa hoàn toàn nhưng không khuyến khích khách ngồi ăn tại quán, chị nảy ra ý tưởng mở các gian hàng nhỏ cho khách mang về tại các trung tâm thương mại. Trời không phụ lòng người, may mắn là các cửa hàng đều bán được, dù không được như lúc trước dịch nhưng các nhân viên đã không phải nghỉ việc.

Quá trình khởi nghiệp của cô chủ Vân Anh cũng trải qua nhiều gian nan, thử thách nhưng mỗi lời khen ngợi của khách hàng lại là động lực để chị tiến lên phía trước. Khi mới mở nhà hàng, chị nghĩ sẽ phục vụ người Việt là chính nhưng thực tế khách hàng của Phở Vân 90% là người Thái. Do đó, chị lại phải điều chỉnh các món ăn cho phù hợp với người Thái. Bên cạnh đó, ẩm thực Thái Lan vô cùng phong phú nên để “cạnh tranh” thì Phở Vân phải không ngừng học hỏi, đổi mới, sai đâu sửa đó chứ nhất định không bỏ cuộc.

Năm 2018, chồng Vân Anh quay trở về Singapore làm việc, các con cũng theo bố để thuận lợi cho việc học hành. Đứng trước sự lựa chọn về Singapore hay ở Thái, Vân Anh đã quyết định ở lại Bangkok, gắn bó và xây dựng Phở Vân. May mắn là chồng Vân Anh hoàn toàn ủng hộ quyết định của vợ. Hiện Phở Vân có 2 cơ sở tại Bangkok.

Cũng như Phở Vân, Le Hanoi cũng là nhà hàng do bà chủ người Hà Nội Nguyễn Hồng Hoa mở trên con đường sầm uất Ratchadaphisek, quận Din Daeng, Bangkok. Thực đơn của quán khá đa dạng, ngoài phở bò và phở gà còn có bún chả, bún mọc, bún riêu, bánh cuốn. Tên quán Le Hanoi và biểu tượng Khuê Văn Các cách điệu đã được đăng ký bản quyền với Bộ Khoa học - Công nghệ và Bộ Thương mại Thái Lan. Trong Cuộc thi ẩm thực “Rhythm of the Earth” tổ chức tại Bangkok năm 2012, Le Hanoi đã giành giải Nhì với món “đùi gà nhồi thịt nấm” do chính tay bà Hoa chế biến. Đây là cuộc thi ẩm thực quốc tế khá uy tín, thu hút nhiều đầu bếp, quán ăn nổi tiếng tới từ Mỹ, châu Âu và châu Á.

Những ngày Tết Nguyên đán đang cận kề cũng là lúc Phở Vân và Le Hanoi tất bật gói bánh chưng, giò lụa, giò xào, dưa món để phục vụ bà con kiều bào và tổ chức Tết quê hương. Vân Anh cho biết: “Năm nào cũng vậy, gần Tết là nhà hàng thông báo nhận đặt gói bánh chưng, giò… Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan cũng là khách hàng thân thiết của Phở Vân. Do ở Thái không có lá dong nên nhà hàng gói bằng lá chuối nhưng gạo nếp được ngâm lá dứa nên cũng ngon không kém bánh chưng quê nhà. Phở Vân cũng tổ chức Tết quê hương cho bà con Việt kiều, bạn bè gặp gỡ, giao lưu, cùng ăn các món ăn Việt Nam, đắm chìm trong các bản nhạc Việt Nam để nhớ về Tết truyền thống nơi quê nhà”.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thuong-hieu-quoc-gia-tren-xu-so-chua-vang-post566224.antd