Thương binh cụt hai tay, mù hai mắt dùng răng, lưỡi nhắn tin trên điện thoại di động

Quả mìn sót lại từ chiến tranh cướp đi cặp mắt, đôi tay nhưng thương binh Trương Đắc Ngọ vẫn làm được khá nhiều việc của một người bình thường, đặc biệt vẫn sử dụng được điện thoại di động. Xem thương binh Trương Đắc Ngọ dùng lưỡi nhắn tin trên ĐTDĐ:Công Kiên

Quả mìn sót lại từ chiến tranh cướp đi cặp mắt, đôi tay nhưng thương binh Trương Đắc Ngọ vẫn làm được khá nhiều việc của một người bình thường, đặc biệt vẫn sử dụng được điện thoại di động.

Xem thương binh Trương Đắc Ngọ dùng lưỡi nhắn tin trên ĐTDĐ:

Mắt và tay bị thương tật nhưng ông Trương Đắc Ngọ lại có khá nhiều tài vặt, điều ấy một phần do sự bù đắp giữa các giác quan, phần khác do sự chăm chỉ luyện rèn. Mọi người xung quanh luôn nể phục khi thấy ông dùng tay giữ điện thoại, lưỡi rà bàn phím, những chiếc răng dùng để bấm chữ nhắn tin, những động tác hết sức điêu luyện và cho kết quả chính xác.

Niềm hạnh phúc của vợ chồng Thương binh Trương Đắc Ngọ. Ảnh: Công Kiên

Niềm hạnh phúc của vợ chồng Thương binh Trương Đắc Ngọ. Ảnh: Công Kiên

Ông Ngọ chia sẻ: “Thời bùng nổ của thông tin, từ người trẻ đến người già đều dùng điện thoại di động để liên lạc và truy cập Internet. Tuy mắt không còn nhìn thấy, đôi tay không còn nguyên vẹn nhưng tôi không muốn mình bị tụt hậu, luôn khao khát theo kịp được mọi người. Điều ấy thôi thúc tôi luyện tập cách sử dụng điện thoại di động”.

Trong một lần làm nhiệm vụ đào hố chôn cột điện thoại ở nước bạn Lào, chiến sỹ Trương Đắc Ngọ không may bị trúng quả mìn sót lại từ chiến tranh khiến ông trở thành người tàn phế, bị mất đôi tay và đôi mắt. Ảnh: Công Kiên

Với người thương binh ấy, để sử dụng được điện thoại di động là cả một quá trình khổ luyện. Trước tiên là phải nắm vững nguyên tắc hoạt động, nhờ các con hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ vị trí, chức năng của mỗi phím trên chiếc máy điện thoại bàn phím. Rồi học cách lưu, rà danh bạ, cách nhắn và gửi tin nhắn.

Làm được như vậy, phải huy động tối đa khả năng của trí tuệ, sự phối hợp nhịp nhàng giữa răng và lưỡi, tay phải luôn giữ vững chiếc máy. Và có khi phải huy động cả sự thính nhạy của đôi tai cũng như sự tin tưởng vào trực giác của mình. Mất cả tháng trời mày mò, cuối cùng ông Trương Đắc Ngọ đã sử dụng được chiếc điện thoại bàn phím khá thuần thục để phục vụ việc buôn bán và liên lạc thăm hỏi anh em, bạn bè.

Mắt và tay bị thương tật nhưng ông Trương Đắc Ngọ vẫn sử dụng điện thoại một cách khá thuần thục. Ảnh: Công Kiên

Ông Trương Đắc Ngọ (SN 1966) ở làng Nghĩa Bắc, xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) nhập ngũ năm 1985, là lính công binh, hoạt động chủ yếu ở nước bạn Lào. Đầu năm 1987, đang cùng đồng đội làm nhiệm vụ đào hố chôn cột điện thoại nơi bìa rừng không may bị trúng quả mìn sót lại từ chiến tranh khiến ông trở thành người tàn phế, rời quân ngũ với tỷ lệ thương tật 85%.

Ông Ngọ dùng tay giữ điện thoại, lưỡi rà bàn phím, dùng răng dùng và lưỡi để bấm chữ nhắn tin, những động tác hết sức điêu luyện và cho kết quả chính xác. Ảnh: Công Kiên

Kết quả của thao tác lưu tên vào danh bạ do ông Trương Đắc Ngọ thực hiện. Ảnh: Công Kiên

Là người giàu ý chí và nghị lực, ông quyết định không đầu hàng số phận và kết hôn với bà Hồ Thị Trúc - người bạn đồng niên ở cùng làng. Hai vợ chồng sát cánh bên nhau vượt qua bao khó khăn, gian khổ cuộc đời và sinh được 3 người con (2 trai, 1 gái).

Hiện nay, nguồn thu nhập chính của gia đình ông là kinh doanh bình khí gas. Với quyết tâm và sự khéo léo của mình, ông Ngọ có thể lắp đặt, thay thế bình gas cho các gia đình trong xã. Nhờ sự nhanh nhạy, năng động và chịu khó, gia đình ông có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, tiện nghi khá đầy đủ.

Ông Ngọ còn có khá nhiều tài vặt khiến bao người kính nể như tự lặp đặt, thay thế bình gas không cần người hỗ trợ. Ảnh: Công Kiên

Ngoài ra, ông Ngọ còn có khá nhiều tài vặt khiến bao người kính nể như đánh “cờ mồm”, giữa bàn cờ tướng, có người xướng thế cờ của mình và của đối phương, lập tức ông tìm được hướng di chuyển cho từng con cờ. Hay một chiếc xe máy chạy qua ông có thể đoán biết xe ấy thuộc hãng nào, dùng loại động cơ gì.

Thương binh Trương Đắc Ngọ tâm sự: “Để có cuộc sống hôm nay, tôi luôn đặt ra mục tiêu vượt lên chính bản thân mình, vượt lên sự nghiệt ngã của số phận, cố gắng làm được những công việc của một người bình thường”.

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/nghe-an-dat-va-nguoi/201710/thuong-binh-cut-hai-tay-mu-hai-mat-dung-rang-luoi-nhan-tin-tren-dien-thoai-di-dong-2854934/