Thung lũng Silicon 'đổ thừa' nhau sau sự sụp đổ của SVB

Sự sụp đổ chóng vánh của ngân hàng Silicon Valley (SVB) đã khiến giới công nghệ ở Mỹ bàng hoàng, tự hỏi làm sao một công ty tài chính lớn lại có thể biến mất nhanh chóng đến vậy.

Ngân hàng Silicon Valley từng là nơi cung cấp dịch vụ tài chính cho gần một nửa doanh nghiệp công nghệ tại Mỹ. Ảnh: AP.

Theo AFP, giống như nhiều ngân hàng ngách khác trên thế giới, SVB tập trung vào một đối tượng khách hàng cụ thể với đặc điểm riêng biệt. Tuy nhiên, chính sự chuyên môn hóa đối tượng khách hàng này đã khiến doanh nghiệp trên sụp đổ.

"Tôi cảm thấy rất giận dữ, buồn bã và sợ hãi. Hãy nhớ rằng tất cả chúng ta đã góp phần gây ra vụ việc này", Nicole Glaros, một nhà khởi nghiệp, chia sẻ trên Twitter.

Tự hại bản thân hoặc hủy hoại hàng nghìn nhà khởi nghiệp khác

"Nếu bạn làm điều đúng đắn và giữ tiền trong ngân hàng thì bạn đang tự hại bản thân. Nhưng nếu làm điều sai trái và rút hết tiền gửi thì bạn đang làm hại hàng nghìn nhà khởi nghiệp khác, những người bạn chưa từng gặp", cô bổ sung.

SVB, được thành lập vào những năm 1980, cho biết có "gần một nửa" các start-up trong lĩnh vực công nghệ và khoa học sự sống tại Mỹ sử dụng dịch vụ của ngân hàng này. SVB cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau nhưng lớn nhất lưu trữ tiền mặt mà start-up nhận được từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, dùng để vận hành công ty.

"Trước khi SVB được thành lập, các start-up gần như không thể gây dựng mối quan hệ với những ngân hàng lớn", Michael Moritz, một lãnh đạo cấp cao của quỹ đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital trả lời Financial Times.

Các công ty khởi nghiệp tại bang California thường bị "bỏ qua và phớt lờ" bởi hệ thống ngân hàng truyền thống và "do tư duy nghịch lý của mình, SVB đã phải trả giá cho lòng trung thành với những doanh nghiệp trên", ông Moritz phân tích.

Theo một số chuyên gia, việc SVB thất bại đến từ các quyết định của lãnh đạo ngân hàng này, những người đã đẩy doanh nghiệp rơi vào một vị trí "dễ bị tổn thương".

Ông Dan Ives, một nhà phân tích tại quỹ đầu tư Wedbush, cho biết SVB đã để bản thân rơi vào trạng thái nguy hiểm khi chỉ tập trung duy nhất vào một loại tài sản có rủi ro cao.

Trong những trường hợp này, tính ổn định của một ngân hàng có thể thay đổi nhanh chóng, đặc biệt khi các khách hàng rơi vào trạng thái hoảng loạn và cùng đi đến một phương án hành động.

Nhiều nhà khởi nghiệp cảm thấy tức giận vì đã buộc phải lựa chọn giữa tự cứu mình và làm hại hàng nghìn người khác. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, trả lời Business Insider, nhà sáng lập quỹ đầu tư March Capital cho biết những nhân tố khác cũng góp phần gây ra vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ 2 trong lịch sử Mỹ.

Làn sóng "đổ thừa"

"Vào hôm 9/3, tôi nhận được một email ngắn gọn từ hội đồng quản trị, với nội dung được viết toàn bộ bằng chữ in hoa. Trong thư là thông điệp 'Rút tiền ngay lập tức'", Clement Cazalot, giám đốc điều hành của start-up Machinery Partner, cho biết.

Theo các hãng truyền thông, những thông điệp cảnh báo về SVB xuất phát từ các quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất ở thành phố San Francisco và thung lũng Silicon như Founders Fund, Union Square Ventures và Coatue Management.

Sự hỗn loạn bắt đầu sau khi một bài phát biểu mang tính trấn an khách hàng rằng SVB vẫn đang hoạt động bình thường, mặc dù doanh nghiệp đang cần gây quỹ để bù đắp cho khoản lỗ từ những quyết định đầu tư thiếu khôn ngoan.

Sau sự sụp đổ của SVB, các quỹ đầu tư mạo hiểm bắt đầu đổ lỗi cho nhau vì đã tạo ra tâm lý hoảng loạn không cần thiết, dẫn đến làn sóng tháo chạy của khách hàng và buộc một ngân hàng có hàng thập kỷ hoạt động phải đóng cửa.

"Tôi nghĩ rằng sau khi sự sụp đổ của SVB được phân tích kỹ càng, chúng ta sẽ phát hiện ra chỉ khoảng 20 người đã quyết định chuyển sang trạng thái sinh tồn vào sáng 8/3 và 9/3. Khi quỹ đầu tư của bạn gọi điện và bảo bạn rút tiền, bạn sẽ làm theo lời họ", giáo sư kinh doanh Scott Galloway của Đại học New York nhận định.

Sự sụp đổ của SVB sẽ còn để lại ảnh hưởng tới thung lũng Silicon trong một thập kỷ tới. Ảnh: Reuters.

Trong một cuộc gọi đến các nhà đầu tư hôm 9/3, giám đốc điều hành của SVB Greg Becker cho biết ngân hàng này sẽ chỉ gặp rắc rối "nếu mọi người truyền tai nhau thông tin tương tự".

"Nếu bạn ở trong rạp chiếu phim vốn hoạt động bình thường và hét lên rằng nó đang cháy, sau đó chúc mừng lẫn nhau khi là người đầu tiên rời đi trong khi những người khác phải gánh chịu hậu quả, liệu bạn có thể ngủ ngon vào cuối ngày", Mark Suster, một quản lý cấp cao tại quỹ đầu tư Upfront Ventures chỉ trích các đồng nghiệp của mình.

Cùng quan điểm với ông Suster, Madison Maxey, nhà sáng lập và giám đốc điều hành công ty khởi nghiệp Loomia, đã bày tỏ sự thất vọng trước tâm lý hoảng loạn của nhiều khách hàng trước khi SVB bị buộc phải đóng cửa.

"Viêc các nhà đầu tư tỏ ra hoảng sợ và cùng tháo chạy khỏi SVB đã không giúp ích cho ngân hàng này. Nếu các nhà đầu tư hiểu được lợi thế của việc bảo vệ một tổ chức tài chính lớn thay vì chỉ nghĩ về bản thân, tôi nghĩ rằng vụ sụp đổ ngành ngân hàng lớn thứ 2 trong lịch sử Mỹ sẽ không xảy ra", bà Maxey cho biết.

Tuy nhiên, trả lời Forbes, lãnh đạo của một số quỹ đầu tư gửi thông điệp cảnh báo đến các nhà khởi nghiệp cho biết trách nhiệm của vụ việc vừa qua không thuộc về họ.

"Công ty có nhiệm vụ phải trấn an thị trường. SVB đã hoàn toàn thất bại trong công việc này. Họ phải chịu những khoản lỗ lớn nhưng không hề đưa ra những giải pháp nhằm đảm bảo tính ổn định tài chính của ngân hàng. Sau khi mọi thứ đổ vỡ, họ lại bắt đầu đổ lỗi cho thị trường", lãnh đạo của một quỹ đầu tư trả lời Forbes.

"Bạn không thể đổ lỗi cho người tiêu dùng khi họ muốn rút tiền khỏi ngân hàng", người này bổ sung.

An Bình

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thung-lung-silicon-do-thua-nhau-sau-su-sup-do-cua-svb-post1411943.html