Thung lũng Silicon đang trả giá vì thần tượng hóa Steve Jobs quá lâu

Nhà sáng lập Apple Steve Jobs được gọi là doanh nhân lớn nhất thế giới mọi thời đại và là giám đốc điều hành giỏi nhất thế hệ hôm nay.

Nhà sáng lập Apple Steve Jobs truyền cảm hứng về một thế hệ CEO thiên tài nhưng bạo ngược - Ảnh: Reuters

Dù vậy, ông cũng là người bị cho là đã quát tháo người khác trong 30 phút liên tục, phớt lờ nhân viên vào giờ ăn trưa, mắng nhân viên khách sạn, nhà hàng, đỗ xe ở khu vực dành cho người khuyết tật, nói rằng nhân viên phòng quản lý nhân sự có vấn đề tâm thần và nói thẳng với các nhân viên khác về việc họ tệ đến mức nào, theo trang Quartz.

Từ nhà tư bản công nghiệp đường sắt thế kỷ 19 George Pullman đến ông Spacely của hãng The Jetsons, CEO vẫn luôn bị xem là những người chẳng mấy thân thiện. Song trong những năm gần đây, chuyện cư xử gắt gỏng, khó chịu bỗng trở thành một đặc điểm truyền cảm hứng.

Tiểu sử Steve Jobs không chỉ để lại tiếng vang ở Hollywood mà còn tạo ra một cuốn sổ tay cho bất kỳ giám đốc điều hành nào muốn tìm cách trút bỏ cơn thịnh nộ của họ. Bên cạnh việc kể lại chi tiết hành vi nghiêm khắc và mong muốn hạ người khác xuống của Steve Jobs, tác giả Walter Isaacson của quyển tiểu sử còn viết “những người không bị “nghiền nát” cuối cùng trở nên mạnh mẽ hơn”. Ông viết rằng những nhân viên bị ông Jobs đối xử khắt khe nhất cuối cùng đạt được nhiều điều “họ chưa từng mơ tới”. Nói cách khác, quyển sách cho rằng việc nói với nhân viên công việc họ làm là đồ bỏ, và đậu chiếc Mercedes của bạn tại chỗ đỗ xe dành cho người tàn tật, cuối cùng cũng giúp bạn có sản phẩm thành công.

Không có gì ngạc nhiên khi chúng ta có những người như CEO Uber Travis Kalanick và CEO Amazon Jeff Bezos gây chú ý vì hành vi quá mức của họ. Nhiều sếp Uber rời công ty, trong khi nhiều nhà đầu tư công khai chỉ trích ông Kalanick, nói rằng nơi làm việc của Uber có “độc hại”. Amazon thì nổi tiếng là nơi làm việc khắc nghiệt, nơi làm việc mà nhiều người đàn ông trưởng thành che mặt rời khỏi phòng họp để giấu nước mắt.

Có lúc, dường như Thung lũng Silicon quyết định rằng kết nối internet quan trọng hơn kết nối con người, rằng sự dư thừa của trí tuệ kỹ thuật có thể bù đắp cho sự thiếu sót về mặt tình cảm. Thung lũng Silicon cho rằng nếu việc này giúp được một thiên tài như ông Jobs, nó không phải là chuyện xấu.

Dù phong cách quản lý này có thể đem lại kết quả trong ngắn hạn, nhân viên không thể làm việc hết mức với một ông chủ đòi hỏi và chỉ biết yêu bản thân. Theo Tiểu sử Steve Jobs, lời nói quá đáng của ông cuối cùng khiến nhân viên tổn thương. Sau khi làm việc 90 giờ mỗi tuần trong 10 tháng, một nhân viên Apple cuối cùng tức giận bỏ việc sau khi ông Jobs bước vào phòng và nói rằng ông chẳng ấn tượng về công việc họ đang làm. Nhà đồng sáng lập Apple Steve Wozniak cho hay một số cá nhân sáng tạo nhất, làm việc cho Macintosh của Apple, đã bỏ công ty và từ chối làm việc cho ông Jobs thêm lần nữa. Vì tính khí nóng nảy của giám đốc điều hành, Apple mất nhiều tài năng ấn tượng.

Nghiên cứu mới đây khẳng định quan điểm này khi cho thấy rằng lãnh đạo theo kiểu độc tài, khắc nghiệt không chỉ khiến nhân viên mất động lực, gây bất đồng nơi công sở mà còn dẫn đến nhiều vấn đề tệ hơn như trầm cảm, cao huyết áp hoặc thậm chí chết sớm.

Song liệu chúng ta có thể đổ lỗi môi trường làm việc với cảm xúc “chết” này cho Steve Jobs? Ông Issacson cho hay: “Các nhà quản lý muốn bắt chước ông Jobs bằng cách thô lỗ hoặc hiếu chiến không hiểu vấn đề. Ông Jobs phấn đấu cho sự hoàn mỹ”.

Tuy nhiên, cách giải thích của Issacson chỉ ra chính vấn đề về cách quản lý. Steve Jobs và tất cả giám đốc điều hành đều muốn sự hoàn hảo. Song tại sao việc bắt nạt lại được coi là cách làm được chấp nhận và hiệu quả, là cách để khuyến khích đội ngũ nhân viên hoàn thiện mình? Ông Jobs từng nổi tiếng về cách sa thải nhân viên, thường là công khai, và việc này khiến người bị sa thải bẽ mặt hơn. Nếu cho rằng cách giải thích của Issacson là đúng, có phải chúng ta cũng cho rằng việc làm bẽ mặt nhân viên là thứ khiến Apple trở nên tuyệt vời?

Nghiên cứu mới đây về sự xấu hổ và tác động tiêu cực của nó lên sức sáng tạo, động lực, hành vi của một người cho thấy sự xấu hổ liên quan đến nhiều vấn đề như trầm cảm, nghiện rượu, béo phì, bạo lực và thậm chí tái phạm với những người từng phạm pháp. Tác giả Brené Brown của nghiên cứu viết: “Sự xấu hổ gặm nhấm khả năng thay đổi”. Vì thế, khiến nhân viên áp lực và cảm thấy bản thân họ tồi tệ không chỉ là công cụ lãnh đạo thiếu hiệu quả mà còn thực sự là cách lãnh đạo lười biếng. Bạn không cần kỹ năng đặc biệt để la hét vào mặt ai đó trong khi quả thực rất dễ dàng để trở nên mất kiểm soát giữa lúc tức giận hoặc thất vọng. Song để lãnh đạo với lòng tự trọng, sự bình tĩnh, lòng tốt và sự tự nhận thức lại cần rất nhiều nỗ lực, cần sự trưởng thành. Việc này không đến một cách tự nhiên đối với hầu hết chúng ta.

Trí thông minh tình cảm (EI) nên là yếu tố hàng đầu đối với lãnh đạo doanh nghiệp. Kỹ năng này có thể được dạy, CEO có thể thay đổi và chúng ta có thể đòi hỏi nhiều hơn. Lúc này, một ông chủ không cộc tính, cáu gắt ở Thung lũng Silicon mới chính là nhân tố đi theo khẩu hiệu “thinking different”.

Thu Thảo

Thu Thảo

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/thung-lung-silicon-dang-tra-gia-vi-than-tuong-hoa-steve-jobs-qua-lau-837052.html