Thuế thu nhập chứng khoán: Lỗ vẫn phải nộp?

KTĐT - Đến thời điểm này, dù việc tạm khấu trừ thuế thu nhập chứng khoán cá nhân đã được áp dụng, nhưng hiện nay nhiều nhà đầu tư (NĐT) cũng không quan tâm đến vấn đề làm thủ tục, thậm chí nhiều trường hợp chưa có mã số thuế để thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi.

Do cách tính thuế 20% trên thu nhập từ chứng khoán phức tạp, cộng thủ tục đăng ký, kê khai khó khăn, NĐT chỉ còn cách nộp 0,1% cho tiện. Cách thu này khiến rất nhiều NĐT dù lỗ vẫn phải nộp thuế. Rối từ khâu đăng ký Theo quy định, NĐT được lựa chọn 1 trong 2 phương thức nộp thuế: Một là 20% trên tổng lợi nhuận thu được từ kinh doanh chứng khoán cả năm, hai là 0,1% trên tổng giá trị mỗi lần chuyển nhượng. Nếu chọn cách nộp thuế theo thuế suất 20%, NĐT phải liên hệ với cơ quan thuế để đăng ký trước ngày 31/12 của năm trước (nộp theo thuế suất 0,1% thì không cần đăng ký). Có thể thấy, nếu NĐT chọn phương án đóng thuế theo mức trích 0,1% trên giá chuyển nhượng thì rất nhàn cho cơ quan thuế, bởi họ chỉ cần yêu cầu CTCK trích luôn 0,1% này và nộp về cơ quan thuế. Nếu NĐT lựa chọn phương pháp nộp 20% trên tổng lợi nhuận thì NĐT phải lập, hoàn thiện chứng từ và chứng minh trước cơ quan thuế về những chi phí hợp lý, hợp lệ của họ. Ngoài ra, NĐT vẫn phải tạm nộp 0,1% trên tổng giá trị mỗi lần chuyển nhượng và đến cuối năm mới thực hiện quyết toán thuế. Nếu số thuế đã nộp trong năm thừa thì NĐT sẽ được nhận lại, nếu thiếu thì phải nộp bù. Bên cạnh đó, phương thức 20% đòi hỏi phải có sổ sách kế toán để xác định giá mua, giá bán... trong khi thực tế rất khó xác định lời lỗ, nhất là trường hợp NĐT mua cùng một loại cổ phiếu tại nhiều mức giá khác nhau, sau đó bán đi. Nộp 1 lần cho xong! Do cách tính thuế 20% trên thu nhập từ chứng khoán phức tạp, cộng thủ tục đăng ký, kê khai khó khăn, NĐT chỉ còn cách nộp 0,1% cho tiện. Theo đại diện của Công ty chứng khoán FPT (FPTS), "Cách tính này giúp xong giao dịch nào giải quyết dứt điểm luôn, không cần lưu lại hồ sơ giấy tờ trong cả năm và thực hiện quyết toán rắc rối vào cuối năm”. Tuy nhiên, chọn cách nộp 0,1% trên giá trị chứng khoán mỗi lần bán đồng nghĩa với việc NĐT chấp nhận một thực tế: lỗ vẫn phải đóng. Khi được hỏi về vấn đề này, ông Hoàng Thạch Lân, Phó giám đốc Công ty chứng khoán SME, cho rằng: "Việc thu thuế là không tránh khỏi, NĐT tránh một lần không thể tránh mãi. Việc thêm 0,1% như vậy cũng giống như các Công ty chứng khoán tăng thêm một phần phí giao dịch so với hiện hành. Nếu triển vọng dòng tiền vào thị trường sáng sủa, giao dịch chứng khoán đạt mức khả quan, thì mức nộp 0,1% trên tổng giá trị bán sẽ không là trở ngại của NĐT khi mua bán cổ phiếu. Tuy nhiên, với những NĐT thực hiện giao dịch hàng ngày, có giá trị giao dịch lớn, việc lựa chọn phương thức 0,1% có thể bất lợi hơn phương thức nộp 20% thu nhập chịu thuế. Theo khuyến nghị của Tổng cục Thuế, NĐT cần có mã số thuế để hưởng các quyền lợi như được giảm thuế nếu bị thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc bị bệnh hiểm nghèo; được lựa chọn cách tính thuế thu nhập cá nhân theo mức thuế suất là 20% đối với thu nhập từ kinh doanh chứng khoán; được hoàn thuế thu nhập cá nhân nếu nộp thừa; được cung cấp các dịch vụ về thuế nhanh chóng, thuận tiện. Việt Anh

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=11&newsid=198247