Thuế: Chuyện không chỉ của Google và Facebook

ICTnews - Những câu chuyện lùm xùm về nghĩa vụ thuế của Google và Facebook đang được mổ xẻ rất nhiều tại Việt Nam. Tuy nhiên để đưa ra phương án thu thuế phải xem xét kỹ lưỡng, bởi vẫn còn nhiều mô hình kinh doanh trực tuyến khác hoạt động tương tự.

Nhiều dịch vụ tương tự

Vấn đề nổi cộm đang được bàn trong hoạt động kinh doanh trực tuyến của Google và Facebook tại Việt Nam là việc đánh thuế các hoạt động quảng cáo thông qua thanh toán bằng thẻ tín dụng. Theo thống kê từ nhiều nguồn khác nhau, việc thanh toán này chiếm đến 80% trong hoạt động của 2 công ty này ở Việt Nam. Một số doanh nghiệp trong nước cho rằng, với cách kinh doanh đó cả Google và Facebook đã "né thuế" tại Việt Nam và tạo nên sự cạnh tranh không công bằng đối với các doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, với những lập luận đưa ra như trên, câu chuyện thực sự vẫn chưa dừng lại ở hai cái tên "Google" và "Facebook" mà còn xảy ra ở rất nhiều dịch vụ tương tự khác. Bởi trong thời đại Internet mở như hiện nay, các dịch vụ thương mại điện tử kinh doanh xuyên quốc gia đang ngày càng trở nên phổ biến.

Đơn cử, có thể kể đến các kho ứng dụng (Store) cung cấp những dịch vụ cho điện thoại, máy tính bảng… như Apple Store của Apple, Play Store (dành cho thiết bị sử dụng hệ điều hành Android) của Google, Ovi Store của Nokia… Các kho ứng dụng này cũng hoạt động kinh doanh trực tuyến theo kiểu giao dịch qua thẻ tín dụng, người dùng hay doanh nghiệp mua ứng dụng một cách trực tiếp về máy của mình và dùng thẻ để thanh toán.

Theo đại diện của Nokia khu vực Đông Dương, tính đến cuối tháng 12/2011, kho ứng dụng Ovi Store của Nokia đã có khoảng 100 triệu lượt tải ứng dụng từ Việt Nam. Nếu đưa ra một con số ước lượng khoảng 10% số ứng dụng tải về này là có phí và trung bình giá mỗi ứng dụng là 1USD thì lượng tiền người dùng bỏ ra mua có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Chưa kể 2 kho ứng dụng nữa cũng đang được người dùng trong nước tải về rất nhiều là Apple Store và Play Store. Mặc dù chưa có thống kê cụ thể nhưng theo các chuyên gia nghiên cứu thị trường thì số tiền mà người dùng Việt bỏ ra để mua ứng dụng từ các kho này và rất khó kiểm soát.

Ngoài ra, còn một loạt dịch vụ khác như các mạng xã hội nước ngoài, dịch vụ tìm kiếm, các trang blog, mail kinh doanh của Yahoo! hay Google… cũng đang hoạt động tại Việt Nam và đưa ra những hình thức kinh doanh quảng cáo trực tuyến như ở trên, người dùng hoàn toàn thanh toán bằng thẻ tín dụng.

Đánh thuế hay không đánh thuế?

Vấn đề này được ông Nguyễn Thế Tân, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Việt Nam (VCCorp) đưa ra. Theo ông, với các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến nước ngoài như Google và Facebook không nên nhìn nhận dưới góc độ phải quyết tâm đánh thuế bằng được để công bằng với doanh nghiệp trong nước.

"Ngành công nghiệp kinh doanh trực tuyến còn non trẻ và sẽ nhanh chóng trở thành ngành mũi nhọn. Để tạo điều kiện cho ngành này phát triển, tôi cho rằng không nên nghĩ tới việc đánh thuế Google và Facebook, mà tạm thời nên miễn thuế cho doanh nghiệp nước ngoài và cả những doanh nghiệp thuộc ngành kinh doanh trực tuyến trong nước", ông Tân nhấn mạnh.

Ông Tân cũng cho rằng muốn đánh thuế hay không cần phải trả lời 3 câu hỏi: Đánh thuế quảng cáo online có lợi hay có hại trên phương diện toàn ngành? Có thật sự cần công bằng về thuế không? Nếu công bằng thì đánh thuế cả doanh nghiệp trong nước lẫn nước ngoài hay miễn thuế cho cả hai? Ông hy vọng rằng các nhà chính sách thuế sớm tổ chức những cuộc thảo luận để đưa ra quyết sách cho vấn đề này.

Xung quanh thắc mắc về vấn đề kiểm soát đồng tiền của người dùng Việt Nam đang chảy ra nước ngoài thông qua các dịch vụ kinh doanh trực tuyến, vị đại diện này cho rằng, nếu đặt vấn đề về tiền của Việt Nam chảy ra do mua quảng cáo thì cũng nên nhìn nhận rằng tiền của nước ngoài đang chảy vào trong nước thông qua việc người dùng Việt Nam được sử dụng miễn phí nhiều dịch vụ tuyệt vời của Google, Facebook.

Lê Mỹ

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/home/Internet/77/Thue-Chuyen-khong-chi%C2%A0cua-Google-va-Facebook/101788/index.ict